Niềm mơ ước lớn nhất của bao thế hệ người dân nơi đây là có một cây cầu kiên cố, một con đường mới để việc đi lại của người dân an toàn, dễ dàng hơn.
Tiềm ẩn nguy hiểm từ con đường nhỏ hẹp
Bản Pác Nà xinh đẹp nằm cách trung tâm xã Bạch Đằng khoảng 7km, tuy nhiên để vào đến bản phải đi mất nửa ngày đường vì điều kiện đường sá vô cùng khó khăn. Đường vào bản vòng vèo, khúc khuỷu, một bên là sườn đồi có thể bị sạt lở bất kỳ lúc nào, một bên là vực thẳm khiến người nào lơ đãng chỉ cần lạc tay lái hoặc sảy chân là có nguy cơ mất mạng.
Người dân ít khi đi xe máy, càng không dám vận chuyển nặng hay hàng hóa cồng kềnh vì rất khó lái xe qua đoạn đường nhỏ hẹp này. Và mỗi khi người dân liều mạng đi bằng xe máy qua đây họ lại được một phen hú vía, “về tới nhà mới biết là còn sống”.
Được biết năm 2013, 7 hộ dân bên kia sông ở xóm Pác Nà đã tự vận động nhau góp tiền để mở rộng con đường mòn, đoạn từ cầu về xóm để có thể đi xe cộ về đến nhà. Đến đầu năm 2015, xóm mới nhận được một phần ngân sách hỗ trợ của Nhà nước trong Chương trình bê tông hóa đường giao thông nông thôn. Chính vì vậy mà con đường bê tông đã được nối vào bản tựa như một giấc mơ.
Tuy nhiên, niềm phấn khởi chưa được bao lâu thì vụt tắt sau khi chịu mấy trận mưa lũ trong đợt tháng 7, tháng 8 vừa qua, đoạn đường bê tông đã bị sạt lở, tan tác. Giờ đây, đoạn đường dài chừng 2km dọc con theo con suối đã có đến 5 - 6 điểm bị sạt lở, nhiều điểm khác cũng tiềm ẩn nguy cơ lở đất.
Anh Nông Văn Tướng (40 tuổi, ở Pác Nà) có con gái đang học lớp 8 kể lại: “Cách đây không lâu, cháu nhà tôi bị ngã xe đạp vì đường trơn trượt sau một trận mưa to. Cả người lẫn xe bị ngã đổ ụp xuống rãnh, xe bị kẹt giữa đất đá không thể nào kéo lên được, may mà cháu tự bò lên đường và vào xóm trên thay đồ, đi nhờ xe để kịp đến trường. Lúc sau vợ tôi đi chợ, nhìn thấy chiếc xe đạp của con nằm chỏng chơ dưới rãnh bùn mà bàng hoàng, lo lắng cho con, cũng may cháu nó không bị làm sao…
Từ đó tôi luôn nhắc nhở con cái phải chú ý cẩn thận khi đi qua đoạn đường này, tuyệt đối không đi lại trong lúc mưa to, gió lớn để đề phòng sạt lở đất”.
Được biết, sau một bận sạt lở đất thì dân làng lại cùng nhau dọn đất, thông đường. Tuy xã Bạch Đằng được phân vào diện khu vực I từ tháng 9/2013 nhưng hiện nhiều xóm trên địa bàn vẫn còn khó khăn, nhất là đường giao thông liên xóm vẫn chưa được mở rộng, bê tông hóa.
Chính vì vậy, người dân và chính quyền địa phương đã xin sang diện vùng II để được Nhà nước quan tâm và hỗ trợ nhiều chương trình, chính sách hơn, nhất là về đường giao thông.
Hiện người dân bản Pác Nà và bản Sẳng luôn phải “đánh đu” bằng chiếc cầu treo tử thần. |
Lắt lẻo cầu treo ở Pác Nà
Chưa hết, để vào tới bản Pác Nà phải đi qua một khúc sông bằng một chiếc cầu treo tròng trành đầy hiểm nguy rình rập. Đây được coi là cây cầu treo “huyết mạch” nối liền giữa bản Pác Nà và bản Sẳng. Chính vì bị ngăn cách bởi khúc sông nên bản Pác Nà dường như bị cô lập, tách biệt, việc đi lại của 7 hộ dân với gần 30 nhân khẩu rất vất vả so với địa phận của bản Sẳng ở bên kia sông. Nếu người dân muốn qua lại thì phải đi bằng cách làm cầu treo thủ công nối liền với bản Sẳng (xóm tiếp giáp với phần lớn số hộ còn lại của bản Pác Nà).
Mặc dù biết nhiều nguy hiểm tiềm ẩn khi đi qua cầu nhưng không còn cách nào khác bởi đây là con đường duy nhất để bà con giao thương, trao đổi hàng hóa giữa các địa phương khác. Vào mỗi mùa mưa lũ, nước sông dâng cao, gần chục hộ dân Pác Nà không thể ra khỏi bản, đợi đến khi nước lũ rút họ mới thoát khỏi tình cảnh bị cô lập, tách biệt.
Anh Nông Văn Sỹ (43 tuổi) ở Pác Nà chia sẻ: “Dân làng chúng tôi nhiều thế hệ nay đã khổ sở, vất vả vì không có cầu kiên cố để đi lại. Trước đây khi chưa làm cầu tre thì bà con đi lại bằng bè mảng, nhưng mùa lũ đến không thể qua sông được. Vì vậy, mọi người mới góp công sức, góp tre để làm cây cầu treo tạm thời. Cầu phải tu sửa liên tục vì những thanh tre bị hư hỏng, mục nát rất nhanh. Sợ nhất là mấy đứa trẻ đi học không cẩn thận là bị rơi xuống sông, mất mạng bất cứ lúc nào”.
Vào mùa mưa lũ, những hộ dân ở bên sông hoàn toàn bị cô lập, trẻ em phải nghỉ học cho đến khi nước lũ rút mới có thể qua sông, hoặc phải đi vòng lên đỉnh đồi đầy muỗi, vắt và cỏ cây, bụi rậm. Hơn nữa, việc trao đổi, mua bán hàng hóa của bà con nơi đây cũng gặp nhiều khó khăn, chậm trễ do đường khó đi, nhiều khi di chuyển chậm nên đến chợ muộn, rau quả hỏng, giập nát nên bán giá thấp hoặc ế hàng. Thế là cả một vụ rau màu vất vả một nắng hai sương đành lỗ vốn.
Ông Nông Ích Hoàn, Chủ tịch UBND xã Bạch Đằng cho biết: “Một trong những tồn tại lớn khiến chính quyền và nhân dân xã đều “đau đầu” chính là vấn đề giao thông ở Pác Nà, biết vậy nhưng chưa thể khắc phục ngay bởi khó khăn nhất là vấn đề kinh phí. Bạch Đằng là xã nghèo, kinh tế còn eo hẹp vì đời sống của bà con vẫn chưa được nâng cao.
Chúng tôi phải đợi có các chương trình từ trên cấp xuống, như là nguồn kinh phí bê tông hóa hàng năm chẳng hạn. Đây là xã đang thuộc diện vùng I nên vấn đề kinh phí càng khó khăn. Nhiều xóm vẫn còn khó khăn về đường đi nên chúng tôi đã kiến nghị lên trên để xin cho xã về vùng II và các xóm khó khăn về vùng III, nhưng đến giờ vẫn chưa có tín hiệu khả quan”.