"Báo động đỏ" từ thị trường cho thuê lao động

Tình trạng các doanh nghiệp không có chức năng vẫn ngang nhiên quảng cáo, môi giới cho thuê lại lao động đang ngày càng bùng phát, tiềm ẩn nhiều nguy cơ nguy hại đến sự phát triển ổn định của thị trường lao động.

Tình trạng các doanh nghiệp không có chức năng vẫn ngang nhiên quảng cáo, môi giới cho thuê lại lao động đang ngày càng bùng phát, tiềm ẩn nhiều nguy cơ nguy hại đến sự phát triển ổn định của thị trường lao động.

“Vàng thau lẫn lộn”

Khảo sát của PLVN Online tại các thành phố lớn, các khu công nghiệp và chế xuất cho thấy hiện nay thị trường đang “bùng nổ” nhu cầu sử dụng dịch vụ cho thuê lao động (đặc biệt là các dịch vụ vệ sinh, bảo vệ, dọn dẹp…) và các doanh nghiệp hoạt động theo mùa vụ.

Giám đốc một doanh nghiệp xây dựng lớn cho biết: sử dụng dịch vụ này, doanh nghiệp có thể “khoán” hẳn cho các công ty cung ứng dịch vụ trong việc tìm kiếm, tuyển dụng, đào tạo và thực hiện các trách nhiệm đối với lao động như: trả lương, thưởng, đóng bảo hiểm, thậm chí cả xử lý tai nạn lao động, đình công… Việc thuê ngoài lao động còn giúp doanh nghiệp có thể tinh giản bộ máy nhân sự, giảm thiểu thời gian và chi phí cho việc tuyển dụng, đào tạo, quản lý lao động và nhất là đáp ứng các đơn hàng trong mùa cao điểm mà không phải tuyển dụng hoặc sa thải hàng loạt lao động và không phải lo đảm bảo đời sống cho lao động dôi dư khi khối lượng đơn hàng giảm.

Dịch vụ cho thuê lao động thời vụ hiện rất được các doanh nghiệp xây dựng ưa chuộng ( ảnh minh họa)

Dịch vụ cho thuê lao động là nhu cầu tất yếu của thị trường, tuy nhiên do thiếu các quy định pháp luật cụ thể và cơ chế quản lý còn lỏng lẻo nên trong thời gian qua việc cung ứng dịch vụ cho thuê lại lao động tại nước ta hiện mang tính tự phát, chưa đảm bảo quyền lợi của người lao động. Bên cạnh các doanh nghiệp được cấp phép triển khai dịch vụ cho thuê lao động hoặc những dịch vụ tương tự thì vẫn tồn tại tình trạng nhiều doanh nghiệp hoạt động không phép, hoạt động chui, cung ứng lao động bất hợp pháp. Các doanh nghiệp này thường cho thuê lại lao động trá hình dưới chiêu bài như: Hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn việc làm, tư vấn nhân sự, hỗ trợ quản lý nguồn nhân lực, hỗ trợ quản lý kinh doanh…

Đơn cử như trường hợp của Công ty Nippon Manufacturing Service Quốc tế Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh, mặc dù chỉ có chức năng tư vấn quản lý nguồn nhân lực mà hoàn toàn không có ngành nghề cho thuê lại lao động hay phái cử lao động, nhưng hiện nay công ty này đang cung cấp dịch vụ cho thuê lại lao động cho nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư Nhật Bản tại các tỉnh thành trong cả nước. Đặc biệt, công ty này còn ngang nhiên quảng cáo rùm beng trên báo chí Nhật Bản về việc cung cấp dịch vụ nêu trên tại Việt Nam và tự nhận mình là một trong những “doanh nghiệp đầu tiên được cấp phép thực hiện hoạt động phái cử lao động”!

Quyền lợi của người lao động bị “bỏ quên”

Hậu quả “nhãn tiền” của hoạt động cho thuê lao động không phép “đổ” lên vai người lao động. Nhiều doanh nghiệp cố tình lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người lao động, nhất là lao động phổ thông, để tìm cách “trốn tránh” nghĩa vụ đối với người lao động như: không đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, không giải quyết chế độ thai sản, ốm đau, bệnh tật, tai nạn lao động cho người lao động, cắt xén tiền lương, ăn chặn tiền thưởng và các lợi ích khác của người lao động. Tình trạng người lao động không được nghỉ phép, không được đảm bảo các quyền lợi khác theo luật lao động là phổ biến. Thậm chí, khi kinh tế khó khăn, doanh nghiệp cho thuê lại lao động sẵn sàng chuyển nhượng người lao động cho đơn vị khác để thu lời, hoặc thậm chí “vứt bỏ” người lao động ra đường mà không hề quan tâm đến quyền lợi hợp pháp của người lao động!

Những trường hợp doanh nghiệp không có chức năng cho thuê lao động như Công ty Nippon kể trên thì quyền lợi của người lao động càng bấp bênh hơn khi xảy ra tranh chấp bởi giao dịch giữa các bên thuê và cho thuê lại lao động có thể bị coi là vô hiệu do công ty này không có chức năng kinh doanh. Hơn nữa, trong những trường hợp tranh chấp như thế này, bản thân các cơ quan chức năng cũng không khỏi lúng túng khi khung pháp lý về hoạt động cho thuê lại lao động chưa rõ ràng và thiếu các chế tài xử lý.

Để khắc phục những bất cập trong công tác quản lý dịch vụ cho thuê lao động, Bộ Lao động, thương binh và xã hội đã tiến hành nhiều cuộc kiểm tra, rà soát việc triển khai dịch vụ này tại các tỉnh, thành phố trọng điểm về công nghiệp như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, ... Đồng thời, Bộ luật Lao động mới ban hành năm 2012 cũng đã có những quy định chặt chẽ nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động và tạo khuôn khổ pháp lý siết chặt quản lý dịch vụ này.

Cùng với sự hoàn thiện khung pháp lý kiểm soát hoạt động cho thuê lao động, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để xử lý nghiêm minh những doanh nghiệp hoạt động cho thuê lại lao động bất hợp pháp và có những biện pháp thiết thực nhằm kiểm soát chặt hoạt động này, bảo vệ quyền lợi của người lao động và tính minh bạch, bình đẳng của thị trường lao động.

Từ lâu dịch vụ cho thuê lại lao động đã phát triển tại nhiều nước trên thế giới. Tại Việt Nam, dịch vụ này bắt đầu xuất hiện từ năm 2001 và ngày càng có chiều hướng tăng mạnh. Mặc dù đã xuất hiện từ nhiều năm nay nhưng phải đến năm 2012, quy định quản lý về hoạt động cho thuê lại lao động mới chính thức được ghi nhận lần đầu tiên tại Bộ luật Lao động năm 2012 (có hiệu lực từ ngày 01/05/2013). Quy định mới này được kỳ vọng sẽ đưa hoạt động cho thuê lại lao động đi vào khuôn khổ dưới sự quản lý của Nhà nước và pháp luật.

Quế Hà

Đọc thêm