Bạo hành trẻ em tràn lan: Báo động về nhân tính xã hội

(PLO) - Trong tuần qua, báo chí có thông tin về đoạn clip dài 2 phút 24 giây ghi lại hình ảnh cô giáo mặc đồng phục in logo hình bông sen vàng dùng dép đánh vào đầu học sinh tại Trường Mầm non Sen Vàng (cơ sở 2 ở Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Hình ảnh cắt ra từ clip về vụ việc cô giáo Trường Mầm non Sen Vàng dùng dép đánh vào đầu trẻ
Hình ảnh cắt ra từ clip về vụ việc cô giáo Trường Mầm non Sen Vàng dùng dép đánh vào đầu trẻ

Đáng tiếc đây không phải sự kiện xảy ra lần đầu tiên mà thực sự trở thành một hiện trạng báo động về đạo đức người làm nghề giáo, nhất là ở cấp học mầm non – nơi đầu tiên những đứa trẻ làm quen với đời sống xã hội.

Trẻ em – đối tượng “ưu tiên” của nạn bạo hành?

Ngay những ngày đầu năm, thông tin về những vụ trẻ em tử vong do nghi bị bảo mẫu bạo hành, bệnh nhi tử vong do sự tắc trách của bác sỹ, học sinh mầm non bị cô giáo đánh… tràn ngập trên các trang báo điện tử và facebook. Cảm giác xót xa cùng phẫn nộ đã dấy lên làn sóng lên án mạnh mẽ trước những hành vi “vô đạo đức, mất nhân tính” của những người được gửi gắm niềm tin trước sinh mạng của những đứa trẻ. 

Mới đây nhất, mạng xã hội xuất hiện đoạn video dài gần 2 phút ghi lại cảnh một số giáo viên mầm non bạo hành trẻ là trường hợp cháu bé tại Trường Mầm non Sen Vàng (cơ sở 2 ở Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Trong đó, một cô giáo cầm dép đập thẳng vào đầu, mặt bé trai khiến cháu ôm đầu khóc. Tiếp đến là cảnh một cô dùng vật cứng đập vào đầu bé khác cùng lời đe dọa “ngậm mồm” sau khi kéo bé vào nhà vệ sinh. Cuối video, một cô giáo mặc đồ thể thao, hai tay đút túi quần, dùng đầu gối thúc nhẹ vào bụng một bé khác đang khóc kèm lời quát tháo phải nín ngay.

Hai cô giáo đánh trẻ là Đặng Thị Bình (23 tuổi) và Nguyễn Thị Hồng Ngát (22 tuổi). Trong biên bản tường trình, cô giáo Nguyễn Thị Hồng Ngát cho biết: “Cháu khóc hơi nhiều, em không kiềm chế được cảm xúc nên có hành vi không đúng với đức tính của nhà giáo” và “mong phụ huynh tha thứ cho hành động trên”.

Bà Vũ Thị Tân, chủ nhóm lớp mầm non Sen Vàng thông tin sau khi nắm được vụ việc đã cho triệu tập các cô giáo trên và gặp phụ huynh để giải quyết. Trong sáng 5/2, cơ sở này đã cho hai cô giáo trên nghỉ việc. Bà Hoàng Thanh Hương (Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở Giáo dục Hà Nội) cho biết đây là nhóm lớp do địa phương trực tiếp quản lý. Về phía lãnh đạo Sở  Giáo dục Hà Nội đã nắm được vụ việc và giao cơ quan chức năng yêu cầu các cô giáo liên quan viết tường trình. Sở sẽ làm việc cụ thể với cơ quan chức năng để xác định mức độ vi phạm và đưa ra hình thức xử lý cụ thể. 

Ngay sau khi có thông tin, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng đã có văn bản chỉ đạo giao Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng kiểm tra, làm rõ thông tin báo nêu, phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm theo quy định; Kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân để xảy ra sự việc. Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức rút kinh nghiệm về công tác quản lý các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn, rà soát việc quản lý, cấp phép hoạt động các cơ sở, các nhóm lớp độc lập tư thục; Báo cáo Thành ủy, UBND thành phố trước ngày 10/02/2017;  đồng thời thông tin trả lời báo chí theo quy định.

Trước đó, tại Đà Nẵng, cháu Nguyễn Thị Thu Ngân (13 tháng tuổi, trú phường Trần Hưng Đạo, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) nhập viện tại  Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng trong tình trạng chấn thương sọ não, tụ máu bầm trong não. Bệnh nhân cũng bị tụ máu bầm cột sống và liệt một bên cơ thể. Sau gần 10 ngày điều trị, cháu vẫn suy hô hấp nặng, phải thở oxy liên tục và tiên lượng tình trạng của cháu rất xấu.

Theo mẹ cháu Ngân, cháu Ngân được gửi trẻ tại cơ sở của bà Ngô Thị Anh Đào (phường Lê Hồng Phong, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi). Chiều ngày 23/12/2016, bà Đào điện cho bố cháu Ngân đến đón con vì cháu bị tím tái, sốt và méo miệng nên đưa đến Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi cấp cứu. Trước đó, bà Đào đã đưa cháu Ngân vào cấp cứu từ trưa, khẳng định cháu chỉ bị sặc sữa chứ không phải chấn thương sọ não như chẩn đoán của bác sỹ và từ chối cho cháu nhập viện. Bà Đào cũng tự nhận là mẹ của cháu Ngân để viết giấy cam kết xin đưa con về, tự chuyển lên bệnh viện trên.

Gia đình cháu Ngân cũng đã gửi đơn trình báo sự việc đến Công an phường Lê Hồng Phong nơi xảy ra sự việc, Công an phường Trần Hưng Đạo nơi cháu Ngân sinh sống và Công an TP Quảng Ngãi đề nghị làm rõ sự việc. Công an phường Lê Hồng Phong cũng đã mời bà Đào cùng chồng đến trụ sở làm việc. Tuy nhiên, nguyên nhân khiến cháu Ngân bị chấn thương sọ não hiện vẫn chưa có kết luận. Cơ sở giữ trẻ của bà Đào không có giấy phép và hiện đã bị đóng cửa.

Bôi nhọ nghề giáo

2 vụ việc xảy ra ở 2 TP lớn của đất nước mà nạn nhân là những cháu bé “ăn chưa nên đọi, nói chưa lên lời”, bị hành hạ bởi chính những những người được cha mẹ các cháu tin tưởng, giao con cho chăm sóc. Nhiều năm trước, thông tin về những cháu bé bị bạo hành tại cơ sở giáo dục ngay từ cấp mầm non, tiểu học không phải là ít. Có những vụ đã được xét xử, thủ phạm bị trừng phạt song tình trạng này vẫn diễn ra ở đâu đó, lúc nào đó gây bất ổn cho các bậc phụ huynh có con đang trong độ tuổi non nớt, gây lo ngại cho cả xã hội về nhân tính, đạo đức của những người được mang trọng trách “cô giáo như mẹ hiền”. 

Tuy không thể “vơ đũa cả nắm”, nhưng những bảo mẫu, giáo viên bạo hành trẻ như vậy cũng làm xấu đi hình ảnh và suy giảm niềm tin của xã hội đối với những người đang làm nghề cao quý này. Trên mạng xã hội facebook và những phản hồi đối với thông tin trên các báo điện tử, trang tin điện tử liên quan đến các hành vi bạo hành trẻ em như vậy đều bày tỏ sự phẫn nộ đối những kẻ thủ ác, lo lắng cho những cháu bé đang ngày ngày trông chờ vào sự chăm sóc của các bảo mẫu, giáo viên, chia sẻ với gia đình nạn nhân… song tất cả vẫn không làm suy chuyển được tình hình. 

Vẫn có những kẻ sẵn sàng “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với những đứa trẻ không có khả năng tự bảo vệ chỉ vì “không kiềm chế được cảm xúc” như cô giáo ở Trường Sen Vàng nói trên. Các nhà tâm lý học đã phân tích hậu quả nặng nề của những hành vi bạo hành đối với sự phát triển về thể chất và tinh thần của trẻ.

Những hành vi bạo hành, nhất là từ chính những người mà trẻ tin tưởng, người thân không chỉ ảnh hưởng đến thân thể, gây thương tích, có thể dẫn tới tật nguyền, mà còn khiến trẻ dễ mắc những chứng bệnh về thần kinh, tự kỷ..., gây ra những “vết sẹo tâm hồn”, thậm chí làm sai lệch sự trưởng thành bình thường của một đứa trẻ, khiến chúng “chai sạn tâm hồn”, trở thành những con người vô cảm, hằn thù hoặc sợ sệt với cuộc sống. 

Thiếu giám sát nạn bạo hành sẽ không dừng

Theo một khảo sát của Tổng cục Thống kê với sự hỗ trợ của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) thì có gần 80% số trẻ em Việt Nam từ 2-14 tuổi bị cha mẹ hoặc người chăm sóc hay những người khác trong gia đình trừng phạt bằng bạo lực (khoảng 3.000-4.000 vụ). Ngay khi thảo luận về Luật Trẻ em tại Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội đều cho rằng trẻ em bị bạo hành là trách nhiệm của người lớn bởi chính sự thờ ơ của cộng đồng và sự thiếu trách nhiệm của chính quyền địa phương, của những người có trách nhiệm chăm sóc trẻ dẫn đến thực trạng trẻ bị bạo hành vẫn tiếp diễn.

Dù pháp luật đã có đầy đủ những quy định để xử lý các hành vi bạo hành, trong đó bạo hành trẻ em cũng được coi là một tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự nhưng theo số liệu của Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm Bộ Công an, mỗi năm trung bình có từ 1.600 - 1.800 vụ xâm hại trẻ em nghiêm trọng được phát hiện (kể cả xâm hại tình dục) và năm sau cao hơn năm trước. 

Vậy là, để giải quyết được vấn đề này cần có sự kết hợp của nhiều ngành... đặc biệt cần phải nâng cao giáo dục, nhận thức, trách nhiệm của người lớn đối với quyền trẻ em, nhất là trách nhiệm của cộng đồng và chính quyền, đoàn thể địa phương trong việc phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn những hành vi bạo hành đối với trẻ em. Trở lại sự việc của Trường Sen Vàng, nếu không có cô giáo có mâu thuẫn với 2 cô giáo bạo hành trẻ thì sẽ không có đoạn clip ghi lại hành vi và cũng không ai biết đứa bé bị cô giáo bạo hành. Trước đây, cũng rất nhiều sự việc bạo hành trẻ ở các cơ sở mầm non bị đưa ra ánh sáng là thông qua những đoạn clip được tung lên mạng xã hội.

Điều đó cho thấy, sự giám sát của nhà trường, xã hội, cộng đồng quá mờ nhạt khiến các hành vi bạo hành trẻ em ngang nhiên diễn ra. Nạn nhân quá yếu ớt để lên tiếng, còn các tổ chức giám sát thì lại quá thờ ơ. Cùng với đó, sự vô cảm hoặc tâm lý nể nang, sợ bị trả thù đã khiến những người xung quanh không can thiệp hoặc tố giác. 

Luật Trẻ em có hiệu lực từ 1/6/2017 quy định cụ thể các nội dung về các cấp độ bảo vệ trẻ em (phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp) và trách nhiệm thực hiện; cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; chăm sóc thay thế; các biện pháp bảo vệ trẻ em trong quá trình tố tụng, xử lý vi phạm hành chính, phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng. Các biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp được quy định cụ thể, cùng với trách nhiệm thực hiện của các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong việc bảo vệ trẻ em. Luật quy định các loại hình cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em ở cả ba cấp độ, không chỉ dừng lại ở việc can thiệp đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Tại Điều 53 của Luật Trẻ em quy định cụ thể trách nhiệm của người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã. 

Đồng thời cũng quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em, bao gồm Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, Chính phủ, TAND, VKSND, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế và đặc biệt quy định trách nhiệm của gia đình, cá nhân và cơ sở giáo dục.

Tuy nhiên, để các quy định này thực sự bảo vệ được trẻ em khỏi nạn bạo hành, cần có một hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành, cần có lực lượng những người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã có trách nhiệm và đủ nhiệt huyết để “xông pha” trong cuộc chiến chống lại nạn bạo hành trẻ em. Và trên hết là những người có trách nhiệm chăm sóc trẻ em, cộng đồng xã hội cần có nhận thức đúng đắn về vai trò, nghĩa vụ của mình đối với trẻ em, bất kể khi trẻ trong gia đình, nhà trường hay ngoài xã hội.

Đọc thêm