Bánh tình yêu

(PLO) - 14.2 thiên hạ sôi nổi chia sẻ chuyện tình yêu, thậm chí giới trẻ năm nay còn có trào lưu kể lại chuyện về những mối tình cũ. Tình cũ bao giờ cũng đẹp, dù nhắc đến chỉ thấy đớn đau, buồn rầu. Chẳng thế mà có nhà thơ đã viết: “Mối tình đầu trôi qua không bao giờ trở lại/Nhưng mà nỗi xót xa như gió lùa thổi mãi...”.
Bánh tình yêu

14.2 ngày tình yêu lại muốn nói về bánh yêu. Đừng nghĩ rằng đó là chiếc bánh phủ sô cô la đi kèm hoa hồng đỏ, cũng đừng nghĩ rằng là chiếc bánh thếp vàng để thể hiện đẳng cấp của tình yêu (có gì đó sai sai trong câu chuyện này phải không nhỉ, vì tình yêu vốn như cái đồng hồ càng giản đơn thì càng ít hỏng)...Bánh yêu của tôi đó là chiếc bánh chưng, món bánh thuần Việt của người Việt. 

Nói đến bánh chưng chợt nhớ có nhà văn nói rằng bánh chưng không chỉ đơn giản là sự kết hợp của âm dương, tinh hoa của đất trời, không chỉ đơn giản là câu chuyện trời tròn đất vuông của hoàng tử Lang Liêu, mà nó còn là chiếc bánh của tình yêu. 

Tại sao bánh chưng lại là bánh yêu, có quá giản dị giữa thời buổi mọi thứ đều hào nhoáng, xô bồ đến phát sợ thế này?

Cũng nhà văn ấy nói rằng bởi “bánh chưng biểu tượng cho những năm tháng còn bình yên của các gia đình. Khi trong nhà chưa có người ốm, khi thành viên trong gia đình hẵng còn đủ đầy. Bánh chưng được làm ra khi cả nhà xum vầy, mỗi người một chân một tay cùng làm. Nó là một thứ nghi lễ để đứa trẻ lớn lên thành công dân toàn cầu vẫn nhớ rằng mình đã có lúc còn ông còn bà, còn bố còn mẹ, còn gia đình ấm êm...” . 

Nhà văn ấy còn viết nhiều, nhưng tôi chỉ nhớ đến vậy. Không thể giỏi văn chương như nhà văn nhưng tôi cũng có cách “nói” về bánh yêu - bánh chưng của riêng tôi khi đã chục năm nay tôi duy trì việc gói bánh chưng giữa chốn chung cư cao tầng nhấp nhô. 

Trong lúc ngồi rửa lá tôi nghĩ đến dáng ngồi của mẹ của chị tôi năm nào, nhớ đến giếng nước quê nhà, rồi bể nước tập thể với bàn tay thâm tím vì lạnh do ngâm nước quá nhiều của mẹ của chị, nhớ đến tiếng cười nói lao xao của lũ bạn cùng khu phố khi người lớn bận còn trẻ con thì được thả tự do chơi...
Trong lúc đồ đỗ xanh làm nhân tôi nhớ đến cái nắm đỗ con con mà cha nắm riêng cho tôi để tôi cũng có cái bánh bé đu đưa dây lạt nơi ngón tay, nhớ nét cười tủm tỉm của cha khi ngồi gói bánh lắng nghe tiếng lũ con lao xao chuyện tết...

Khi nồi bánh chưng sôi toả hương quyện với hương trầm tôi nhớ cha mẹ tôi ngồi trầm ngâm bên bàn thờ nhìn khói hương như muốn tìm lại dáng hình của ông bà, tiên tổ...

Hơn ai hết tôi đã đi qua những tháng ngày hạnh phúc có mẹ có cha. Cũng hơn ai hết tôi đã biết thế nào là mất mát, là lìa xa những người mà chỉ có đời này kiếp này là người thân của nhau...

Thế nên qua nồi bánh chưng - bánh tình yêu cuối năm tôi như tìm lại được mọi thứ, dù chỉ là thoáng qua, chốc lát, trong tâm tưởng nhớ thương. Rồi mai này các con tôi cũng vậy, có thể rồi đấy món bánh tình yêu sẽ khác, nhưng tình yêu thì vẫn vậy, là cha là mẹ, là anh là chị, là gia đình, là duyên nợ nhớ thương...

Ngày tình yêu du nhập trời tây lại viết về món bánh tình yêu mang đậm hồn Việt. Hy vọng rằng sẽ không lạc lõng. Hay xin mượn chữ của đại thi hào Nguyễn Du: “ Mua vui cũng được một vài trống canh”...

Hạnh phúc đôi khi chỉ giản đơn như vậy mà thôi!

Đọc thêm