Báo động tình trạng “xẻ thịt” ao hồ

(PLO) - Một sự thật nữa đã được hé lộ về thảm cảnh của ao hồ Hà Nội. Đó là tình trạng nhiều diện tích ao hồ bị thu hẹp, thậm chí có hồ bị lấn chiếm gần hết, có nguyên nhân từ lòng tham của nhiều hộ dân lấn chiếm và sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng…
Hồ Linh Quang (phường Văn Chương, Hà Nội) đang "chết dần" vì bị lấn chiếm.

Ao hồ “ngót” vì bị lấn chiếm

Hồ Tây đã bị “ngót” hơn 50 héc-ta là một thực tế đau lòng về tình trạng bị bỏ rơi, dẫn đến việc người dân lấn chiếm. Song, dường như bài học đó vẫn chưa được các cơ quan chức năng lưu tâm trong quản lý. Và một trong những khu vực gây lùm xùm lâu nhất chính là hồ Đồng Tâm, thuộc địa bàn phường Yên Phụ (Tây Hồ).

Đồng Tâm vốn rộng khoảng 4000m2, nhưng đã bị 45 hộ “xà xẻo” khoảng 1000 m2. Nhận thấy nếu không quy hoạch lại thì nguy cơ bị lấn chiếm là rất cao. Từ năm 2014, UBND quận Tây Hồ phê duyệt dự án xây trường THCS An Dương. Để hoàn thành được ngôi trường khang trang như hiện nay, công tác giải phóng mặt bằng diễn ra hết sức phức tạp, bởi người dân đã lấn dần trong nhiều năm. Cũng tại phường Yên Phụ, các phần ao hồ tiếp giáp Hồ Tây, ao Yên Phụ bị thu hẹp một phần thì ao An Thành (8.000m2), bãi sông Hồng… cơ bản bị lấn hết từ năm 2009.

Rẽ sang quận Đống Đa, đứng bên hồ Linh Quang thuộc phường Văn Chương, nơi mặt nước trong vắt ngày nào đã bị ô nhiễm trầm trọng hẳn nhiều người đặt câu hỏi vì sao ngay giữa trung tâm Hà Nội vẫn còn hồ bị… bỏ hoang? Người dân khu vực nói rằng từ nhiều năm trước đây hồ không được “ngó ngàng tới”. Hồ Linh Quang đã bị thu hẹp khoảng 1/4 diện tích mất rồi. Trong mấy năm qua, UBND phường Văn Chương đã phá bỏ 82 lều lán, khoảng 237 hộ thuộc diện có lấn chiếm phải giải phóng mặt bằng. 

Xuôi xuống đầm Hồng, đầm Sen thuộc phường Khương Đình, quận Thanh Xuân - điểm nóng về vi phạm suốt nhiều năm, trong đó không ít cán bộ là người tiếp tay. Cụ thể, năm 1995 TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử một số cán bộ khi đó là xã Khương Đình vì vi phạm các quy định về quản lý đất đai.

Cơ quan chức năng cũng đã tịch thu toàn bộ diện tích Đầm Hồng, Đầm Sen bị đem ra mua bán trái phép và chỉ ra có tới gần 800 hộ không có giấy tờ sử dụng đất hợp lệ. Tuy nhiên, sự việc không được giải quyết thấu đáo nên từ năm 2007 đến năm 2009, nhiều hộ dân tiếp tục lấn chiếm, ngang nhiên rao bán đất. Năm 2015 dự án cải tạo Đầm Sen được khởi công, song sự việc vẫn đang khiến cán bộ phường Khương Đình đau đầu. 

Vậy có cách nào để giảm bớt tình trạng lấn, lấp hồ ao? Theo không ít chuyên gia, chỉ có cách kè bờ, làm đường gon đi bộ. Vậy nhưng có hồ dù được kè, nhưng vì không đủ kinh phí nên không thể tiếp tục triển khai dự án và tiếp tục bị lấn. Thí dụ hồ Cần và Ao cá Bác Hồ ở phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng), hai công trình được triển khai hướng tới Kỷ niệm 

1000 năm Thăng Long- Hà Nội. Do dự án “tắc”, bờ hồ lại bị người dân… hành! Cán bộ xây dựng đô thị phường Vĩnh Tuy cho biết: “Hồ Cần được hoàn thành từ năm 2010 nhưng vẫn chưa bàn giao cho phường, đến nay không ai quản lý. Ao cá Bác Hồ cũng được kè từ năm 2009 nhưng do thiếu vốn nên dự án dở dang. Để quản lý tốt cấp trên phải giao cho phường cấp kinh phí duy tu hàng năm, nhưng điều đó đã không được thực hiện”. Đến nay cả hai ao, hồ này đều chưa được bàn giao quản lý. Các hộ dân trong khu vực đã lấy những phần đất trong xung quanh để trồng rau ăn. 

Trách nhiệm ở đâu?

Nhằm làm rõ trách nhiệm cán bộ cấp phường, phóng viên đã tìm đến UBND quận Tây Hồ hỏi thông tin. Quả nhiên, từ ngày 22/4/2009 UBND phường Yên Phụ đã có báo cáo gửi UBND quận Tây Hồ, khẳng định đã xây dựng kế hoạch quản lý năm khu vực đất đai dễ bị lấn chiếm, đồng thời thừa nhận buông lỏng quản lý. Song, lãnh đạo phường cũng tố: do sự thiếu trách nhiệm của Công ty CP Đầu tư xây dựng Hà Nội, đơn vị được giao quản lý khu 16 héc-ta, trong đó có hồ Đồng Tâm.

Rõ hơn về trách nhiệm của cấp phường, Tổ Thanh tra công vụ quận Tây Hồ chỉ ra, để xảy ra những sai phạm trên, trách nhiệm chính thuộc về lãnh đạo UBND phường. Ông Đỗ Thanh Tùng - Tổ trưởng Tổ Thanh tra, Trưởng phòng Nội vụ quận Tây Hồ kết luận, lãnh đạo phường đã không sát sao trong việc đôn đốc, kiểm tra thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, trong quá trình chỉ đạo chưa bám sát, thiếu kiên quyết khi áp dụng các biện pháp xử lý. Đối với Tổ Thanh tra xây dựng phường, khi phát hiện các công trình vi phạm, đã tiến hành lập hồ sơ nhưng không tham mưu và tổ chức thực hiện các biện pháp ngăn chặn, xử lý triệt để... 

Còn ông Lê Quang Chính - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Tây Hồ cho rằng: “Cấp phường khi phát hiện các hộ vi phạm chỉ có thống kê, không lập biên bản và hồ sơ vi phạm, dẫn đến việc xử lý mất thời gian. Đồng thời, khi tách quận Tây Hồ từ quận Ba Đình chúng tôi không được bàn giao hồ sơ từ các phường”. Một câu trả lời chưa thật trách nhiệm, bởi những việc làm trên, UBND huyện đều có thể kiểm tra, xử lý thấu đáo.

Hiện tượng thiếu trung thực, buông lỏng quản lý đất công và đổ lỗi cũng diễn ra ở phường Vĩnh Hưng (quận Hoàng Mai). Nhiều năm qua, người dân tố cáo nhiều khu đất công bị “phù phép” thành của riêng; đất công được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) và mua đi bán lại. Sau rất nhiều lá đơn được gửi đi, Quận ủy Hoàng Mai đã có Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp Đảng trong công tác quản lý đất đai và cấp GCNQSDĐ trên địa bàn. Theo đó, UBND quận Hoàng Mai chỉ đạo các phường rà soát các vị trí đất công và các loại đất khác. Một trong nhưng địa phương phải “xốc lại” công tác này là UBND phường Vĩnh Hưng.

Tuy nhiên, ngày 16/3/2012 UBND phường có báo cáo gửi UBND quận, các cử tri nhưng vẫn còn… giấu bớt. Phát hiện nhiều thiết sót, sai phạm nên người dân yêu cầu rà soát lại. Không thể giấu nhẹm những bất cập trong quản lý vốn âm ỉ nhiều năm, ngày 15/9/2012, Chủ tịch UBND phường Vĩnh Hưng Nguyễn Quốc Đạt đã thừa nhận 22 điểm đất công bị lấn chiếm trái phép, xây nhà kiên cố, nhà tạm.

Những “điểm nóng” được chỉ ra là: khu ao Trại Cò được xây dựng nhà cấp 4; khu ao Giao thông 2, có diện tích 1.548m2 hiện đang bị lấn chiếm gần hết; khu đầm cá Đồng Mơ, diện tích 3,5815 héc-ta, có năm hộ gia đình xây dựng nhà cấp 4. Ngoài ra, nhiều đoạn kênh mương trên địa bàn cũng bị lấn chiếm, làm công trình phụ, đường đi… Trong văn bản chỉ ra 16 hộ đã được quận cấp GCNQSDĐ, nhưng cán bộ phường chỉ công khai 10 hộ, 6 hộ còn lại được giấu kín, các cử tri tố cáo có dấu hiệu tham nhũng, lợi ích nhóm.