'Bạn tâm giao' của phạm nhân Trại giam An Phước

(PLO) -Để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, Đại úy Trịnh Ngọc Thanh (cán bộ quản giáo Phân trại 4 - Trại giam An Phước, thuộc Tổng cục thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp, Bộ Công an đóng tại huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương) luôn dành hết tâm huyết cho nghề mà anh đã chọn. 
Đại úy Thanh chia sẻ về công việc quản giáo
Đại úy Thanh chia sẻ về công việc quản giáo

Bên cạnh những thành công ấy, anh luôn dành sự tin tưởng, yêu thương cho hậu phương vững chắc của mình.

Hậu phương là động lực lớn

Dưới cái nắng gay gắt, Đại úy Trịnh Ngọc Thanh vẫn miệt mài với công việc của một người cán bộ quản giáo. Anh tận tình hướng dẫn hàng chục phạm nhân thuộc đội mình phụ trách lao động cải tạo. Phải đợi hết giờ làm việc, tôi mới có thời gian ngồi nói chuyện với người cán bộ quản giáo tận tụy này. 

Chia sẻ về cái duyên đến với công việc quản giáo, Đại úy Thanh nhớ lại, năm 2002, anh đăng ký thi và trúng tuyển vào trường trung học cảnh sát. Hai năm sau kết thúc khóa học anh được phân về Phân trại 4 công tác. 

Từ ngày được phân về Phân trại 4 nhận nhiệm vụ, anh Thanh luôn cố gắng hoàn thành tốt công việc được phân công. Trong quá trình làm việc tại trại giam An Phước, anh tiếp tục hoàn thành chương trình đại học tại chức để nâng cao kiến thức của mình. 

Anh kể, ngày ấy lúc nào anh cũng chỉ nghĩ đến công việc, thế rồi trong một lần đi chơi anh có quen một cô gái đang là sinh viên. Phải mất một thời gian dài làm quen, dần dần anh mới chiếm được cảm tình của người con gái đó, cả hai luôn dành thời gian để tâm sự, viết thư cho nhau. 

Một thời gian sau, hai người đi đến hôn nhân. Niềm vui nhân đôi khi hai người con lần lượt chào đời. Đến nay cháu lớn đã được 10 tuổi, cháu nhỏ 7 tuổi. Gia đình nhỏ của vợ chồng anh nằm trên địa phận thị xã Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước). Vợ anh là một cô giáo dạy trẻ trên địa bàn.

Đại úy Thanh chia sẻ, vợ anh là người thông rất thông cảm và chia sẻ với công việc của chồng. Anh nhớ lại, thời gian đầu khi mới cưới nhau về, do tính chất công việc nên anh có rất ít thời gian chăm sóc gia đình, chính bởi vậy vợ anh nhiều lần tỏ ra buồn bã. 

Biết được tâm lý của vợ, anh Thanh đã tâm sự với chị để vợ hiểu và chia sẻ những khó khăn cũng như đặc thù công việc của một người cán bộ quản giáo. Anh Thanh vừa động viên vợ, vừa tranh thủ bất cứ khi nào có thời gian cho gia đình anh đều giúp và chia sẻ với chị.

Đặc biệt, phía gia đình nhà ngoại đã làm công tác tư tưởng khi thường xuyên thăm nom, chăm sóc cho hai cháu nên chị dần thấu hiểu được công việc của chồng. Bởi vậy, anh Thanh cũng yên tâm để cống hiến hết sức mình cho công việc.

Đại úy Thanh cười bảo: "Do tính chất nghề nghiệp mình làm trong môi trường như vậy nên nhiều khi về nhà cũng bị "ảnh hưởng" như tính nguyên tắc, kỷ luật. Tuy nhiên mình có được hậu phương vững chắc nên rất yên tâm.

Hơn nữa. trong quá trình công tác, mình được đơn vị tạo điều kiện thuận lợi, quan tâm động viên về vật chất, tinh thần. Chính vì vậy đó là động lực để mình quyết tâm phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ".

Đại úy Thanh luôn có ý thức cao trong công việc, bởi theo anh thì các phạm nhân thuộc nhiều thành phần phạm tội khác nhau, nên việc giáo dục những con người lầm lỗi ấy cũng gặp không ít khó khăn. Trong số đó, phạm nhân phạm tội phạm giết người, tái phạm nguy hiểm tập trung đa số. 

Anh kể, có những trường hợp phạm nhân ở những trại giam khác chuyển đến, hay phân trại khác ban đầu có thái độ chống đối không có ý thức cải tạo nhưng chuyển đến phân trại 4, dưới sự quản lý của Đại úy Thanh phạm nhân đó đã phấn đấu cải tạo từ loại kém lên khá và sau đó được giảm án.

Đại úy Thanh vẫn còn nhớ, có nhiều trường hợp phạm nhân trong quá trình cải tạo tìm cách đối phó với cán bộ quản giáo. Theo đó, trong quá trình đi lao động  phạm nhân lấy cớ để thắc mắc, dù có những quy định nhưng họ vẫn dựa vào các lý do khác nhau để đưa ra lý lẽ không chịu lao động cải tạo.

Hơn nữa phạm nhân thay đổi thường xuyên, nhiều khi phạm nhân cải tạo tốt chuyển đi, phạm nhân xấu ở nơi khác lại chuyển về... luôn khiến người quản giáo như anh trăn trở suy nghĩ phải làm sao hướng được cái thiên lương của họ để giúp họ sớm nhận thức ra sai lầm của mình, cải tạo để hòa nhập cộng đồng.

Phạm nhân hoạt động cải tạo tại trại giam An Phước.
 Phạm nhân hoạt động cải tạo tại trại giam An Phước. 

Như người thân, bạn bè của phạm nhân

Đại úy Thanh tâm sự, người cán bộ quản giáo trước hết phải có tâm huyết với nghề, nắm các quy định pháp luật và cần có kỹ năng sư phạm, kỹ năng truyền tải thông tin. Đối với những phạm nhân cá biệt, cần phải có nhiều cách thức, biện pháp khác nhau để cảm hóa họ chứ không phải chỉ dập khuân, máy móc.

Ngoài ra, người cán bộ quản giáo cũng là người "cầm cân nảy mực", truyền tải thông tin để các phạm nhân hiểu, để họ không có thái độ chống đối và chấp hành tốt việc cải tạo. 

"Làm công việc này dễ dẫn đến nhàm chán nhưng đối với mình thì không vậy. Mình cần chịu khó tìm hiểu, phải nói chuyện, gặp gỡ phạm nhân và trong đó kỹ năng truyền đạt là cả một vấn đề. Mình phải nắm bắt các quy định pháp luật, phải xử lý tốt các tình huống. Ngoài ra, phải trau dồi kiến thức qua sách vở, thông tư từ cấp trên, các cuộc thi quản giáo giỏi", Đại úy Thanh vui vẻ nói.

Chính bởi vậy, hàng năm Đại úy Thanh luôn là cán bộ quản giáo giỏi của trại giam. Anh đạt được nhiều thành tích, bằng khen của Tổng cục 8 như: Chiến sĩ thi đua năm 2014, Cán bộ quản giáo điển hình tiên tiến,...

Trong quá trình công tác của mình, anh cũng có nhiều ký ức đọng lại rất sâu sắc. Theo đó, anh chia sẻ về nhiều trường hợp phạm nhân viết thư gửi lời xin lỗi đến gia đình bị hại. "Những bức thư đó thể hiện sự ăn năn hối lỗi của phạm nhân.

Qua đó mình có thể gợi mở cho phạm nhân như chia sẻ về những hành động sai trái của mình, để từ đó lấy đấy là động lực để sớm trở về với gia đình. Khi họ cởi bỏ được những mặc cảm, những suy nghĩ trói buộc mình khi đã phạm tội thì họ sẽ yên tâm cải tạo hơn", anh Thanh nói.

Anh cho biết, nhiều trường hợp bức thư phạm nhân gửi đi thì bên bị hại có thư phản hồi lại. Qua đó, người thân của bị hại bày tỏ sự cảm thông và tha thứ những lỗi lầm mà người phạm nhân đó đã gây ra. Hay như lần có tổ chức cuộc gặp gỡ giữa gia đình bị hại và phạm nhân.

Có nhiều trường hợp phạm nhân phấn đấu cải tạo tốt và được đặc xá, anh Thanh lấy đó làm tấm gương để các phạm nhân khác noi theo. Chính câu chuyện về các phạm nhân đã được tha tù trước thời hạn nhờ có thành tích cải tạo tốt luôn là câu chuyện sẻ chia thường xuyên nhất của anh với các phạm nhân còn đang chấp hành án.

"Mình thường xuyên gặp gỡ phạm nhân nói chuyện, chia sẻ. Coi mình như là người thân, người bạn của phạm nhân để chia sẻ, tháo gỡ những vướng mắc mà họ gặp phải. Nhiều trường hợp gia đình phạm nhân thời gian đầu thường xuyên đến thăm nom nhưng về sau ít dần đi.

Có những trường hợp 6 - 7 năm gia đình mới đến thăm. Những trường hợp đó, tư tưởng của họ có nhiều lúc dao động, tỏ ra buồn chán và thậm chí nhiều phạm nhân vi phạm kỷ luật trại giam.

Công việc vất vả là vậy, thế nhưng Đại úy Thanh chưa bao giờ có ý nghĩ sẽ ngừng cống hiến cho công việc mà anh đã lựa chọn. Anh nhớ lại, có những phạm nhân đã thụ án xong và trở về với cuộc sống đời thường nhưng họ vẫn thường xuyên hỏi thăm. Đó cũng là một nguồn động lực để anh tiếp tục làm tốt nhiệm vụ của một người quản giáo.

Đánh giá về cán bộ quản giáo Trịnh Ngọc Thanh, Trung tá Nguyễn Thành Hiếu - Phó giám thị Trại giam An Phước chia sẻ :"Đồng chí Thanh được đào tạo cơ bản về nghiệp vụ. Trong quá trình công tác, đồng chí Thanh luôn tận tụy với công việc, làm việc có trách nhiệm cao.

Ngoài ra, đồng chí Thanh là một quản giáo giỏi, đạt được nhiều thành tích và được bạn bè, đồng đội tin yêu mến phục và phạm nhân quý trọng, chấp hành giáo dục của cán bộ. Đồng chí Thanh là một trong những tấm gương tiêu biểu về giáo dục cải tạo phạm nhân và phong trào thi đua của đơn vị".

Đọc thêm