Bảo đảm an toàn cho du khách đến với Tây Nguyên

(PLVN) - Một con voi nhà ở tỉnh Đắk Lắk trong thời kỳ động dục đã hung hãn quật chết chính nài voi. Câu chuyện buồn này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc voi nhà được sử dụng để chở khách du lịch, khiến chúng không có môi trường sinh sống lý tưởng, thiếu không gian tìm bạn tình dẫn đến hung dữ. Và việc “bóc lột” sức lao động voi nhà để làm du lịch cũng là nguyên nhân chính khiến chúng ngày càng suy giảm.
Lễ hội đua voi ở Tây Nguyên

Chấn động vụ nài voi bị voi nhà quật chết

Chiều 21/5, anh Y Đrim Kuan (SN 1988, ngụ xã Yang Tao, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) cùng em trai là anh Y Nông Kuan (SN 1997) đưa 2 con voi gồm một đực, một cái ra khu vực bãi cây bụi thuộc tổ dân phố 4 (thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk) để xích lại, cho voi ăn qua đêm. Đến khoảng 6h30 ngày 22/5, anh Y Đrim và anh Y Nông quay trở lại mở xích để đưa voi trở về. Anh Y Đrim mở xích cho voi đực Y Mâm (48 tuổi), còn người em mở xích cho con voi cái.

Tuy nhiên, khi anh Y Đrim vừa mở xích thì voi đực hung hãn húc, quật anh gục xuống tại chỗ và tử vong sau đó. Nghe tiếng la hét của người anh Y Đrim, người em chạy lại xem thì lập tức bị con voi đực Y Mâm đuổi theo để tấn công. Anh Y Nông may mắn kịp chạy thoát thân và gọi mọi người tới hỗ trợ. Sau đó, cơ quan chức năng đã đến phong tỏa khu vực, tiến hành khống chế xích voi đực Y Mâm lại.

Để xoa dịu Y Mâm, có khoảng 10 nài voi đã đến hiện trường tìm cách tiếp cận. Hầu hết các nài voi đều không dám đến gần, họ chỉ đứng từ xa ném thức ăn đến vì Y Mâm đang trong thời gian động dục nên rất hung dữ.

Hình ảnh voi đực Y Mâm đi lang thang trên đường trước khi được anh Y Đrim Kuan dẫn về nhà và sau đó voi nổi điên quật chết chủ 

Theo một số nài voi ở xã Yang Tao, voi đực Y Mâm được anh Y Đrim chăm sóc được khoảng 4 năm. Y Mâm có cặp ngà sắc nhọn, nặng khoảng 4 - 5 tấn. Đây là một con voi khó tính, không phải nài voi nào cũng điều khiển được. Các nài voi cho biết, thời kỳ động dục của voi thường rơi vào khoảng tháng 2 đến tháng 6. Thời gian động dục kéo dài từ 10 - 15 ngày.

Tuy nhiên, vào thời kỳ này, voi đực hung dữ hơn voi cái rất nhiều. Do đó, nài voi khi mang thức ăn thường giữ khoảng cách an toàn với voi. Được biết, voi đực Y Mâm là voi nhà thuộc quyền sở hữu của ông Đàng Năng Long (SN 1962, ngụ thị trấn Liên Sơn) được chăm sóc để phục vụ du lịch. Ông Long được biết đến là người sở hữu voi nhiều nhất Việt Nam với 7 con.

Liên quan đến vụ nài voi Y Đrim bị voi đực Y Mâm quật chết, ngày 23/5, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk đã ban hành văn bản về việc đảm bảo an toàn cho khách sử dụng voi tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh này. Theo đó, hiện nay, khí hậu trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đang trong giai đoạn nắng nóng, dự báo sẽ có những thay đổi bất thường. Đây cũng là thời điểm voi nhà đang trong thời kỳ động dục nên tính cách bất thường dễ gây nguy hiểm cho nài voi, du khách nói riêng và người dân nói chung.

Do đó, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk đề nghị UBND các huyện Buôn Đôn, huyện Lắk chỉ đạo các phòng chuyên môn và UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo tồn voi; thực hiện nghiêm các quy định về quản lý, sử dụng, bảo tồn và phát triển đàn voi địa phương.

Các đơn vị kinh doanh du lịch có cung cấp dịch vụ voi cần thực hiện nghiêm các biện pháp đảm bảo an toàn, bảo vệ tính mạng của du khách. Đồng thời, hướng dẫn, cảnh báo cho khách tuân thủ các quy tắc khi tiếp xúc với voi, để sử dụng dịch vụ an toàn; phân bố thời gian hợp lý hoạt động của voi, không được khai thác quá mức, đảm bảo thời gian cho voi được nghỉ ngơi.

Bên cạnh đó, cần phối hợp với các chủ voi, nài voi, cơ quan liên quan khác nắm bắt tâm lý của voi nhà trong từng thời kỳ để hướng dẫn, cảnh báo cho du khách, người dân. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk cũng yêu cầu không cho voi tham gia các loại hình dịch vụ gây tổn hại đến sức khỏe, tính mạng voi; có biện pháp ngăn ngừa kịp thời, đảm bảo an toàn sức khỏe cho voi.

Trường hợp có tình huống vượt ngoài tầm kiểm soát phải báo ngay chính quyền địa phương, Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk . Sở này cũng đề nghị Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk cần phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện tốt công tác theo dõi đánh giá định kỳ sức khỏe, y tế đối với voi, áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến vào chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhằm duy trì, phát triển đàn voi nhà. 

Nên chuyển qua mô hình du lịch không cưỡi voi?

Theo thống kê của Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, trên địa bàn tỉnh này hiện có 44 con voi nhà, trong đó có 25 con voi cái và 19 con voi đực. Trong khi đó, vào những năm 80 của thế kỷ trước, tỉnh Đắk Lắk có trên 500 voi nhà. Nhìn vào con số này có thể thấy voi nhà ở tỉnh Đắk Lắk suy giảm nghiêm trọng. Nguyên nhân chủ yếu của việc suy giảm này là đa phần voi nhà được sử dụng để chở khách du lịch, khiến chúng không có môi trường sinh sống lý tưởng, thiếu không gian tìm bạn tình. Trong khi đó, các voi cái đều đã quá già…

Trước việc “bóc lột” sức lao động voi nhà để làm du lịch ở tỉnh Đắk Lắk, các chuyên gia quốc tế về voi có nhiều cuộc làm việc với chính quyền Đắk Lắk về việc chuyển đổi mô hình du lịch voi, hạn chế việc cho khách du lịch cưỡi voi, nhưng hiện nay mới chỉ có Trung tâm Giáo dục môi trường và dịch vụ Vườn quốc gia Yok Đôn thực hiện. Hiện đàn voi 3 con của trung tâm đã tham gia mô hình du lịch thân thiện không cưỡi voi. Khách vào rừng ngắm voi từ xa, không được tiếp cận voi gần 30m. Voi được tự do đi lại, kiếm ăn dưới những tán rừng, thể hiện những tập tính tự nhiên của chúng.

 Nên chăng bỏ hình thức du lịch cưỡi voi Tây Nguyên 

Vào tháng 1/2017, tại Hội thảo Quốc tế về voi tổ chức tại TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), bà Sarah Blaine - Quỹ quản tượng Thái Lan chia sẻ, trước đó mấy năm, khi tổ chức của bà đến một ngôi làng có nhiều người nuôi voi thì thấy voi thường bị đưa lên các thành phố lớn để chở khách và thực hiện các trò tiêu khiển. Khi chúng trở về làng sẽ bị nhốt trong không gian chật hẹp, thiếu thức ăn. Để ngăn việc người dân đưa voi lên thành phố làm du lịch, tổ chức của bà đã trợ cấp một khoản tiền cho các chủ voi.

Rồi, bà và các nhân viên của tổ chức đã kiên trì tiếp cận, tuyên truyền cho người nuôi voi hiểu không dùng gậy sắt vẫn có thể điều khiển voi, không cần chở khách mà voi vẫn có thể làm du lịch. Đến nay, những chú voi ở ngôi làng này đã được đưa về sống ở những khu rừng xung quanh làng. Chúng được tự do đi lại, tìm thức ăn trong rừng và vẫn thu hút được khách du lịch.

Du khách đến đây không phải để cưỡi voi hay xem các trò tiêu khiển do voi làm, mà là đi theo những con voi vào rừng xem chúng ăn, ngủ, tìm hiểu cuộc sống của chúng. Mô hình này vừa giúp voi nhà có môi trường sinh sống tốt hơn, có điều kiện để sinh sản; đồng thời cũng giải quyết được vấn đề thu nhập cho những người nuôi voi. Đến tháng 7/2018, khi có mặt ở Đắk Lắk, ông David Neale - Giám đốc Phúc lợi động vật thuộc Tổ chức Động vật Châu Á cho biết, mô hình du lịch thân thiện không cưỡi voi hạn chế tối đa việc con người tiếp xúc với voi nhằm tránh sự nguy hiểm cho cả người lẫn voi.

Mô hình có rất nhiều tiềm năng thu hút du khách trong nước và quốc tế. Cũng từ mô hình này, mong muốn sẽ có nhiều cá nhân, tổ chức ở Việt Nam học tập để từng bước điều chỉnh cách sử dụng voi làm du lịch, mở ra cơ hội mới trong giáo dục cộng đồng bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ động vật hoang dã.

Thế nhưng, đến nay chỉ mới Trung tâm Giáo dục môi trường và dịch vụ Vườn quốc gia Yok Đôn thực hiện. Và hiện nay, voi nhà ở Đắk Lắk không chỉ không phát triển về số lượng mà ngày càng già đi, nguy cơ tiếp tục suy giảm là rất cao. Đó là một câu chuyện buồn, rất buồn.

Đọc thêm