Công viên ngày càng bị thu hẹp và ít mà vẫn… thừa, đó là thực tế đau lòng đang tồn tại ở Hà Nội.
Ế ẩm, nhếch nhác
Chỉ cần “rơi” vào không gian yên tĩnh của công viên chừng một giờ, bạn sẽ thấy thoải mái, vơi bớt những mệt mỏi ngột ngạt. Nhìn các cụ già thư thái dưới những tán cây xanh, đủ biết họ yêu cây xanh, yêu công viên biết nhường nào; đủ thấy công viên quan trọng thế nào đối với cảnh quan và con người thành phố Hà Nội. Tiếc là những “lá phổi” của Thủ đô ấy cứ liên tục gặp “vấn đề” bởi sự lộn xộn trong quy hoạch và sử dụng.
|
Công viên Tuổi trẻ |
Đến công viên Thống Nhất, sẽ rất khó tìm thấy bóng dáng trẻ em mà chỉ có người đến thể dục vào sáng sớm và lúc cuối giờ chiều. Bao trùm lên là không khí buồn tẻ bởi công viên rộng mà không có các dịch vụ vui chơi giải trí nào (chưa nói đến vui chơi có tính chất sôi nổi, hấp dẫn). Một số “món” đồ chơi được bố trí ở một khu vực riêng thì cũ kỹ, nghèo nàn và rất ít người ngó ngàng tới.
Công viên Hòa Bình (cạnh đường Phạm Văn Đồng) là công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Dẫu đã đi vào hoạt động từ hai năm nay, nhưng công viên luôn trong tình trạng vắng khách bởi thiếu bóng cây xanh, thiếu các dịch vui giải trí hấp dẫn. Ngược lại, các bãi đỗ xe, hàng quán tạp nham mọc lên như nấm, khiến bộ mặt công viên này cũng trở nên nhếch nhác.
Nếu bước vào công viên Thủ Lệ, người ta cũng nhận ra sự tẻ nhạt ở đây. Chị Hoàng Thị Khánh (quận Đống Đa) chia sẻ: “Lâu rồi tôi không đưa con vào, nay lại thử đến xem sao nhưng thấy chán quá. Từ khoảng 10 năm qua, ở đây mọi thứ vẫn như vậy, chẳng có gì đổi mới. Đó là chưa nói đến chuyện một số khu còn quá hoang sơ, tồi tàn, ít chuồng thú, khu vui chơi trẻ em bé, hàng quán nhếch nhác…”.
Theo tìm hiểu, khách đến công viên chủ yếu là người ngoại tỉnh, hoặc những người đã lâu không đến, một số tình nhân đến dạo, hẹn hò, một số tập thể dục. Khi hỏi chuyện thì ai cũng nói công viên còn quá nghèo nàn. Công viên Hồ Thành Công cũng ế ẩm, chỉ buổi tối mới có người đến tập thể dục, không khí trở nên sôi động hơn bởi một số nhóm bật nhạc, tập nhảy. Không gian ở đây cũng bị phá vỡ bởi cao ốc xung quanh mọc lên quá nhiều.
Công viên Tuổi trẻ nằm trên đường Võ Thị Sáu và Thanh Nhàn, thuộc quận Hai Bà Trưng cũng ở tình trạng “có mà như không” do dự án xây dựng chưa hoàn thành và quan trọng hơn là công tác quản lý, khai thác yếu kém. Từ năm 2000, thành phố đã lập quy hoạch và dự án với diện tích hơn 26 ha, mang tính chất là công viên cấp thành phố, phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của nhân dân, nhất là của giới trẻ Thủ đô.
Thế nhưng, các hạng mục phục vụ nhu cầu giải trí cho nhân dân được đầu tư xây dựng rất ít, người dân không những không thể đến đây chơi, nghỉ ngơi mà còn bức xúc bởi dự án công viên bị biến tướng. Phần lớn đất đai bị đầu tư sai quy hoạch, sai mục đích.
25/29 hạng mục công trình công trình như nhà dịch vụ ten-nít; nhà hàng Tuổi Trẻ đường Võ Thị Sáu; nhà khung thép đa năng; đường đua thể thức 1, nhà kho, sân khấu... đều là những công trình không có giấy phép xây dựng. Các hoạt động tại đây không phù hợp với tính chất của công viên và gây ảnh hưởng lớn đến cảnh quan, môi trường khu vực.
Và những “ý tưởng” thu hẹp
Cũng phải khẳng định những mặt được mà nhà đầu tư đã làm được ở công viên Tuổi trẻ. Hơn chục năm trước đây là khu đất sình lầy, là một tụ điểm phức tạp về tình hình an ninh trật tự nay đã được thay đổi diện mạo. Thế nhưng những tiến độ ở đây quá chậm trễ, dự án vẫn còn quá dang dở và đến đây người ta không còn nhận ra đây là một công viên.
Anh Nguyễn Đức Cảnh, một người dân sống trong khu vực tỏ ra bức xúc: “Sống ở gần công viên mà nhiều người dân không thể vào bởi gần như tất cả đã bị sử dụng sai mục đích. Ví như diện tích công viên bị thu hẹp vì chủ đầu tư tùy tiện bố trí nhiều điểm trông giữ xe ô-tô, xe máy; xây dựng sân ten-nít; sân bóng đá mi-ni… Trong khi đó thì các trang thiết bị dành cho trẻ em như cầu trượt, đu quay… bị hoen gỉ, chẳng ai quan tâm. Bên phía đường Võ Thị Sáu thì hàng quán, ô tô đỗ, dịch vụ rửa xe lấn chiếm.”
Trước nhiều sai phạm, bất cập UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo UBND quận Hai Bà Trưng phối hợp các Sở Xây dựng, Quy hoạch - Kiến trúc, Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, củng cố hồ sơ vi phạm đối với năm công trình kiên cố hiện còn tồn tại.
Trên cơ sở củng cố hồ sơ, UBND quận Hai Bà Trưng tổ chức tháo dỡ, xử lý dứt điểm các vi phạm và yêu cầu sử dụng đúng mục đích công trình ban đầu, không cho phép kinh doanh dịch vụ ăn uống và karaoke. Việc tháo dỡ phải hoàn thành trong tháng 10/2012. Quá trình xử lý vi phạm phải có sự giám sát thường xuyên, liên tục; bảo đảm an toàn và không để phát sinh vi phạm mới hoặc tái phạm.
Không chỉ công viên Tuổi trẻ đang bị “băm nát”, thời gian này dư luận đang xôn xao vì Dự án làm bãi đỗ xe tĩnh trong công viên Thống Nhất. UBND TP Hà Nội đã giao Cty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội làm chủ đầu tư, nhưng đang gặp phải nhiều ý kiến phản biện của các chuyên gia, người dân…
Nguyện vọng của đông đảo người dân là mong muốn UBND TP Hà Nội giữ nguyên trạng không gian xanh của công viên đẹp nhất Thủ đô nhằm phục vụ lợi ích cộng đồng, đảm bảo kiến trúc, cảnh quan chung. Nay, Hà Nội lại có tới 6 bãi đỗ xe nhắm vào công viên Thống Nhất, trong đó 2 dự án đã được UBND TP Hà Nội chấp thuận.
Nhiều chuyên gia cho rằng, đây là những giải pháp "chữa cháy" khi các dự án bãi đỗ xe theo quy hoạch không thành. KTS Tôn Đại cho biết: “Về việc này, thành phố nên thận trọng bởi diện tích công viên ở Hà Nội đã quá ít ỏi. Không nên xén đất công viên làm bãi đỗ xe trong khi vẫn còn có những cách khác…”.
Hãy giữ lấy công viên
Với những sai phạm ở công viên Tuổi Trẻ, nhiều người chỉ ra trách nhiệm của các cơ quan chức năng, trong đó có UBND TP Hà Nội. Trong phiên chất vấn tại kỳ họp HĐND thành phố Hà Nội hồi tháng 7-2012, có đại biểu đặt câu hỏi có nhiều cơ quan tham mưu cho thành phố, vậy mà sai phạm vẫn xảy ra nhiều năm liền. Thành phố cần nghiêm khắc xử lý để trả lại không gian cho công viên Tuổi trẻ.
Còn công viên Thống Nhất, liệu rằng trước nhiều dự án đang “nhăm nhe”, công viên có thể giữ được. Công viên có từ lâu, là nơi giao lưu, sinh hoạt văn hóa, nghỉ ngơi, giải trí của nhân dân. Công viên chứng kiến những đổi thay của cả con người ở một khu vực. Công viên cũng có số phận, thân phận. Và sẽ buồn lắm thay, nếu một lần nữa, công viên Thống Nhất bị quyết định “xẻ thịt”.
Bình Vy