Báo chí với sứ mệnh 'lan tỏa cái đẹp dọn dẹp cái xấu'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sự xuất hiện và phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội không những không làm hạn chế vai trò của báo chí, mà còn đặt ra cho người làm báo một sứ mệnh mới: Đưa ra những thông tin chính thống, có kiểm chứng, góp phần “dọn dẹp” tin rác, lan tỏa cái đẹp, “dọn dẹp” cái xấu, ổn định cuộc sống.
Báo chí với sứ mệnh 'lan tỏa cái đẹp dọn dẹp cái xấu'

Khi cái đẹp được tỏa lan

Không ai có thể phủ nhận vai trò của báo chí trong việc phát hiện và lan tỏa những tấm gương sáng, những điều đẹp đẽ trong cuộc sống. Rất nhiều câu chuyện đẹp đáng lẽ cứ lặng lẽ như thế mà trôi qua, nhưng nhờ vào sự khai thác, tìm hiểu và đưa tin của người làm báo mà được phát hiện, được nhiều người biết đến, tỏa lan rộng khắp.

Như câu chuyện cậu học trò nghèo người Thái 7 năm cõng bạn đến trường. Cậu bé Vi Nhật Cảnh (sinh năm 2005 tại xã Châu Hạnh, Quỳ Châu, Nghệ An) không may bị căn bệnh bại não quái ác khiến chân tay co quắp, không thể đi lại như bao người khác. Thương bạn có đôi chân tật nguyền, đi xiêu vẹo, khó nhọc, thậm chí có những lúc đang đi thì quỵ xuống, Vi Tuấn Khanh, một người bạn cùng bản của Cảnh đã tình nguyện ngày ngày đưa Cảnh đến trường.

Mỗi sáng sớm, Tuấn Khanh thường lót dạ bằng cơm nguội rồi sang nhà Cảnh chở cậu đi học. Chặng đường từ nhà 2 cậu bé đến Tiểu học Châu Hạnh khoảng 2km. Tuy nhiên, khi Khanh và Cảnh lên cấp 2, trường cách nhà đến gần 10 cây số. Dù con đường xa xôi như vậy nhưng suốt 7 năm qua, chưa bao giờ Tuấn Khanh để bạn phải nghỉ học vì mình.

Câu chuyện đẹp về tình bạn của hai cậu bé miền núi được báo chí phát hiện, đăng tải đã khiến cả xã hội cảm động. Nhiều mạnh thường quân đã liên hệ xin giúp đỡ hai em được đi học một cách dễ dàng, thuận lợi hơn.

Hay như câu chuyện của nữ nhà văn khuyết tật Trần Trà My. Trà My được mệnh danh là “thiên thần 6 chân”, bởi cô không đi đứng bình thường được như bao người mà phải cần có sự trợ giúp của chiếc ghế “đặc biệt” với 4 chân trụ. Nhưng cô vẫn sống rất lạc quan, tích cực viết sách và hoạt động xã hội.

Trong những năm qua, Trà My miệt mài với dự án tặng sách Tin vào điều tử tế, quyển sách đầy nhân văn do cô viết đến những người tù trong trại giam. Trà My đã gửi hàng chục thùng sách đến các trại giam khắp cả nước, đồng thời đích thân đến giao lưu, gặp gỡ các phạm nhân trên “sáu chân”.

Cuộc đời và nỗ lực của Trà My đã khiến nhiều tù nhân xúc động, nhìn thấy được lỗi lầm của mình và nhìn về tương lai sáng hơn đầy hy vọng. Những thông tin về cuộc sống, hành trình của Trà My được báo chí tỏa lan đến người đọc, giúp bản thân Trà My càng đến gần hơn với công chúng, đầy tự tin để ngày càng nỗ lực gieo nhiều hạt giống tích cực cho cuộc đời.

Nữ nhà văn khuyết tật Trần Trà My

Nữ nhà văn khuyết tật Trần Trà My

Rồi những câu chuyện tích cực được phản ảnh ngày ngày trên mặt báo, như chuyện một chủ vườn ở Quảng Ngãi bị phá hoại hơn 400 chậu cúc nhưng liền sau đó đã được cộng đồng mạng và một số doanh nghiệp mua ủng hộ hết số cúc.

Chuyện về một người thợ hồ ở Đà Nẵng chắt chiu dành dụm được 32 triệu đồng, trên đường ra bến xe để về Đồng Nai bị mất nhưng sau đó được nhà xe và nhiều người trên mạng xã hội đã ủng hộ đến hơn 45 triệu. Chuyện một người đàn ông ở thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp) nhặt túi xách có 560 triệu đồng và nhiều nữ trang, tổng trị giá hơn một tỷ đồng, trả lại người mất, chuyện về bệnh nhân vị móc túi trong bệnh viện, được hàng loạt bệnh nhân khác quyên góp để có tiền khám bệnh.

Cũng nhờ báo chí, trong những ngày miền Trung lũ lụt, có biết bao câu chuyện nhân ái đã tỏa lan khắp cộng đồng. Từ em bé đập heo đất đến Hội Chữ thập đỏ quyên tiền, chuyện một anh lái đò ở miền Trung bỏ công ăn việc làm đi đưa miễn phí đoàn cứu nạn đến các nhà dân bị nạn, chuyện một lãnh đạo địa phương vì cứu dân mà bị nước cuốn trôi…

Hay trong mùa dịch này, những câu chuyện nhỏ được đăng tải trên báo chí càng giúp người dân hiểu hơn về sự hy sinh của đội ngũ phòng chống dịch. Như chuyện những chiến sĩ ở tuyến đầu vừa chống dịch vừa chống lũ, vất vả quên ăn ngủ…

Một cụ ông chạy xe đạp mấy cây số chở lương thực đến tặng khu cách ly, chuyện những nhà dân khu phong tỏa ở Sài Gòn được phát gạo, cháo miễn phí. Hay, chỉ cần những bức ảnh thôi cũng đủ nói lên tất cả: Một nữ y tá gương mặt xinh đẹp hằn lên những vết lở xước do đeo khẩu trang lâu ngày. Một bác sĩ vùng dịch ngất xỉu do kiệt sức.

Em bé ba tuổi trong khu cách ly tự ăn, ngủ vui chơi một mình… Những bài viết ấy đọng lại trong lòng người đọc những suy nghĩ, những tình cảm, những ấn tượng, những gợi mở rất sâu sắc, đầy tính nhân văn và nhân ái.

Những bài viết đẹp không chỉ khiến cộng đồng cảm động, góp tay chung sức giúp đỡ, ủng hộ những hoàn cảnh khó khăn, mà quan trọng hơn là nó khiến tâm hồn người ta lay động, trái tim rộng mở. Khiến người ta lạc quan, thấy cuộc đời tươi đẹp, đáng sống hơn. Gieo trong lòng người đọc những hạt mầm thiện lành. Để rồi, những điều đẹp đẽ ấy sẽ lớn dần theo thời gian, bay xa khắp không gian. Người ta học nhau sống tử tế.

Người “dọn dẹp” tiêu cực xã hội

Sứ mệnh của báo chí không chỉ tô đẹp cho cuộc đời bằng những câu chuyện nhân văn. Sứ mệnh của báo chí còn là phản ánh những góc khuất, điều tiêu cực trong cuộc sống. Để rồi đem phơi bày những cái xấu xa ra ánh sáng, dọn dẹp cái xấu, sửa chữa sai lầm…

Một năm trước, dư luận xôn xao với câu chuyện kinh hoàng về một người mẹ và người cậu biến con, cháu mình thành lũ trẻ ăn xin, kiếm tiền cho bản thân ăn chơi, đồng thời còn đánh đập, ngược đãi, xâm hại các cháu. Chính phóng viên điều tra đã kết hợp với một nhóm hiệp sĩ tiếp cận, lắng nghe, tìm hiểu xác minh câu chuyện của cháu bé nạn nhân. Để rồi, lời khai cùng với chứng cứ đã được phóng viên cùng nhóm hiệp sĩ chuyển đến Công an xã Xuân Bảo (huyện Cẩm Mỹ) để xác minh.

Sau đó, khi người mẹ và người cậu độc ác bắt các cháu tiếp tục đi ăn xin thì bị công an xã địa phương mời về làm việc. Tại trụ sở công an, họ đã khai nhận các hành vi đánh đập, ngược đãi, ép trẻ vị thành niên lao động và nhiều lần xâm hại các cháu. Các cháu bé đã thoát khỏi “địa ngục trần gian”, làm lại một cuộc đời mới.

Khó có thể kể hết bao nhiều câu chuyện tương tự do những phóng viên điều tra các báo thực hiện. Từ việc phát hiện những đường dây làm bằng giả, đường dây buôn người, buôn lậu, móc túi, cho đến đầu độc người dân bằng thực phẩm trộn hóa chất, hay những tập đoàn bắt tay triệt phá thiên nhiên để làm giàu cho chính mình.

Cũng chính những người làm báo đã góp phần lột mặt nạ những doanh nghiệp làm ăn bất chính, giàu ảo trên sự lừa đảo người dân, đạp lên pháp luật. Rồi những sai phạm trong môi trường giáo dục, tiêu cực, ăn bẩn trong nội bộ ngành Y tế, đánh tráo thiết bị tại các bệnh viện, ăn chận các công trình giao thông. Không ít quan chức tham nhũng, biến chất, sâu mọt hại dân, hại nước cũng được các bài điều tra báo chí đưa ra ánh sáng.

Nhiều người cho rằng, ngày nay, mạng xã hội với độ phủ rộng, tác động mạnh còn có vai trò lan tỏa câu chuyện đẹp, tiêu diệt cái xấu tốt hơn báo chí. Thực tế, cần tỉnh táo để nhìn nhận rằng, mạng xã hội đúng là có lan tỏa điều tử tế, tố cáo cái xấu, nhưng thông tin trên mạng xã hội đã phần đều rất hỗn loạn, nhiều nguồn, rất nhiều trong số đó độ tin cậy thấp. Giá trị ảo mà mạng xã hội đem đến cho công chúng là rất nhiều. Đôi khi khiến công chúng lạc lối trong quá nhiều nguồn tin trái chiều, không rõ nguồn gốc… Lúc này, càng cần đến báo chí như một lăng kính để “lọc” thông tin.

Báo chí chính là kênh chính thống để mỗi thông tin đem đến với bạn đọc đều được chắt lọc kĩ lưỡng, độ tin cậy và xác thực cao, đưa đường dẫn lối cho người đọc đang trong những hoang mang không lối ra…

Xã hội dù có phát triển đến đâu đi nữa, biết bao kênh thông tin mới mẻ ra đời, thì báo chí vẫn giữ nguyên vai trò của mình, là người lan tỏa cái đẹp, dọn dẹp cái xấu, là nguồn thông tin chính thống và chính xác, giúp người dân có cái nhìn sâu và chuẩn về mọi hiện tượng trong cuộc sống.

Đọc thêm