Tìm đến Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III để tiếp cận tài liệu lưu trữ về những bản thảo viết tay của nhà trí thức cách mạng Đỗ Đức Dục, bao gồm cả bản thảo liên quan đến bản Hiến pháp năm 1946 nói riêng và tiến trình xây dựng luật từ thuở ban đầu của Nhà nước Việt Nam nói chung đang được lưu trữ ở đây, phóng viên báo Pháp luật Việt Nam đã hiểu rõ câu chuyện về bản thuyết trình Hiến pháp “lãng mạn và đầy chất thơ”.
Thời khắc lịch sử của bản Hiến pháp đầu tiên trong cõi Á Đông
Năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời. Ngày 3/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định một trong những nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ là xây dựng một bản Hiến pháp để “tuyên bố với thế giới nước Việt Nam đã độc lập, đã có đủ mọi quyền tự do...”.
Ngày 2/3/1946, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I đã bầu ra Ban dự thảo Hiến pháp gồm 11 người, trong đó nhà trí thức cách mạng Đỗ Đức Dục giữ vai trò thư ký kiêm ủy viên thuyết trình. Sau một thời gian bàn bạc, xây dựng, tháng 10/1946 bản dự thảo Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã hoàn thành. Tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa I diễn ra tại Nhà hát Lớn ở Thủ đô Hà Nội, nội dung của bản dự thảo Hiến pháp cũng như bản thuyết trình của nhà trí thức cách mạng Đỗ Đức Dục đã thuyết phục được toàn thể đại biểu thông qua với sự nhất trí gần như tuyệt đối 240/242 phiếu thuận.
“Chúng tôi có thể nói rằng không một lúc nào, ở một điều khoản nào, chúng tôi không chú trọng và luôn luôn nhắc đến thực trạng của nước nhà. Chúng tôi không muốn coi Hiến pháp như một cái gì bất di bất dịch..., mà người ta phải tuyệt đối cung kính đến nỗi dù thực tế thay đổi sự sửa đổi cũng quá ư khó khăn. Trái lại Hiến pháp phải là cái gì theo sát sự sinh hoạt linh động, luôn tiến triển của nhân dân” - bản thuyết trình viết.
Sau này trong cuốn sách “Gương mặt của những người cùng thế hệ”, ông Vũ Đình Hòe nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã có đoạn viết về thời khắc mà nhà trí thức cách mạng Đỗ Đức Dục hoàn thành bàn thuyết trình trước Quốc hội: “Hùng biện”, “đầy chất thơ” - đó không phải là những mỹ từ của tôi mà là của Giáo sư văn học Đặng Thai Mai chạy đến bắt tay Đỗ Đức Dục sau khi nghe bản thuyết trình sắc sảo của anh ngày 2/11/1946 về dự thảo Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
Sau này khi nghiên cứu về ý nghĩa, giá trị của Hiến pháp năm 1946 cũng như sự kế thừa tư tưởng, nội dung cơ bản quan trọng của bản Hiến pháp này trong các Hiến pháp tiếp theo 1959,1980,1992,2013, nhiều học giả trong và ngoài nước đã nhận định: Với những nội dung tiến bộ và bản thuyết trình đầy “hùng biện và chất thơ” thì việc Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá bản Hiến pháp năm 1946 là “bản Hiến pháp đầu tiên trong cõi Á Đông” vẫn là một cách nói rất khiêm nhường.
Một nhà luật học yêu dân tộc, nước nhà
Kể với phóng viên về người cha yêu quý của mình, bà Đỗ Thị Hồng Lạng bồi hồi nhớ: “Xuân Đỉnh - Từ Liêm vùng đất ven đô xung quanh Hồ Tây là quê hương của cha tôi. Khi là học trò trường Bưởi, cha tôi đã rất ngưỡng mộ những nhà yêu nước tiền bối như cụ Phan Chu Trinh. Sau khi tốt nghiệp cử nhân loại ưu Trường Luật Đông Dương khóa 1935 -1938, cha tôi không ra làm quan hay làm cho bộ máy chính quyền Pháp mà chọn con đường dạy học tư vừa kiếm sống vừa thực hiện hoài bão “làm chính trị” để đấu tranh giành độc lập tự do cho dân tộc. Cũng trong giai đoạn này ông còn tham gia làm báo trong phong trào trí thức yêu nước. Với nhiệt huyết và năng lực của mình, ngày 8/9/1945 cha tôi được Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Sắc lệnh bổ nhiệm Đổng lý Văn phòng Bộ quốc gia Giáo dục, tiếp sau là Thứ trưởng Bộ Giáo dục và là Thứ trưởng đầu tiên trong Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Với tố chất của nhà giáo, nhà báo đã kinh qua hoạt động chính trị, năm 1949 cha tôi còn được giao là Giám đốc Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng...”.
Bà Đỗ Thị Hồng Lạng - con gái ông Đỗ Đức Dục |
“Sống thâm trầm, cha không mấy khi kể về cuộc đời mình cho con cái nghe, thế nên dù biết rằng cha trước là Ủy viên Tiểu ban Dự thảo Hiến pháp năm 1946, sau này là Ủy viên Ban chấp hành Hội Luật gia Việt Nam nhưng cũng không mấy khi cha kể về bản thuyết trình Hiến pháp được đánh giá là “hùng biện lãng mạn và đầy chất thơ” ấy. Còn nhớ có lần cha hồi tưởng lại chi tiết về lá cờ Việt Nam trong Hiến pháp rằng: “Cuộc đấu tranh không chỉ thu hẹp ở điểm cơ bản về cơ chế nhà nước mà còn diễn ra xung quanh việc quyết định những biểu trưng cụ thể của quốc gia như quốc kỳ và quốc ca. Các thế lực thù địch không muốn công nhận lá cờ đỏ sao vàng Việt Nam. Ở đây cuộc đấu tranh đã đụng đến một cái gì hết sức thiêng liêng, đánh vào tình cảm cách mạng sâu xa của nhân dân. Mãi đến lúc Bác Hồ đi Paris về, Bác mới tuyên bố dứt khoát không nhân nhượng gì hết vì lá cờ đỏ sao vàng đã từng phấp phới bay từ Đông sang Tây, là tượng trưng bất khả xâm phạm của dân tộc Việt Nam. Chính vì vậy mà ngay điều thứ ba của Hiến pháp năm 1946 đã trịnh trọng ghi: “Cờ của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa nền đỏ giữa có sao vàng năm cánh...” - bà Hồng Lạng kể.
Qua hồi ức của con gái nhà trí thức cách mạng, một lần nữa có thể thấy “tinh thần lãng mạn cách mạng, khí thế của dân tộc như chim đại bàng vừa thoát xiềng vỗ những nhịp cánh đầu tiên bay tới những chân trời xán lạn” của bản thuyết trình Hiến pháp năm 1946 lại một lần nữa ngân lên
Nhân kỷ niệm 72 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội Việt Nam (6/1/1946 - 6/1/2018), đầu năm 2018, Văn phòng Quốc hội đã trao tặng một số bản sao hiện vật, tài liệu của nhà trí thức cách mạng Đỗ Đức Dục - Đại biểu Quốc hội khóa I, Ủy viên Tiểu ban Dự thảo Hiến pháp năm 1946 cho gia đình ông. Tại buổi trao tặng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng khẳng định: “Đây là những tài liệu có ý nghĩa trong việc xây dựng Hiến pháp năm 1946. Với phong cách của một nhà luật học, ngay khi đăng đàn trước Quốc hội đầu tiên, ông Đỗ Đức Dục đã để lại ấn tượng mạnh mẽ về một trí thức tài hoa. Bản thuyết trình của ông Đỗ Đức Dục được đánh giá có giá trị lớn về tư tưởng lập hiến của Quốc hội nước ta trong thời kỳ đầu”.