“Bão” AVG

(PLO) - “Cơn bão” này không phải hình thành ngoài biển mà ủ trong đất liền và thời gian “ủ bão” hơi lâu. Cụ thể, hồi tháng 3/2018, khi Thanh tra Chính phủ có kết luận về sự việc MobiFone mua AVG, người ta đã dự cảm về một “cơn bão”. Đây được đánh giá là vụ “áp phe” trước “hoàng hôn nhiệm kỳ”. Phải nói là “chuyến tàu vét” đầy các toa.

Dự án MobiFone mua cổ phần AVG được Tổng Công ty này công bố hồi cuối năm 2016. Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vào thời điểm sau thanh tra ra văn bản khẳng định “không gây thất thoát cho Nhà nước”. Nói Bộ thì oan, chính xác là những người có trách nhiệm, lãnh đạo AVG và MobiFone “thoả thuận” với nhau là AVG sẽ hoàn trả toàn bộ số tiền mà trước đây MobiFone đã bỏ ra để mua cổ phần của AVG, đồng thời cam kết tính cả lãi theo quy định. 

Đến đầu tháng 5, MobiFone có văn bản báo cáo Bộ TT&TT về việc nhóm cổ đông AVG đã trả hơn 8.500 tỷ đồng, bao gồm toàn bộ giá trị 95% cổ phần và 60 tỷ đồng cho các chi phí liên quan. Vì thế, họ cho rằng “không thất thoát”. Giống như anh đã “cầm nhầm”, khi bị phát hiện vội vàng “trả lại” thì không hề hấn gì cả, không luật pháp nào điều chỉnh được.

“Áp thấp nhiệt đới” không “tan”, ngược lại có chiều hướng mạnh lên thành “bão”. Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa thông báo kết luận Kỳ họp thứ 26, từ ngày 28 đến ngày  30/5; theo đó, nhiều tên tuổi với các khuyết điểm từ “nghiêm trọng” đến “rất nghiêm trọng” đã được “chỉ mặt, đặt tên”. Các cá nhân được giao trọng trách “đã làm thất thoát lớn tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến hoạt động và quá trình cổ phần hóa của MobiFone, đến uy tín của tổ chức Đảng và Bộ TT&TT, gây bức xúc trong xã hội đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật”, kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương nêu.

Tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được nhiều đại biểu Quốc hội đưa ra khá gay gắt khi xuất hiện tình trạng định giá thấp nhằm trục lợi, đục khoét. Đáng chú ý, không ít đại biểu thẳng thắn cho rằng bằng “vỏ bọc” cổ phần hóa DNNN đã hình thành nhóm lợi ích, biến tài sản công thành tài sản tư, hay nhằm chiếm đất có vị trí đắc địa, vị trí “vàng”. Trong đó, có DN khi cổ phần hóa không tính hoặc tính thiếu giá trị quyền sử dụng đất khi xác định giá trị doanh nghiệp, dẫn đến giá đất xác định thấp hơn giá thị trường. Tóm lại, cổ phần hóa DNNN là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước nhưng đang làm giàu cho nhiều người, thuộc các “nhóm lợi ích” khác nhau.

Chúng ta đang sống trong nhiều nghịch lý. Đất nước làm chưa đủ ăn, GDP chủ yếu mới nuôi được bộ máy hành chính, để đầu tư phát triển phải đi vay ODA và kêu gọi xã hội hóa…Trong điều kiện như thế, nguồn lực của đất nước có khi lại bị “đục khoét” không thương tiếc. Không thể để tái diễn những phi vụ “áp phe” như MobiFone mua cổ phần AVG, gây “bão lòng” dư luận.