Khoảng 22h30 ngày 14/8, tại công trường thuộc Dự án Mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc (thôn Phú Đô, xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm, Hà Nội), người dân phát hiện xác 4 cháu nhỏ chết đuối. Các nạn nhân gồm hai cặp anh em ruột là Ngô Văn Hùng (12 tuổi) - Ngô Văn Hưng (7 tuổi); Nghiêm Văn Hưng (11 tuổi) - Nghiêm Quang Huy (8 tuổi, đều ở xóm 2, thôn Phú Đô).
Các cháu học sinh Trường Tiểu học Phú Đô thắp hương cho hai nạn nhân Ngô Văn Hùng, Ngô Văn Hưng. |
Theo quan sát của phóng viên tại hiện trường, hố nước nơi phát hiện xác các cháu bé nằm cách đường chính khoảng 100 mét, không có biển báo nguy hiểm, lối vào phải qua chòi canh bảo vệ công trường. Người dân địa phương cho hay, hố nước này được đào để đặt cống nước, đoạn đường này đã khởi công từ khá lâu nhưng vẫn chưa hoàn thiện. Trong thời gian chờ cơ quan chức năng kết luận về trách nhiệm của chủ công trường, phóng viên PLVN đã tìm về nơi cư trú của các nạn nhân để tìm hiểu nguyên nhân từ phía gia đình.
Nỗi ân hận muộn màng của các vị phụ huynh
Chiều qua - 15/8, phóng viên đã tìm đến nhà anh Ngô Văn Lịch (44 tuổi, bố của các cháu Hùng - Hưng). Đập vào mắt chúng tôi là bàn thờ di ảnh hai cháu bé được kê gian ngoài đang nghi ngút khói hương.
Ngồi bần thần ở góc nhà, anh Lịch ôm mặt kể lại: “Thường ngày hai đứa nhà tôi có đi chơi đâu thì muộn nhất khoảng 4-5h chiều là đã về nhà. Trưa hôm qua (14/8 - PV), tôi đã khóa cửa không cho các cháu đi chơi nhưng chúng vẫn trèo cổng ra ngoài mới dẫn đến cơ sự này”.
Được biết, vợ chồng anh Lịch có 3 cậu con trai, cả nhà sống nhờ nghề làm bún. Hàng ngày, vợ anh Lịch là chị Lê Thị Sắn (42 tuổi) đi bán hàng từ mờ sáng đến tối mới về. Bản thân anh Lịch quanh quẩn việc nhà đã hết cả ngày nên có khi không để mắt đến con được. “Nhiều khi bắt các con ở nhà cũng không được, mắt trước mắt sau chúng đã lẻn đi ngay” - anh Lịch nói.
Cũng ở xóm 2 thôn Phú Đô còn có nhà của hai cháu Huy và Hưng. Căn nhà này cũng chìm trong tang tóc với hàng chục người thân của hai nạn nhân đang não nề ngồi chật kín không gian hơn chục mét vuông. Dường như đã cạn nước mắt, tiếng khóc than của bà nội hai cháu bé đuối dần nhưng bà vẫn ngồi vật ra bàn thờ để ôm di ảnh hai nạn nhân.
Thu mình ở một góc, mẹ của hai cháu Huy và Hưng là chị Trần Thị Bình (31 tuổi) vừa khóc vừa nói: “Thường ngày tôi bán nước giải khát ở đầu làng nên vẫn hay đưa hai cháu ra đó để tiện trông nom, hoặc thi thoảng các cháu chỉ chơi ở mấy quán điện tử gần nhà. Sau bữa trưa hôm qua, tôi cho hai đứa đi ngủ nhưng tôi mải dọn dẹp nên cả hai trốn đi lúc nào không hay...”. Nói đến đây, chị Bình tự trách bản thân: “Để xảy ra cơ sự này, người ân hận nhất phải là tôi vì đã không quản các cháu chặt chẽ”.
Báo động công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em tại địa phương
Có một thực tế mà phóng viên đã ghi nhận được ở xóm 2 thôn Phú Đô là tình trạng đuối nước của trẻ em xóm này đã lên đến mức báo động. Cách đây chưa lâu, hai bé trai là anh em ruột Nguyễn Văn Tiến (8 tuổi) và Nguyễn Văn Nghiêm (6 tuổi) cũng bị chết đuối tại gần trạm bơm trên địa bàn thôn.
Trong chiều qua - 15/8, tiếp phóng viên, anh Nguyễn Văn Luyến (51 tuổi, bố của hai bé Tiến - Nghiêm) cho biết, cách đây 2 ngày, gia đình anh vừa làm lễ cúng 50 ngày cho hai sinh linh bé bỏng ấy.
Trao đổi với PLVN, anh Luyến cho hay, bấy lâu nay anh phải gửi hai con cho ông bà nội của chúng chăm lo, vì mẹ chúng đã bỏ đi. Còn người dân địa phương cho hay, hai cụ thân sinh của anh Luyến đều tuổi cao sức yếu nên không thể trông nom hai bé trai vốn rất hiếu động và tinh nghịch. Có hôm, hai đứa trẻ về muộn thấy nhà đóng cửa liền ngủ lang bạt ở đầu đường xó chợ.
Anh Luyến kể thêm: “Hôm xảy ra sự việc, trời mưa rất to. Trước đó tôi có hứa đưa hai cháu đi chơi đu quay nhưng đợi tạnh mưa lâu quá nên chúng xin phép ra ngoài. Tới khuya không thấy các con về, cả nhà tôi đi tìm không thấy nhưng ai cũng nghĩ rằng chúng lại ngủ lang như những lần trước rồi sẽ về. Ai ngờ...”.
Không biển báo, không rào chắn! Nguồn tin của PLVN cho hay, đơn vị thi công tại công trường nơi 4 cháu nhỏ gặp nạn là Công ty CP Đầu tư xây dựng Vinaconex - PVC. Đại diện công ty này thừa nhận đã có lỗi khi không cắm biển báo hay lắp thiết bị rào chắn để ngăn cản người dân đi vào khu vực nguy hiểm. |
Tiến Phong