Báo động tình trạng trẻ sơ sinh bị bỏ rơi

(PLVN) - Thời gian gần đây, không hiếm để thấy được các thông tin về trẻ em bị bỏ rơi xuất hiện trên báo chí cũng như các trang mạng xã hội để mong có sự sẻ chia, giúp tìm lại cha mẹ, người thân cho các em. Nhưng không phải đứa trẻ nào cũng may mắn tìm lại được gia đình. Thay vào đó là cần có các giải pháp thay thế mái ấm gia đình cho các em…
Cháu bé bị bỏ rơi kèm bức thư ở gần cổng chùa Địch Lương, xã Thanh Lương, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng cuối tháng 10/2019.
Cháu bé bị bỏ rơi kèm bức thư ở gần cổng chùa Địch Lương, xã Thanh Lương, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng cuối tháng 10/2019.

Thực trạng báo động

Tháng 10/2019, trong buổi làm việc của Đoàn giám sát của Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu làm Trưởng đoàn với các cơ quan của TP Hải Phòng, một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là tình trạng bỏ rơi trẻ em đang gia tăng. 

Có thể nói trong 2 năm gần đây, tại TP Hải Phòng, tình trạng bỏ rơi trẻ em gia tăng nhanh chóng. 18 tháng có 17 trẻ bị bỏ rơi là con số trong báo cáo của UBND TP Hải Phòng  Nếu như giai đoạn 2011 - 2014, chỉ có 4 vụ bỏ rơi trẻ em thì trong các năm từ 2015 đến nay đã có tới 25 vụ. Cá biệt có trường hợp mẹ đẻ mang 2 con nhỏ bỏ lại chùa. 

Cả Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Trẻ em và các nghị định xử phạt vi phạm hành chính những vi phạm liên quan đến gia đình và trẻ em đều có đề cập đến nghĩa vụ thương yêu, trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp con của cha mẹ, cũng như chế tài xử phạt cụ thể nếu cha mẹ cố ý bỏ rơi trẻ em ở nơi công cộng, bỏ mặc hoặc ép buộc trẻ không sống cùng gia đình, bỏ mặc trẻ em tự sinh sống…

Tuy nhiên, trên thực tế, việc tuyên truyền và thi hành các chế tài này còn chưa được ráo riết khiến nhiều người không biết hoặc không sợ. Chính vì thế, Theo GS-TS Lê Thị Quý thì Nhà nước cần có chế tài xử phạt nghiêm khắc và thực hiện mạnh hơn nữa  đối với hành vi bỏ rơi con. Điều này đã được áp dụng khá hiệu quả tại các nước tiên tiến.

Đáng nói hơn, trong những năm gần đây, tốc độ gia tăng của hành vi này ngày một lớn. Trong năm 2018 có 8 trẻ bị bỏ rơi và chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019 đã có tới 9 trẻ. Ông Nguyễn Bách Phái -  Giám đốc Sở  Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP Hải Phòng thừa nhận, thực tế tình trạng số trẻ em bị bỏ rơi đang gia tăng rất nhanh trong năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019.

Thực trạng này không chỉ diễn ra ở TP Hải Phòng mà nhiều địa phương khác cũng đang phải đối mặt. Tháng 9/2019, Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình trực thuộc Sở LĐ-TB&XH TP Hồ Chí Minh đăng thông báo tìm gia đình hoặc tìm cha mẹ nuôi cho những trẻ bị bỏ rơi hiện đang được Trung tâm tiếp nhận. 

4 bé trai và 1 bé gái có những cái tên thật đẹp như Huỳnh Tiến Duy, Đào Mỹ Phương… đều được sinh cuối năm 2018 và bị cha mẹ bỏ rơi tại Bệnh viện Từ Dũ. Đầu tháng 11 này, một bé gái được phát hiện bị bỏ rơi trước cổng nhà trường với một phong bì bên trong có 1 triệu đồng cùng dòng chữ: "Nhờ ông bà chăm sóc giúp"... Những thông tin nghe thật đau lòng!

Về vấn đề trẻ bị bỏ rơi, cách đây 5 năm, Bộ LĐ-TB&XH đã từng phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) để tổ chức Hội thảo "Chia sẻ dự thảo báo cáo nghiên cứu nguyên nhân gốc rễ của việc bỏ rơi và từ bỏ trẻ em tại Việt Nam".

Theo đó, nhóm phụ nữ có nguy cơ bỏ rơi con được chỉ ra bao gồm các bà mẹ tuổi vị thành niên, học sinh, sinh viên có thai ngoài ý muốn; phụ nữ trẻ trong khu công nghiệp; phụ nữ có vấn đề về sức khỏe, nhiễm HIV, tâm thần; các bà mẹ đơn thân, gặp khó khăn về kinh tế.

Cũng theo Bộ LĐ-TB&XH, trong khoảng hơn chục năm trở lại đây số trẻ em bị bỏ rơi năm sau cao hơn năm trước đã gây nhức nhối cho xã hội, đòi hỏi các cấp, ngành và cộng đồng quan tâm, tìm giải pháp khắc phục. Các cơ sở của ngành LĐ-TB&XH như trung tâm bảo trợ, trung tâm giáo dục, lao động xã hội cũng thường xuyên "nhặt" được trẻ bị bỏ rơi…

Đâu là gốc vấn đề?

Quay lại với câu chuyện của TP Hải Phòng, để giải quyết tình trạng trẻ bị bỏ rơi tăng nhanh, ông Nguyễn Bách Phái cho biết, khi phát hiện các trường hợp trẻ bị bỏ rơi, Sở sẽ thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng của thành phố, đồng thời vận động cha, mẹ và người thân khác nhận lại các cháu để chăm sóc, nuôi dưỡng.

Trong trường hợp người thân không nhận lại cháu bé, Sở sẽ liên hệ với các gia đình hiếm muộn có nhu cầu nhận con nuôi đến nhận các cháu trên cơ sở ưu tiên các gia đình có đủ điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc tốt cho trẻ. 

Ông Phái cũng cho biết, hiện nhu cầu nhận con nuôi của các gia đình hiếm muộn là khá lớn, Sở đã lập danh sách hình thành cơ sở dữ liệu các gia đình thay thế. Trong trường hợp có trẻ bị bỏ rơi, sẽ liên hệ để các gia đình này làm thủ tục nhận con nuôi đúng trình tự, thủ tục pháp luật.

Trong số 25 trường hợp trẻ bị bỏ rơi từ năm 2015 đến tháng 6/2019, sau khi vận động đã có 2 trường hợp mẹ nhận lại con. Các trường hợp còn lại được các gia đình hiếm muộn và nhà chùa nhận nuôi.

Cũng theo ông Phái, vì Sở LĐ-TB&XH không thể đánh giá được nguyên nhân của tình trạng trên một cách chính xác để có thể đưa ra giải pháp hữu hiệu. Đặc thù những trường hợp này sau khi bị bỏ rơi đại đa số người thân của các cháu bé không quay trở lại, không để lại thông tin, bản thân các cháu còn rất nhỏ, hầu hết chưa đầy 1 tuổi, chính vì thế việc tìm hiểu nguyên nhân, hoàn cảnh là không thể thực hiện được.

Theo đánh giá sơ bộ của chính quyền thành phố, đa số các cháu bé có thể là do những phụ nữ đơn thân mang thai, sinh con ngoài ý muốn và cũng không đủ điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc con một cách tốt nhất nên đã bỏ rơi các cháu.

Thông tin từ UBND TP Hải Phòng, trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của các nhà máy, khu công nghiệp, khu chế xuất, lực lượng công nhân, người lao động từ nhiều nơi đã tập trung về một số quận trung tâm của Hải Phòng, trong đó khoảng hơn 50% là công nhân nữ, lao động nữ.

Cùng với đó, số lượng sinh viên, trong đó có sinh viên nữ, cũng tiếp tục gia tăng. Chính quyền TP Hải Phòng nhận định đây có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng gia tăng những phụ nữ đơn thân có thai sinh con ngoài ý muốn và bỏ rơi con. 

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPNVN Nguyễn Thị Thu Hà: Nâng cao nhận thức cho các nhóm đối tượng nguy cơ cao

Tham gia Đoàn giám sát của Quốc hội tại TP Hải Phòng tháng 10/2019, bày tỏ sự quan tâm đến vấn đề này, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPNVN) Nguyễn Thị Thu Hà, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang đề nghị chính quyền và các đoàn thể TP Hải Phòng chú trọng, quan tâm đến các khu vực trọng điểm, các nhóm đối tượng nguy cơ cao có hoàn cảnh khó khăn. 

Bà Hà cho rằng, với con số 506.000 công nhân lao động và dự báo năm 2025 sẽ có 800.000 - 1.000.000 công nhân là một con số rất lớn. Theo đó, sẽ có khoảng 50% công nhân, người lao động là nữ. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nếu không có những biện pháp căn cơ, quyết liệt thì tình trạng mang thai, sinh con ngoài ý muốn và bỏ rơi con sẽ gia tăng.

Đề xuất giải pháp góp phần giải quyết tình hình, bà Nguyễn Thị Thu Hà gợi ý: “Chính quyền và các đoàn thể nên tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các nhóm đối tượng nguy cơ cao, tiếp cận thông qua các mô hình dựa vào cộng đồng như các Câu lạc bộ nữ chủ nhà trọ, Tổ phụ nữ lao động nhập cư, CLB nhà trọ an toàn, Tổ công nhân tự quản... đã được nhiều địa phương trên cả nước xây dựng và vận hành hiệu quả.

Để đảm bảo quyền và lợi ích của nữ công nhân cũng như trẻ em, từ năm 2014, Chính phủ đã phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu công nghiệp, khu chế xuất và hiện Hội LHPN là cơ quan chủ trì triển khai đề án này”. 

H.Minh 

Đọc thêm