Báo chí góp phần nâng cao nhận thức của người dân về chính sách an sinh xã hội

(PLO) - Đó là nhận định của Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam Đào Việt Ánh tại Hội nghị Tập huấn bồi dưỡng kiến thức về BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) cho phóng viên, biên tập viên chuyên trách thuộc các cơ quan thông tấn, báo chí năm 2018, do BHXH Việt Nam tổ chức từ ngày 16-18/5, tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
Toàn cảnh hội nghị
Toàn cảnh hội nghị

Hội nghị tập huấn có sự tham gia của gần 100 phóng viên, biên tập viên đến từ nhiều cơ quan báo chí Trung ương, địa phương. Đây là một trong những hoạt động quan trọng nhằm nâng cao kỹ năng trong công tác tuyên truyền, truyền thông về chính sách BHXH, BHYT của ngành BHXH Việt Nam.

Nâng cao nhận thức của người dân

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết, năm 2017, công tác tuyên truyền của ngành BHXH đã huy động được sức mạnh của toàn xã hội, sự vào cuộc của hệ thống chính trị, đặc biệt là các cơ quan báo chí. Các cơ quan thông tấn báo chí đã thực hiện tốt vai trò là cầu nối tuyên truyền đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHXH, BHYT vào cuộc sống, góp phần nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào hệ thống chính sách an sinh xã hội.

Theo đó, ngay từ đầu năm 2017, BHXH Việt Nam đã chủ động phối hợp tuyên truyền thường xuyên với 70 đầu mối của 60 cơ quan truyền thông, báo chí ở Trung ương, Hà Nội và TP HCM. Đồng thời, tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình phối hợp dài hạn giai đoạn 2015-2020 với 4 cơ quan truyền thông quốc gia; phối hợp thường xuyên giai đoạn 2015-2017 với 21 cơ quan báo chí.

Kết quả, trong năm 2017, đã có trên 7.000 chuyên mục, chuyên trang, tin, bài, phóng sự được các cơ quan báo chí Trung ương thực hiện. Các tin, bài, chương trình, phóng sự… đều được đăng tải kịp thời, chất lượng ngày càng đảm bảo, góp phần quan trọng trong việc thực hiện tốt công tác tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT theo tinh thần Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 – 2020.

Phát biểu tại hội nghị, ông Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam - nhận định: Với độ bao phủ rộng, cập nhật liên tục, không giới hạn, báo chí là phương tiện chuyển tải thông tin BHXH nhanh chóng và hữu hiệu nhất. Trên thực tế, người dân biết thông tin về BHXH, BHYT nhiều nhất qua báo chí.

“Niềm tin, mối quan hệ giữa người làm báo và người làm công tác BHXH hiện nay trở nên gắn bó mật thiết hơn bao giờ hết. Hình thức truyền thông ngày càng phong phú và sâu sát với cuộc sống, đã cổ vũ, động viên nhân dân và người lao động tích cực tham gia BHXH, BHYT. Bên cạnh đó, báo chí cũng nêu lên những góc khuất, đưa ra ánh sáng các hành vi trục lợi, trốn đóng BHXH, BHYT… Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ BHXH, BHYT...” - ông Hồ Quang Lợi khẳng định.

Tuy nhiên, ông Hồ Quang Lợi cũng chỉ rõ, hiện vẫn còn có một số bài viết về BHXH, BHYT chưa thật sự khách quan, có cái nhìn thiên lệch nên không phản ánh đúng bản chất của vấn đề. Thực tế trên đòi hỏi công tác truyền thông phải thật sự sắc sảo; mỗi cơ quan báo chí cần xây dựng đội ngũ cộng tác viên là các chuyên gia về an sinh xã hội; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thực thi chính sách để có nguồn tin chính thống.

… nhưng chưa “đi tận ngõ, gõ tận nhà”

Tại hội nghị, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội - cũng khẳng định: BHXH, BHYT là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội. Theo đó, trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHXH, BHYT trước hết thuộc về các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thực thi chính sách. Song, bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cũng góp phần rất quan trọng trong việc tuyên truyền, giám sát, định hướng dư luận.

Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội trình bày chuyên đề tại Hội nghị
Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội trình bày chuyên đề tại Hội nghị

“Tuyên truyền phải phản ánh đúng sự thật, đúng bản chất. Báo chí không chỉ tuyên truyền màu hồng, mà còn phản ánh những góc khuất, những bất cập trong chính sách. Chưa bao giờ công tác tuyên truyền về BHXH, BHYT lại mạnh mẽ như hiện nay. Song, tuyên truyền có rộng, có sâu, nhưng chưa "đi tận ngõ, gõ tận nhà". Tuyên truyền phải làm sao để người dân hiểu rõ chính sách; phải đả thông tư tưởng, chứ đừng để có chuyện như người dân nói là gửi tiền tiết kiệm tốt hơn tham gia BHXH...”- ông Lợi chia sẻ.

Bên cạnh đó, ông Bùi Sỹ Lợi cũng cho biết, qua thực tiễn giám sát, các ý kiến từ cơ sở và người dân đều nhấn mạnh cần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHXH, BHYT. Do vậy, trong giai đoạn tới, cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ cách thức và nội dung tuyên truyền theo đúng tinh thần Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020. Theo đó, các cơ quan báo chí phải có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến, giám sát và động viên nhân dân chấp hành đúng pháp luật, nêu gương điển hình tiên tiến và phê phán những lệch lạc, sai phạm. 

Giải pháp tăng cường công tác tuyên truyền

Để thực hiện mục tiêu mở rộng độ bao phủ BHYT, BHXH toàn dân, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng trong thời gian tới, cần phải tăng cường công tác tuyên truyền bằng các giải pháp:

Thứ nhất, tuyên truyền một cách sâu rộng những nội dung cơ bản nhất của Luật BHXH, Luật BHYT đối với các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức và trước hết tập trung nâng cao nhận thức của các đối tượng chịu tác động trực tiếp của các quy định trong Luật.

Cụ thể, nội dung tuyên truyền được xác định phải tương thích với đối tượng cần tác động. Các nội dung này nên được xác định thống nhất với một sự chỉ đạo chung, nhất quán theo một kế hoạch tổng thể từ sự thống nhất của hai cơ quan Bộ LĐ-TB&XH với BHXH Việt Nam. Khắc phục tính hình thức và dàn trải.

Đồng thời, xác định một cách đầy đủ hơn vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức đoàn thể như Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (VN), Mặt trận Tổ quốc VN, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, sự vào cuộc có hiệu quả của cơ quan thông tấn, báo chí... trong hoạt động tuyên truyền pháp luật về BHXH, BHYT. 

Ngoài ra, phải đổi mới hình thức tuyên truyền BHXH, BHYT bảo đảm tính phong phú, đa dạng, phù hợp với đối tượng. Lựa chọn hình thức nào có kết quả, theo đó, các cơ quan, tổ chức nên đánh giá lại hoạt động tuyên truyền này trong thời gian qua để có thể lựa chọn được các hình thức nào cần được tập trung hơn và mở rộng hơn trong thời gian tới. Phát huy lợi thế loại hình tuyên truyền miệng, như: nói chuyện chuyên đề, đối thoại chính sách... Nâng cao vai trò báo cáo viên, cộng tác viên; nâng cao chất lượng tài liệu tuyên truyền…

Thứ hai, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác tuyên truyền. Các cấp ủy đảng, chính quyền phải chủ động chỉ đạo sâu sát công tác tuyên truyền, quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước. Bên cạnh đó, chỉ đạo việc đưa các chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT vào chương trình kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các cấp như là một chỉ tiêu pháp lệnh để thực hiện chính sách an sinh xã hội.

Đọc thêm