Báo động từ cảnh rác thải ngập phố cổ Hà Nội sau Trung thu

(PLO) - Những ngày qua, chuyện các tuyến phố cổ ngập trong rác thải sau lễ hội trung thu lại là một chủ đề nóng khơi dậy làn sóng dư luận. Trong khi đó, TP Hà Nội đang nằm trong danh sách đề cử cho vị trí “Điểm đến TP hàng đầu thế giới 2018”.

Mối hiểm họa của rác thải du lịch

“Từ đêm đến rạng sáng hôm sau, dọc các tuyến phố Hàng Mã, Hàng Lược, Hàng Chiếu, Hàng Đường... (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đều ngập đầy rác. Giấy bìa, nylon, thức ăn thừa, vỏ hộp, chai nhựa, cốc nhựa, hộp xốp, đèn ông sao... tràn trắng xóa, la liệt hè phố, dọc đường.

Lượng rác gấp nhiều lần so với ngày thường, khiến các công nhân môi trường quận Hoàn Kiếm phải thức xuyên đêm đến 2-3h sáng để dọn dẹp” - đó là phản ánh trên nhiều báo đài, mạng xã hội, thỉnh thoảng còn kèm theo những lời trách móc đối với người tham dự, phần lớn là người trẻ, không có ý thức giữ gìn vệ sinh chung sau đêm Trung thu vừa qua.

Ngược lại, nhiều người cho rằng sự đổ lỗi như vậy là không có căn cứ. Trong một lễ hội lớn, có sự tham dự của nhiều người, nhiều độ tuổi, từ người bán hàng, người dân, đến du khách trong và ngoài nước thì trách nhiệm của tất cả mọi người, không riêng mình ai. Những dịp lễ lớn, các phố cổ quanh Hồ Gươm có thể có 50.000 – 70.000 lượt người tham quan.

Với một lượng người đông như thế, nhưng theo nhiều phản ánh, hai bên đường được trang bị rất ít thùng rác, dẫn tới nhiều khách tham quan mua thức ăn, nước uống dùng xong là quăng thẳng xuống đường. 

Khi một TP tăng trưởng về hoạt động và doanh thu ngành du lịch sẽ nhận được nhiều lợi ích kinh tế; nhưng mặt trái, chính là sự tàn phá khủng khiếp với cảnh quan, môi trường và con người ở nơi đó. Đơn cử như, tháng 4/2018, Boracay, thiên đường biển đảo của Philippines, nơi phục vụ gần 2 triệu khách, thu về 1 tỷ USD mỗi năm đã chính thức đóng cửa trong vòng 6 tháng tới do ô nhiễm môi trường trầm trọng.

Ngay đến “nóc nhà của thế giới” – đỉnh núi Everest, nơi hàng năm có khoảng 35.000 khách tham quan và khoảng 1000 nhà leo núi, cũng có những tín hiệu đáng báo động về vấn nạn rác thải du lịch. Theo số liệu công bố năm 2016 của Liên Hợp quốc, có khoảng 140.000kg rác thải chưa được xử lý trên núi E-vơ-rét. Tờ National Geographic từng gọi đây là “hố rác cao nhất trên thế giới”...

TP du lịch sạch – khó khả thi?

Có thể nói, đầu năm 2018 đến nay, ngành Du lịch Hà Nội đã có nhiều thành tựu đáng chú ý. Theo thống kê Sở Du lịch Hà Nội, 6 tháng đầu năm 2018, khách du lịch đến Hà Nội đạt hơn 13 triệu lượt, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2017. 

Khách du lịch quốc tế đến Hà Nội từ gần 190 quốc gia và vùng lãnh thổ, trọng điểm là du khách đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Mỹ, Anh, Đức, Australia, Thái Lan... Các địa điểm tham quan trên địa bàn TP đa dạng, nổi bật như: Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long, Bảo tàng dân tộc học, Khu di tích danh thắng Hương Sơn, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đền Ngọc Sơn, Nhà hát múa rối Thăng Long… Đặc biệt, trong những dịp lễ hội như Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, dịp Giỗ Tổ Hùng Vương và nghỉ lễ 30/4 – 1/5, hoặc như lễ Trung thu vừa qua, lượng du khách đông đảo tại nhiều tụ điểm du lịch.

Đáng chú ý, đầu tháng 9/2018, Việt Nam đã được tôn vinh giải thưởng “Điểm đến du lịch hàng đầu châu Á 2018”, tại Lễ trao Giải thưởng Du lịch Thế giới khu vực châu Á và châu Úc năm 2018 ở Hồng Kông. Cùng thời điểm, TP Hà Nội cũng nằm trong danh sách đề cử “Điểm đến TP hàng đầu thế giới năm 2018” thuộc Giải thưởng du lịch thế giới uy tín nhất (World Travel Awards), cùng do Tổ chức Du lịch Thế giới phát động. 16 ứng cử viên “nặng ký” khác bao gồm: Kuala Lumpur (Malaysia), Las Vegas (Mỹ), London (Anh), Marrakech (Maroc), New York (Mỹ), Paris (Pháp), Saint-Petersburg (Nga), Sydney (Australia), Lisbon (Bồ Đào Nha)… 

Tuy nhiên, nhìn lại hình ảnh kết thúc lễ hội Trung thu vừa qua chính là một ví dụ đáng báo động về thực trạng rác thải ở TP điểm đến du lịch bậc nhất trong nước. Song song với sự phát triển du lịch, Thủ đô cũng phải đối mặt với thách thức của vấn nạn rác thải nghiêm trọng đã và đang tàn phá nhiều “thiên đường du lịch” trên thế giới.

Theo số liệu thống kê của Đề án “Quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050”, dự báo đến năm 2020 lượng rác chất thải của toàn TP là  khoảng 14 nghìn tấn/ngày đêm, năm 2030 là 18 nghìn tấn/ngày đêm và đến năm 2050 là 25 nghìn tấn/ngày đêm.

Ngày 16/9, Sở Du lịch Hà Nội chính thức vận động người dân và du khách tham gia bình chọn TP Hà Nội trở thành “Điểm đến TP hàng đầu thế giới năm 2018”, tới trước ngày 24/10/2018.

Đọc thêm