Báo động tình trạng du khách ném đồ vào chuồng thú

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Việc du khách chọc phá thú, ném đồ vào chuồng thú là tình trạng chung của nhiều vườn thú trên thế giới, không riêng Việt Nam. Đây cũng là một hình thức ngược đãi động vật cần lên án.
Biển báo cấm chọc phá thú tại khu vực chuồng đười ươi.
Biển báo cấm chọc phá thú tại khu vực chuồng đười ươi.

Xôn xao đười ươi hút thuốc

Mới đây, một đoạn clip xuất hiện trên mạng khiến cộng đồng “giật mình” khi nhân vật chính trong clip là một chú đười ươi đang hút thuốc. Chú đười ươi thuộc Thảo cầm viên TP HCM, có bộ lông màu đỏ, ngồi dưới nền và hút thuốc phì phèo.

Hình ảnh này nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội và gây nhiều bức xúc cho cộng đồng vì sợ tác hại của thuốc lá đến chú đười ươi nói trên. Được biết, đây là loại đười ươi Borneo, nằm trong nhóm động vật vô cùng nguy cấp theo Sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế, do môi trường sống thu hẹp và nạn săn bắt. Chúng có thể sống 35-40 tuổi ngoài tự nhiên hoặc đến 60 tuổi khi nuôi nhốt.

Sau khi sự việc ồn ào, Thảo cầm viên đã cử nhân viên xác minh, kiểm tra chuồng đươi ươi và nhiều chuồng thú khác. Theo ông Phạm Văn Tân - Giám đốc Công ty TNHH MTV Thảo cầm viên Sài Gòn, tình hình sức khỏe của chú đười ươi này hiện đã ổn định, ăn uống bình thường nhưng vẫn cần theo dõi tiếp.

Về sự việc nói trên, ông Tân cho biết, nguyên nhân do du khách ném điếu thuốc vào chuồng đười ươi. Đười ươi cũng như khỉ thường hay bắt chước các hành động của con người, vì thế nhặt điếu thuốc và cũng hút phì phèo như con người.

Theo các nhân viên quản lý Thảo cầm viên TP HCM, đây không phải là lần đầu du khách ném đồ vào chuồng thú nuôi. Mặc dù đã có biển cảnh báo, đồng thời nhân viên sở thú thường có mặt tại các khu vực kiểm tra, nhắc nhở, nhưng nhiều du khách vẫn thiếu ý thức, ném các đồ vật có trong tay vào để “chọc” các con vật trong chuồng.

Đồ vật bị ném vào có thể là thức ăn, chai nước, thuốc lá, trái cây, rác, thậm chí có trẻ em còn ném cả đá, vật nhọn vào chuồng thú. Những hành động này có khả năng gây nguy hiểm cho thú vì có thể khiến chúng bị thương, ngộ độc thức ăn, hoặc có thể xảy ra những trường hợp hi hữu như đười ươi hút thuốc lá như clip lan truyền thời gian qua.

Để hạn chế tình trạng này, ông Tân cho biết, sắp tới, Thảo cầm viên sẽ lắp camera giám sát tại các chuồng thú.

Cần chấm dứt hành vi ngược đãi động vật

Sau sự việc, La Lan, một Blogger du lịch đã kể lại trải nghiệm của mình: một lần tham quan Thảo cầm viên, La Lan chứng kiến một học sinh cấp 1 nhân lúc nhân viên sở thú không có mặt đã nhặt sỏi ném vào chuồng khỉ. Khi chú khỉ nhảy lên la hét vì sợ hãi, em học sinh cười thích thú và lặp lại hành động này trước mặt cha mẹ.

La Lan lên tiếng nhắc nhở thì cha mẹ em bé cho rằng đây chỉ là “chọc cho vui”, không gây ảnh hưởng gì đến động vật trong chuồng. Chỉ khi La Lan dọa sẽ nhờ nhân viên Thảo cầm viên đến can thiệp thì cha mẹ em học sinh mới đưa con đi nơi khác, chấm dứt hành vi trêu chọc thú.

Thực tế, hành vi ném đồ vật, trêu chọc động vật trong chuồng các thảo cầm viên xảy ra ở cả thanh, thiếu niên và người lớn. Hành vi này cũng không chỉ diễn ra tại Việt Nam mà còn là thực trạng đáng buồn ở nhiều nước trên thế giới.

Cách đây vài năm, tại Trung Quốc đã diễn ra liên tiếp hai sự việc du khách ném đá chết kangaroo. Lần lượt trong 2 vụ việc, du khách ném đá qua rào chắn khiến kangaroo bị thương nặng và chết sau đó vài ngày. Trước đó, hai vườn thú nói trên cũng ghi nhận tình trạng nhiều du khách ném đồ vật vào động vật trong chuồng, khiến động vật hoảng loạn. Đặc biệt trường hợp nhiều loại động vật ngủ ngày thức đêm nhưng liên tục bị tấn công, mất ngủ, suy sụp thần kinh. Sau sự việc, một làn sóng phản đối việc du khách “ngược đãi” động vật đã dấy lên tại Trung Quốc và một số nước trên thế giới.

Tại Tunisia cũng đã xảy ra tình trạng cá sấu bị du khách ném tảng đá cỡ lớn vào đầu khiến cá sấu vỡ đầu chết. Nhiều vườn thú khác trên thế giới cũng từng xuất hiện trên mạng với hình ảnh chuồng ngập rác do du khách ném vào, động vật phải phẫu thuật vì nuốt phải dị vật từ du khách, động vật chết đói vì bị kích động, bỏ ăn...

Tại nhiều vườn thú trên thế giới hiện nay đã xử lý theo hướng lắp camera ở khu vực chuồng thú và có camera hướng về phía du khách để nhận diện, đồng thời đặt ra mức phạt đối với những hành vi sai phạm, vi phạm quy định của sở thú, thậm chí phải chịu trách nhiệm khi khiến động vật bị thương, tử vong...

Hiện, dư luận đang lên án hành vi ném thuốc lá vào chuồng đười ươi và coi đây là hành vi ngược đãi, gây nguy hiểm cho động vật. Có lẽ, thời gian sắp tới, các thảo cầm viên cũng nên có những quy định mạnh mẽ hơn để quản lý những hành vi ngược đãi động vật của khách tham quan, gây tổn thương đến động vật và thiệt hại cho phía vườn thú.

Đọc thêm