Theo thống kê của ngành Tư pháp tỉnh Long An, từ năm 2008 đến năm 2011 đã có khoảng 110 trường hợp tảo hôn được phát hiện. Chỉ riêng tại hai huyện Đức Huệ và Tân Thạnh mỗi nơi đã có đến 20 trường hợp, tuy nhiên, đây mới chỉ là số bị phát hiện khi gia đình các em đi làm thủ tục đăng ký kết hôn, khai sinh cho trẻ em hoặc do tin báo của dân, còn trên thực tế con số này có thể cao hơn nhiều. Cũng theo báo cáo thống kê vừa nêu thì có đến 1,8% tảo hôn khi mới 13 tuổi, 9% ở độ tuổi 14, 15,5% ở độ tuổi 15, 40% khi 16 và chỉ có 7,3% khi 17 tuổi.
Ảnh minh họa nguồn Internet |
Hiện tượng này có lẽ không chỉ của riêng Long An mà của nhiều địa phương khác, và thực sự là đáng báo động khi việc tảo hôn bị chính quyền cơ sở phát hiện và ngăn chặn thì kết quả là các cặp vẫn tiếp tục sống chung và sinh con với nhau. Ví dụ như tại huyện Tân Thạnh có 20 trường hợp tảo hôn bị phát hiện, UBND xã đã vận động giải thích thì 3 trường hợp chấp hành không tổ chức đám cưới, 17 trường hợp còn lại vẫn tổ chức đám cưới.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại huyện Bến Lức khi có 14 trường hợp tảo hôn trong đó có một nữ ở tuổi 13, xã đã ngăn chặn xử lý vi phạm, thậm chí một trường hợp bị xử phạt tù nhưng kết quả là hầu hết các cặp này đều có con với nhau và hiện vẫn còn đang sống chung.
Tình trạng tảo hôn tại Long An và nhiều địa phương khác có nhiều nguyên nhân, từ sự quan tâm của xã hội, chính quyền và của chính bản thân các em, nhưng hạn chế về nhận thức và ý thức pháp luật, trình độ văn hóa, hoàn cảnh kinh tế khó khăn luôn được đặt lên hàng đầu.
Như trường hợp của em Nguyễn Thị Tâm T. sinh năm 1996, ngụ tại ấp 3 xã Bình Thành, huyện Đức Huệ), gia đình nghèo, cha bỏ đi, mẹ và anh trai tâm thần không ổn định nên em không được chăm sóc chu đáo, năm 2010 khi đang học lớp 7 em đã mang thai và phải nghỉ học ở nhà chăm sóc con. Đây chỉ là một trường hợp điển hình bởi còn nhiều trường hợp tương tự như vậy.
Hậu quả là chính bản thân các em phải chịu sự thiệt thòi vì phải sớm nghỉ học để kiếm sống, mặc cảm với bạn bè cùng trang lứa. Bên cạnh đó là những hệ lụy với xã hội, sự thiếu thiếu tôn trọng pháp luật của người dân, cái nghèo nối tiếp cái nghèo, phần lớn trẻ em sinh ra từ những cặp vợ chồng tảo hôn đều không có giấy khai sinh nên không thể đến trường. Sự thiếu hiểu biết về sức khỏe sinh sản, giới tính dẫn đến sự gia tăng dân số.
Để ngăn chặn hiện tượng này cần có sự quan tâm nhiều hơn từ phía xã hội, phải làm sao để thay đổi chính nhận thức của người dân và các em. Đồng thời, cũng cần sự can thiệp mạnh hơn của chính quyền, sự quan tâm sâu sát hơn của các đoàn thể thanh niên, phụ nữ, hướng các em đến các hoạt động lành mạnh, thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt để tư vấn, giải đáp thắc mắc về giới tính, sức khỏe sinh sản.
Trần Phương Thanh