Bản sắc du lịch qua những lễ hội lời ru

(PLVN) - Cảnh Dương (Quảng Bình) là một trong số ít địa phương còn lưu giữ và phát triển được tiếng hát ru đặc trưng của mình thông qua các lễ hội. Trong cơn bão công nghệ số, làm sao để giữ được nét đẹp của các lễ hội hát ru truyền thống và phát triển thành sản phẩm du lịch đặc sắc là điều không phải dễ dàng.
Các chương trình liên hoan văn nghệ hát ru cần được nhân rộng.
Các chương trình liên hoan văn nghệ hát ru cần được nhân rộng.

Những vùng đất còn lễ hội hát ru

Tại ngôi làng chài với gần 400 hình thành Cảnh Dương của tỉnh Quảng Bình, lời hát ru đã trở thành một điều gì đó thiêng liêng và giá trị, theo suốt đời sống sinh hoạt người dân. 

Bất cứ người Cảnh Dương nào cũng đều được nuôi lớn bằng tiếng ru “bôồng bôổng bôông bôông”. Và cũng không người Cảnh Dương xưa nào ở ngôi làng nhỏ này không biết hát ru. Hát ru vần với điệu ru như nhịp điệu của sóng gió như lời người mẹ, người bà, người em gái nhắn gửi người đàn ông ngoài khơi xa . Đó còn là lời ru mà người đàn ông hướng về đất liền gửi những lời thương nhớ. 

Hát ru đã trở thành nhịp sống đời thường của người dân, hòa quyện vào trong làn sóng hơi thở của biển, góp phần tạo nên không gian văn hóa đậm đà của người dân Cảnh Dương. Cũng chính bởi có thời gian phát triển lâu đời và mang nhiều nét khác biệt so với lời hát ru của Bắc Bộ hay Tây Nguyên, từ năm 2017, câu lạc bộ dân ca Cảnh Dương ra đời và tổ chức nhiều lễ hội nhằm tôn vinh tiếng hát ru. 

Dù CLB chỉ mới có tuổi đời được 3 năm nhưng người thành lập câu lạc bộ lại là những người cao niên trong vùng, họ thấm nhuần giá trị và ý nghĩa mà tiếng ru mang lại trong đời sống ở Cảnh Dương. Nhằm lưu giữ và truyền lại những tài sản văn hóa dân gian, đặc biệt là làn điệu hát ru vô giá này cho thế hệ sau, nghệ nhân Lê Thành Lộc cùng với 4 thành viên cao tuổi đã trình bày nguyện vọng với UBND xã Cảnh Dương cho phép thành lập CLB dân ca Cảnh Dương. Cũng từ đây, ông Lộc nhận sứ mệnh từ người thầy của mình, trở thành người “tiếp lửa” cho văn hóa dân gian làng biển Cảnh Dương, trong đó có làn điệu hát ru độc đáo, riêng có.

Không chỉ đóng vai trò chủ chốt trong các lễ hội quan trọng của làng như lễ hội cầu ngư, những năm qua, CLB dân ca Cảnh Dương còn đi biểu diễn phục vụ nhiều nơi. Trong đó, rất nhiều lần, CLB tham gia các chương trình văn nghệ thiện nguyện như chương trình “Ấm lòng người bệnh”, do Báo Văn hóa phối hợp với Bệnh viện đa khoa Bắc Quảng Bình tổ chức.

Hay ở vùng Tây Nguyên, các lễ hội âm nhạc cổ truyền hằng năm đều được tổ chức nhằm tôn vinh và lan tỏa giá trị ý nghĩa của tiếng hát ru. Điển hình là chương trình “Âm vang khúc hát truyền thống - dân ca, hát ru” với chủ đề “Từ tay mẹ” tại Làng dân tộc Giẻ Triêng, Khu làng II là. Đại diện đồng bào sẽ giới thiệu nét văn hóa truyền thống gia đình các dân tộc Tây Nguyên, chia sẻ câu chuyện về gia đình, nếp sống qua nhiều câu hát ru, hoạt động chế tác nhạc cụ, dệt vải truyền thống; giới thiệu mâm cơm trong mỗi nhà dân tộc Tây Nguyên.

Tuy nhiên, các lễ hội hát ru hiện nay đang dần trở nên nhạt nhòa và không tạo được sức hút với công chúng. Một thời gian, Hội Liên hiệp Phụ nữ các tỉnh đã tổ chức các chương trình Liên hoan hát ru từ cấp cơ sở đến tỉnh, và đã được sự hưởng ứng khá nhiệt tình của đông đảo mọi người bởi nó gợi ý thức sưu tầm và phát triển nhiều làn điệu hát ru vốn đã bị lãng quên theo thời gian. Nhưng hoạt động có ý nghĩa thiết thực này, đến nay ít người nhắc tới.

Những lễ hội tôn vinh lời hát ru hiện nay chủ yếu nằm trong chương trình liên hoan dân ca và chỉ nổi bật ở một số địa phương. Mặt khác, các chương trình, lễ hội hát ru hiện nay không tạo được sự thu hút với công chúng, đặc biệt trong giới trẻ. Lực lượng chủ chốt của các lễ hội hát ru này lại đa phần là những người cao tuổi hoặc người làm nghệ thuật với định hướng tổ chức chưa có nhiều sáng tạo. Bởi vậy, dù mang ý nghĩa về mặt văn hóa nhưng hiệu quả mang lại không cao, lễ hội ít người biết tới. 

Mặt khác, việc bảo tồn tiếng hát ru ở một số vùng dân tộc gặp khó khăn khi không có người trẻ tiếp nối. Điển hình, với dân tộc Raglai, vì không có chữ viết nên những bài hát ru chỉ được lưu truyền qua phương thức duy nhất là truyền miệng, vì vậy, sẽ dễ mất đi khi những người già “khuất núi”. Làm thế nào để những người mẹ Raglai trẻ biết hát ru, truyền cho con những giá trị văn hóa dân gian ngay từ thủa ấu thơ là vấn đề đặt ra hiện nay.

Cảnh Dương, ngôi làng nơi những người đàn ông hát ru.
 Cảnh Dương, ngôi làng nơi những người đàn ông hát ru.

Dấu ấn một bản sắc du lịch

Hát ru, hát dân ca là một phần hiện hữu trong cuộc sống mỗi con người, đặc biệt là với người phụ nữ, nó tô điểm thêm nét đẹp, sự thông minh, dịu dàng, thuần khiết. Với nhiều vùng miền, lời ru mang ý nghĩa đặc biệt mà không bất cứ loại hình nghệ thuật nào có thể thay thế được. Chẳng hạn, đối với một số dân tộc ở nước ta, hát ru được xem là thứ âm nhạc thiêng liêng và ý nghĩa. Hát ru của người Raglai có phần đặc biệt hơn, bởi người Raglai rất ít nói, ít biểu lộ tình cảm qua lời nói mà chỉ bày tỏ lòng mình qua âm nhạc; bởi vậy, qua các bài hát ru, có thể nhận thấy một phần “hồn” Raglai trong đó.

Hay với những người đàn ông bám biển ở Cảnh Dương, họ hát ru như một cách để vơi đi nỗi nhớ, thêm yêu nghề biển. Lời ru lúc này họ hát cho bạn thuyền nghe, cũng là hát cho tâm trạng của chính mình giữa trùng khơi biển cả. Những câu hát ru lúc này không còn những giai điệu à ơi, ru hỡi hời ru ngọt ngào, đầm ấm như thường lệ mà lại có một giai điệu rất riêng: Bôồng bôổng bôồng bôồng hò hẻ hò he...

Trong du lịch, âm nhạc cổ như một điều bí mật níu chân du khách. Là một nghệ thuật cổ có lịch sử từ xa xưa, hát ru mang những đặc điểm cũng như thông điệp mà người xưa muốn truyền lại. Và với các thế hệ hiện tại và tương lai, đây chính là tài sản thừa kế mà cần phải giải mã để hiểu, để biết và tiếp tục truyền lại. Từ đó nhìn nhận, lời hát ru với tư cách là sản phẩm được chắt lọc từ những gì tinh túy trong văn hóa hồn Việt xứng đáng được tôn vinh và phát triển hơn thế.

Hiện nay, việc tổ chức các lễ hội, liên hoan hát ru hằng năm là cách mà nhiều địa phương đang thực hiện để bảo tồn tiếng hát ru. Các chương trình này đã thu hút đông đảo phụ nữ các cấp tham gia. Đây cũng là nơi để các bà, các chị như có dịp thể hiện tài năng và tình yêu của mình với những ký ức tuổi thơ ngọt ngào qua những lời hát ru “à ơi…” hay những bài dân ca đậm đà của quê hương. 

Bên cạnh đó, việc bảo tồn và tôn vinh lời hát ru cần có định hướng và cách làm mới mẻ, sáng tạo, gắn với phát triển văn hóa - du lịch của từng địa phương. Chẳng hạn, với thể loại nhạc truyền thống như Nhã nhạc Cung đình, tỉnh Thừa Thiên - Huế nhiều năm qua đã làm tốt trong việc quảng bá âm nhạc truyền thống này, gắn với dịch vụ du lịch  thưởng ngoạn cảnh đẹp trên sông Hương. Hình thức này vừa góp phần bảo tồn được giá trị âm nhạc truyền thống, vừa đưa nhã nhạc trở thành một sản phẩm du lịch mang nét đặc sắc của đất Cố đô.

Hay như ở các quốc gia trên thế giới cũng có những cách làm riêng biệt để đưa âm nhạc truyền thống vào hoạt động du lịch. Ở Hàn Quốc, để vào nhà hát xem các nghệ nhân diễn Samulnori hoặc Pansori (sân khấu - âm nhạc truyền thống Hàn Quốc) phải mua vé với giá khoảng 30.000 đến 40.000 won. Ngoài chất lượng biểu diễn nghệ thuật - âm nhạc, dĩ nhiên, các nhà hát ở Nhật Bản và Hàn Quốc được đầu tư, trang bị tiện nghi, đáp ứng cả những yêu cầu về thẩm mỹ, kỹ thuật và cung cách phục vụ. Người xem được nhìn, nghe, cảm nhận trong một trạng thái thoải mái nét văn hóa rất riêng của mỗi đất nước qua từng buổi diễn.

Gìn giữ tiếng hát ru là cách để du lịch văn hóa có thêm cơ hội phát triển, đồng thời góp phần tạo ra đặc điểm vùng và lan tỏa giá trị âm nhạc cổ truyền dân tộc.

Đọc thêm