“Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”. Ảnh minh họa |
Có một Hà Nội rất khác
“Con sâu phải trải qua một khoảng thời gian “cô lập” trước khi nó lột xác trở thành con bướm. Hãy trân trọng thời gian bạn có một mình. Nó sẽ làm bạn mạnh mẽ hơn” (Steve Aichison). Có lẽ hơn bao giờ hết câu nói này lại có ý nghĩa với chúng ta như lúc này. Khi cả thế giới đang đối mặt với một biến cố lớn và điều ta cần làm nhất lại là “cô lập” và “cách ly”.
Từ hai tháng nay, sự đổi thay trong đời sống thường ngày đã được minh chứng khi học sinh thay vì đến trường phải nghỉ học để giảm nguy cơ lây nhiễm. Cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng quán, di tích văn hóa phải đóng cửa tạm dừng hoạt động để phòng chống Covid-19. Nhiều người thay vì đến công sở làm việc đã làm việc tại nhà.
Đường phố không còn tấp nập cảnh người xe, cuộc sống dường như chậm lại nhưng đó là sự cần thiết để ngăn chặn dịch bệnh. Có một Hà Nội rất khác khi chúng ta có thể nhìn sâu vào từng con ngõ, từng con phố vắng, không còi xe, khói bụi, không ồn ào quán xá. Có một Hà Nội nhẹ tênh của những năm 90 thế kỷ trước. Hà Nội tựa một cô gái trong những ngày cuối xuân bỗng đẹp kiều diễm, ảo diệu và sạch bong đến nao lòng…
Và trước giờ cách ly, khi chỉ thị của Thủ tướng được phát đi, người dân lại nháo nhào mua đồ tích trữ: “Dân khu em loạn cả lên mua hàng tích trữ. Nhà em không ngoại lệ. Lạ là những người cũng đã trải qua thời chiến rồi, cũng làm như sắp chết đến nơi. Nhiều người như hứng khởi với cái thời khốn khó ai cũng bình đẳng như ai ấy trở lại. Tất nhiên trong một cơn sóng thần thì anh tài phiệt với thằng ăn mày bằng nhau... Em chục ký gạo, con cá khô với cái võng, em lên rừng Hòa Lạc sống ngon”.
Nhiều bạn trẻ bày tỏ: Chiến tranh, đại dịch là những tình huống vô cùng đặc biệt, biện pháp xử lý do đó cũng cần phải đặc biệt, bởi đó là sự lựa chọn giữa sự sống và cái chết của rất nhiều người. Nhịn làm, nhịn chơi hai tuần là để góp phần giảm bớt tốc độ lây lan của dịch bệnh, giúp ngành Y không bị quá tải để chăm sóc các bệnh nhân được tốt hơn, cũng chính là để bảo vệ chính mình và người thân của mình.
Việt Nam cố lên! Tài sản lớn nhất là sức khỏe. Cách ly toàn xã hội là điều lần đầu trong đời mình trải qua, một dấu mốc khó quên rồi sẽ thuộc về lịch sử. Tình người, lòng biết ơn như ngọn lửa, cứ thế nhen lên rồi lan toả. Cảm ơn đội ngũ y, bác sĩ đã luôn vững vàng trên tuyến đầu chống dịch.
Đúng thật, “sự sống chẳng bao giờ chán nản”. Dịch bệnh sạch thì kinh tế nội địa, đặc biệt là dịch vụ sẽ hồi sinh, nhu cầu nhập khẩu, du lịch của Âu Mỹ giảm thì Trung, Hàn, Nhật và chính thị trường nội địa sẽ tăng lên bù lại. Tất nhiên tự dưng cua gấp thì sẽ hơi xóc, nhưng biết đâu lại Tái Ông thất mã, tốt về lâu dài cho cả con cháu ta nữa và không chỉ là về kinh tế.
Và ở góc độ khác là những lời răn để mỗi người ngộ ra nhiều điều: “Mùa dịch này là dịp rất quý để con quan sát chính mình và mọi người và sẽ thấy ra rất nhiều điều. Thấy ra sự thật là cuộc sống này dễ bị tổn thương ra sao, thấy bản chất không chắc chắn của cuộc đời, thấy sự yếu ớt và mất phương hướng của mọi người, thấy sự hoảng loạn và cách mọi người làm mồi cho phiền não như thế nào… Dịch bệnh là cơ hội hiếm có để các góc khuất trong cuộc sống, trong các mối quan hệ, các giá trị sống… lộ diện ra. Nó có thể gây ra khủng hoảng và rồi mọi thứ sẽ phải trải qua quá trình tự điều chỉnh, một số thứ sẽ tan vỡ, một số thứ được làm mới… Cuộc sống sẽ không còn như cũ nữa. Quan sát bên trong sẽ giúp con mạnh mẽ hơn và tin tưởng hơn vào điểm tựa chính đáng ở bên trong mình. Đây là cơ hội để con nhận diện các góc khuất, tự điều chỉnh và trưởng thành. Đừng bỏ phí con nhé”… là lời răn của sư Tâm pháp.
Và thời gian tuyệt diệu của sự lắng đọng
Chị Nguyễn Phương Hoa, một HLV Yoga, tác giả sách “Đi và yêu” chia sẻ: Lướt qua FB, thấy khá nhiều bạn chưa gì đã “cuồng chân” vì phải ở nhà. Thế là nghĩ ra đủ thứ để làm, nào là bày vẽ nấu ăn, nghĩ ra thứ để dạy con học, đăng ký khóa học, mua máy tập, theo các lớp học online… Thậm chí có bạn còn đăng ký hẳn vài, ba khóa học trực tuyến môn này, môn nọ... Hình như ai cũng sợ sau hai, ba tuần ở nhà, mình sẽ… béo ra, ù lì đi, chậm chạp hơn… hoặc là sợ lãng phí thời gian…!!!
Bạn có nhận ra là mình quá “động” không? Nhu cầu lúc nào cũng phải “làm cái gì đó” đã trở thành thói quen tới độ bạn không thể ngừng lại được không? Khi còn phải làm việc thì bạn than vãn không có thời gian nghỉ ngơi. Khi có thể nghỉ thì cảm thấy bất an vì “không làm gì cả”!
Nếu bạn không biết trân quý cái “tĩnh” thì bạn chẳng bao giờ có thể “tĩnh” được hết. Bạn sẽ luôn ở trong trạng thái bồn chồn, xáo động. Luôn cần phải tìm gì đó để làm, để lấp đi nỗi sợ hãi về một khoảnh khắc “trống trải” trong đời bạn. Bạn không thể cho mình được thư thái, thanh nhàn, thong thả.
Bạn hãy nhìn thiên nhiên những ngày này đang hồi phục, không khí trong lành như thế nào… Chính sự dừng lại của các hoạt động điên cuồng trên toàn cầu mà trái đất có thời gian nghỉ ngơi và tái tạo. Bạn cũng vậy thôi. Bạn cũng là một tiểu vũ trụ và cũng vô cùng cần những khoảng ngơi nghỉ để làm mới mình.
Vì thế, hãy biết trân trọng những ngày nghỉ hiếm quý này, khi mà không chỉ bạn nghỉ mà cả thành phố, đất nước, toàn cầu cùng nghỉ ngơi. Đó là khoảng thời gian tuyệt diệu của sự lắng đọng, là cơ hội trăm năm có một để bạn hoàn toàn thư giãn.
Hãy vứt sang một bên mọi thứ cố gắng “tranh thủ” để làm này, làm nọ, học thêm cái này, cái kia, tập này, tập nọ, cố mà đào trên online ra đủ thứ để tự làm mệt mình đi!
Hãy để cho bạn được thảnh thơi ngủ thật ngon, có thời gian uống một ly trà được pha thật khéo, ngắm một đóa hoa, hãy biến mỗi ngày “cách ly” của bạn thành một ngày nghỉ thật bình an, thật thư thái, thật hài hòa.
Hãy xem phim vui, đọc sách nhẹ nhàng (tránh xa phim bạo lực, sách kinh doanh, sách “hại não”), nghe nhạc, vận động đơn giản, vui chơi với con cái, yêu chồng/vợ, trò chuyện với bố mẹ… Hãy sống!
Hãy sống trọn vẹn trong sự thư thái, đừng trong tâm thế quay cuồng chạy từ bếp ăn tới phòng học, làm việc online, ép mình học thêm này nọ… để kết thúc một ngày trong trạng thái mệt phờ còn hơn cả khi đi làm!
Hãy tận hưởng từng phút giây này, vì chỉ hai, ba tuần nữa thôi, bạn sẽ quay lại guồng quay của cuộc sống và bạn sẽ bỏ lỡ cơ hội được sống trong bầu không khí này! Làm ơn nghỉ ngơi! Hãy biết ơn tất cả những gì bạn có, mọi người bạn biết và mọi thứ bạn đang có. Điều gì về chúng ta, con người mà chúng ta có được sự sống?
Chúng ta thực sự có quá nhiều sự lựa chọn, rất nhiều cơ hội và cơ hội hiện nay, đến nỗi chúng ta khó có thể đánh giá cao ngay cả những phước lành nhỏ nhất? Chúng ta đã thực sự mất đi một phần của chúng ta làm cho chúng ta là con người?
Chúng ta không còn trân trọng những niềm vui đơn giản của cuộc sống hàng ngày. Chúng ta không còn chú ý khoảnh khắc. Chúng ta không thấy giá trị trong những mảnh nhỏ của cuộc sống. Chúng ta không còn bày tỏ lòng biết ơn đối với những gì chúng ta trải nghiệm.
Chúng ta càng tập trung vào việc thể hiện hàng ngày, chúng ta càng có nhiều khả năng biết ơn hơn về khoảnh khắc hiện tại là khoảnh khắc duy nhất có sẵn cho bạn. Đó là điều duy nhất thực sự quan trọng ngay bây giờ. Điều duy nhất mà chúng ta có. Vì vậy, tại sao không biết ơn nó? Tại sao không nắm lấy nó bằng cả hai tay và trân trọng tất cả các phước lành mà cuộc sống mang lại cho bạn? Bạn còn sống. Bạn đang thở. Mặt trời chiếu sáng. Những con chim đang hót líu lo. Cả nhà bạn có mùi bánh quy. Giường của bạn ấm áp… Tất cả đều xảy ra ngay lúc này. Bạn có nhiều hơn bạn cần. Bạn có tất cả. Đó còn là lòng biết ơn.
Mỗi trải nghiệm mà chúng ta trải qua trên hành trình của mình, dù tốt hay xấu, không gì khác hơn là một bài học mà chúng ta cần học để tiếp tục. Đó là điều mà chúng ta nên luôn biết ơn. Lòng biết ơn làm cho chúng ta hạnh phúc hơn, đẹp hơn, tích cực hơn và đánh giá cao hơn về con người và những thứ chúng ta có trong cuộc sống. Biết ơn mọi trải nghiệm trong cuộc sống là chìa khóa để tìm thấy hạnh phúc. Đó là nhìn thấy những điều tốt đẹp trong mọi tình huống và chọn hy vọng thay vì tuyệt vọng. Bất cứ điều gì bạn đi qua, hãy biết ơn những kinh nghiệm của bạn. Bởi vì mọi thứ xảy ra với bạn đều xảy ra vì một lý do.
Còn nhà văn Hoàng Anh Tú cũng bày tỏ: Covid-19 thay đổi thế giới chúng ta đang sống một cách chóng mặt. Có những thứ thay đổi đáng sợ như từ việc chính phủ kêu gọi hạn chế phương tiện cá nhân, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng giờ thì ngược lại. Từ việc cha mẹ nào cũng mong con bớt thời gian máy tính, smartphone thì giờ ngược lại... Từ việc kêu gọi mọi người ra đường giờ thì yêu cầu mọi người nên ở nhà. Xăng giảm giá xuống bằng giá của 11 năm về trước. Nhờ Covid-19, không khí trong lành, không còn biểu tình, đã hết chiến tranh... Nhiều năm về sau, nhớ lại những ngày này chúng ta sẽ nhớ về điều gì?
Mỗi ngày tôi chọn ngồi thật yên
Nhìn rõ quê hương, ngồi nghĩ lại mình
Tôi chợt biết rằng vì sao tôi sống
Vì đất nước cần một trái tim!...