Hơn 10.000 tin, bài được thể hiện đa dạng dưới nhiều hình thức
Tính đến 31/5/2019, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là 14,6 triệu người; bảo hiểm xã hội tự nguyện là 347 nghìn người; bảo hiểm thất nghiệp là 12,87 triệu người; bảo hiểm y tế là 84 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 89% dân số. Tính riêng trong tháng 5/2019, ước toàn ngành Bảo hiểm xã hội đã giải quyết 10.503 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng; 93.232 người hưởng trợ cấp 1 lần; 904.835 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.
Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết, để đạt được những kết quả trên, bên cạnh sự nỗ lực phấn đấu của toàn Ngành, Bảo hiểm xã hội Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, cũng như sự ủng hộ, cộng đồng trách nhiệm của các cấp ủy và chính quyền địa phương và đặc biệt là sự phối hợp, đồng hành hết sức có hiệu quả của các cơ quan thông tấn, báo chí trên cả nước.
“Sự vào cuộc chủ động, tích cực của hệ thống báo chí đã góp phần quan trọng đưa chủ trương, chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đến với doanh nghiệp, người dân và toàn xã hội. Đồng thời, từ thực tiễn hoạt động của mình, báo chí còn tích cực phản ánh nguyện vọng của nhân dân đến với Đảng, Nhà nước và ngành Bảo hiểm xã hội, giúp cho quá trình xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân” - Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh nhấn mạnh.
Với vai trò đặc biệt quan trọng đó, năm 2018, công tác phối hợp truyền thông giữa Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí trên cả nước ngày càng đi vào chiều sâu và đạt hiệu quả. Hơn 10.000 tin, bài nguồn được thể hiện đa dạng dưới nhiều hình thức như: Phát thanh, truyền hình, điện tử, phóng sự, tọa đàm, chính luận…
“Các thông tin bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên báo chí đã thể hiện đầy đủ và sinh động về chính sách và hoạt động bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong một năm qua, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành mục tiêu chính trị của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền lợi của người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế " - Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Đào Việt Ánh khẳng định.
|
Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Đào Việt Ánh: “Báo chí góp phần đưa chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đến với người dân” |
Cần nâng cao hơn nữa hiệu quả truyền thông
Ông Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam - cho biết, Hội Nhà báo Việt Nam luôn ý thức rõ ỹ nghĩa và tầm quan trọng của công tác truyền thông về lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Do đó luôn có những lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ cho các phóng viên, nhà báo, tạo cơ hội để các cơ quan quản lý Nhà nước, các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan báo chí, các nhà báo cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao hơn nữa hiệu quả truyền thông, làm chuyển biến nhận thức của toàn dân đối với hệ thống chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, góp phần vào sự phát triển bền vững đất nước.
Từ thực tiễn thời gian qua, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đề nghị các cơ quan báo chí trong thời gian tới cần tập trung một số vấn đề trọng tâm:
Thứ nhất, tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thứ hai, tích cực trao đổi, cập nhật thông tin về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để có thêm những tư liệu, kiến thức về lĩnh vực này, từ đó sáng tạo ra các tác phẩm có hiệu ứng xã hội cao, với những cách thức chuyển tải chính sách sinh động, linh hoạt và hấp dẫn hơn nữa. Song song đó, cần tiếp tục nhìn nhận một cách khách quan và phân tích chỉ rõ một số bất cập, sai sót còn gặp trong tác nghiệp báo chí và tác hại có việc thông tin sai sự thật, thiếu khách quan, gây ảnh hưởng gián tiếp tới việc củng cố niềm tin của nhân dân, người lao động với các chính sách an sinh xã hội nhân văn của đất nước.
Thứ ba, Bộ luật Hình sự năm 2015 được Quốc hội khóa 8 thông qua tại Kỳ họp thứ 10 và được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 12/2017/QH14, trong đó lần đầu tiên quy định hình sự hóa với các hành vi trốn đóng, chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; thể hiện bước phát triển mới nhằm bảo vệ tối ưu hơn nữa quyền lợi an sinh thiết thân của người lao động, hướng tới việc bảo đảm quyền an sinh xã hội của mọi công dân. Do đó, thời gian tới, các cơ quan báo chí, nhất là các nhà báo, phóng viên phụ trách lĩnh vực này cần tích cực truyền thông sâu rộng những nội dung này, nhằm giảm thiểu tỷ lệ trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động của các đơn vị, doanh nghiệp, góp phần hạn chế tình trạng lợi dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp từ các bên liên quan.
Thứ tư, các nhà báo, phóng viên cần đề cao trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, thực hiện nghiêm Luật Báo chí năm 2016 và 10 Điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo; không ngừng nâng cao chất lượng thông tin về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên báo chí; lấy mục tiêu truyền thông xây dựng chính sách an sinh xã hội bền vững của đất nước, nhằm đảm bảo quyền lợi an sinh thiết thân cho nhân dân và người lao động làm kim chỉ nam trong việc tác nghiệp.
Thứ năm, Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành Quy chế sử dụng mạng xã hội đối với hội viên Hội Nhà báo. Các nhà báo, phóng viên cần thực hiện nghiêm túc Quy chế này, sử dụng có hiệu quả các tài khoản mạng xã hội của cá nhân trong việc truyền thông chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước nói chung và chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế nói riêng, với mục tiêu vì sự phát triển bền vững hệ thống an sinh xã hội quốc gia, vì sự phát triển phồn vinh đất nước.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam tin tưởng rằng, với trách nhiệm và nhiệt huyết của các bạn trong công tác thông tin, truyền thông bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế sẽ góp phần nâng cao nhận thức của người dân về hệ thống an sinh xã hội, tiếp tục củng cố, khẳng định tầm quan trọng của chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là hết sức cần thiết trong đời sống nhân dân và người lao động. Góp phần hoàn thiện mục tiêu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế toàn dân, đặc biệt là giai đoạn hiện nay khi toàn Đảng, toàn dân đang tập trung đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.