PV: Mối quan hệ giữa người mua bảo hiểm với đơn vị kinh doanh bảo hiểm là quan hệ dân sự, vậy vì sao quy định hiện hành lại yêu cầu việc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự là “bắt buộc” đối với chủ xe cơ giới?
- LS Nguyễn Đức Hùng: Trong những năm qua, tai nạn giao thông đã trở thành nỗi nhức nhối của toàn xã hội. Lợi ích của việc tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới nhằm giảm thiểu thiệt hại của người tham gia giao thông.
Khoản 1 Điều 14 Nghị định 03/2021/NĐ-CP quy định: “Khi tai nạn xảy ra, trong phạm vi mức trách nhiệm bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải bồi thường cho người được bảo hiểm số tiền mà người được bảo hiểm đã bồi thường hoặc sẽ phải bồi thường cho người bị thiệt hại.
Trường hợp người được bảo hiểm chết, mất năng lực hành vi dân sự theo quyết định của Tòa án, doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường trực tiếp cho người bị thiệt hại hoặc người thừa kế của người bị thiệt hại (trong trường hợp người bị thiệt hại đã chết) hoặc đại diện của người bị thiệt hại (trong trường hợp người bị thiệt hại mất năng lực hành vi dân sự theo quyết định của Tòa án hoặc chưa đủ sáu tuổi)”.
Khi có tai nạn giao thông xảy ra đồng nghĩa với việc người tham gia giao thông phải đối mặt với những thiệt hại về người và tài sản, có rất nhiều các khoản chi phí nảy sinh như: sửa chữa, bồi thường phương tiện giao thông, chi phí giường bệnh, đền bù những tổn thất về tinh thần... Những chi phí này ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế của mỗi gia đình và nhìn rộng ra nó ảnh hưởng chung đến sự phát triển của toàn xã hội. Từ thực tế cho thấy việc bắt buộc tham gia loại hình bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với chủ xe cơ giới là cần thiết, là nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi chủ xe cơ giới.
Tham gia bảo hiểm đồng nghĩa với ý thức đảm bảo an toàn giao thông của chủ phương tiện được nâng cao; thiệt hại, tổn thất khi không may có tai nạn giao thông xảy ra được giảm bớt. Nhìn ở góc độ xã hội thì mang ý nghĩa ổn định cuộc sống người dân, đảm bảo an sinh xã hội.
Thạc sỹ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng - Phó Giám đốc, Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật sư TP Hà Nội). |
PV: Điều 5 Nghị định 03/2021 quy định phạm vi bồi thường thiệt hại: 1. Thiệt hại ngoài hợp đồng về sức khỏe, tính mạng và tài sản đối với bên thứ ba do xe cơ giới gây ra; 2. Thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của hành khách do xe cơ giới gây ra. Thưa luật sư, thế nào là thiệt hại ngoài hợp đồng?
- LS Nguyễn Đức Hùng: Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một loại trách nhiệm dân sự của bên có lỗi (cố ý hoặc vô ý) gây hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, gây hại đến danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc các chủ thể khác.
Về nguyên tắc, bên vi phạm pháp luật gây thiệt hại có nghĩa vụ bù đắp toàn bộ thiệt hại mà bên bị vi phạm đã phải gánh chịu. Căn cứ làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là hành vi vi phạm pháp luật, thiệt hại xảy ra, quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm pháp luật với thiệt hại và lỗi của bên vi phạm. Hay đó là thiệt hại ngoài hợp đồng là những thiệt hại gây ra không phải do vi phạm nghĩa vụ có thoả thuận trong hợp đồng mà là do vi phạm pháp luật, do tội phạm.
PV: Trường hợp nguyên nhân vụ tai nạn được xác định là do lỗi hỗn hợp thì xác định bồi thường như thế nào?
- LS Nguyễn Đức Hùng: Đối với trường hợp nguyên nhân vụ tai nạn được xác định là do lỗi hỗn hợp thì cần xác định rõ mức độ lỗi của mỗi bên để ấn định trách nhiệm bồi thường cho tương xứng. Vì người bị thiệt hại cũng có lỗi và chính yếu tố lỗi của họ là chất xúc tác, là nguyên nhân, dẫn đến phản ứng tiêu cực của bên gây ra thiệt hại và hậu quả thực tế xảy ra, nhưng họ lại đồng thời là người bị thiệt hại.
Do vậy, họ phải tự “bồi thường” cho mình tương ứng với mức độ lỗi đó. Tuy nhiên, việc xác định mức độ lỗi của người gây thiệt hại trong thực tiễn không phải dễ, nhất là việc phân chia tỷ lệ % thiệt hại xảy ra trong những trường hợp “hỗn hợp lỗi”. Do đó, khi quy trách nhiệm bồi thường cần còn phụ thuộc vào mức thiệt hại được xác định để làm căn cứ bồi thường trách nhiệm theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 14 Nghị định 03/2021.
PV: Theo quy định hiện hành thì trách nhiệm hoàn thiện hồ sơ bảo hiểm là của người được bảo hiểm hay doanh nghiệp bảo hiểm? Có quy định nào quy định về trách nhiệm của cơ quan công an trong việc cung cấp hồ sơ liên quan không?
- LS Nguyễn Đức Hùng: Theo quy định tại Điều 15 Nghị định 03/2021 thì doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm phối hợp với bên mua bảo hiểm và các bên có liên quan để thu thập 1 bộ hồ sơ bồi thường bảo hiểm và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ bồi thường bảo hiểm.
Khoản 3 Điều 35 Nghị định 03/2021 quy định về trách nhiệm của Bộ Công an: “Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát điều tra cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến các vụ tai nạn giao thông theo quy định tại khoản 4 Điều 15 Nghị định này, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả điều tra”.
Hơn nữa, tại khoản 1 Điều 21 Thông tư 63/2020 quy định: “Khi doanh nghiệp bảo hiểm có công văn đề nghị hoặc giấy giới thiệu cử cán bộ của mình đến liên hệ với cơ quan, đơn vị Công an đang thụ lý điều tra, xác minh, giải quyết vụ tai nạn giao thông để trích sao hồ sơ phục vụ cho việc giải quyết quyền lợi của các bên liên quan đến vụ tai nạn giao thông có tham gia bảo hiểm thì căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, lãnh đạo cơ quan, đơn vị thụ lý điều tra, xác minh, giải quyết vụ tai nạn giao thông có trách nhiệm cung cấp tài liệu (bản phô tô, đóng dấu sao y bản chính có xác nhận của lãnh đạo cơ quan, đơn vị) theo quy định của pháp luật”.
Như vậy, Cơ quan điều tra Công an có nghĩa vụ phải cung cấp tài liệu cho doanh nghiệp bảo hiểm khi có công văn đề nghị để lập hồ sơ giải quyết bảo hiểm theo quy định của pháp luật.
PV: Mặc dù có những ý nghĩa tích cực, tuy nhiên nhiều người dân vẫn có tâm lý mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự chỉ để “đối phó” với cơ quan chức năng. Mặt khác, hồ sơ để được bảo hiểm đôi khi thường kéo dài, nhiều giấy tờ, dẫn tới người dân không “hào hứng” với việc tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự. Luật sư nghĩ sao về thực tế này và theo ông, cần làm gì để việc tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự thực sự có ý nghĩa và đi vào cuộc sống?
- LS Nguyễn Đức Hùng: Bảo hiểm là tính đến giá trị xã hội, giá trị bù đắp đối với sự kiện rủi ro xảy ra để phòng trừ rủi ro. Khi các chủ phương tiện muốn tham gia bảo hiểm thấy rằng có lợi ích. Tuy nhiên, trên thực tế đã có rất nhiều vụ tai nạn chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chính, tự thỏa thuận giải quyết bồi thường cho nhau, người thụ hưởng phải tự chứng minh, tự thu thập chứng cứ để cung cấp bên bảo hiểm. Do đó, người dân chưa nhận thức được lợi ích của bảo hiểm trách nhiệm dân sự, chưa nắm rõ quy trình bồi thường thiệt hại dẫn tới người dân không “hào hứng” với việc tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự..., các chủ phương tiện mua bảo hiểm chỉ để chống chế, tránh bị phạt chứ không phải vì mục đích xã hội.
Khi có tai nạn xảy ra thì thủ tục bồi thường quá phức tạp và gây khó khăn cho người thụ hưởng. Bên cạnh đó, giá thành của bảo hiểm này khá rẻ chưa kể đến những bảo hiểm không đảm bảo chất lượng uy tín bán tràn lan trên thị trường, dọc vỉa hè các tuyến đường đi lại nên việc mua bảo hiểm là khá đơn giản dễ dàng khiến người dân có tâm lý mua cho có hoặc thậm chí chỉ để “đối phó” khi bị kiểm tra từ cơ quan chức năng.
Như vậy, để việc tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự thực sự có ý nghĩa và đi vào cuộc sống cần phải hoàn thiện pháp luật về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự trong toàn hệ thống, đảm bảo thực hiện đúng theo quy định pháp luật. Trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm thì tiến hành chấn chỉnh, xử lý kịp thời. Đồng thời, các cơ quan liên quan và các doanh nghiệp bảo hiểm cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nắm rõ được chính sách, ý nghĩa của chính sách bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự, từ đó chủ động và tích cực tham gia.
Bên cạnh đó, cần mở rộng mạng lưới phân phối, đa dạng hình thức cung cấp dịch vụ, nâng cao chất lượng dịch vụ bảo hiểm; cũng như việc nâng cao trình độ, kỹ năng tư vấn của đội ngũ cán bộ khai thác bảo hiểm, chăm sóc khác hàng, đội ngũ đại lý bảo hiểm..., cũng như các doanh nghiệp bảo hiểm phải thực sự chú trọng; đảm bảo phát huy tính nhân văn của chế độ bảo hiểm trách nhiệm dân sự.
Hồ sơ bồi thường bảo hiểm cần được quy định theo hướng đơn giản hóa, tăng trách nhiệm và tính chủ động của doanh nghiệp bảo hiểm nhưng vẫn đảm bảo phòng, chống gian lận bảo hiểm. Cần tăng mức trách nhiệm bảo hiểm, về cơ bản, cần đảm bảo chi phí thực tế về giá dịch vụ khám, điều trị, chăm sóc y tế và chi phí khắc phục thiệt hại đối với tài sản.
Người dân không mặn mà với bảo hiểm xe máy là do thủ tục bồi thường bảo hiểm khó khăn, bồi thường lại thấp. Vì vậy, nếu việc cung cấp sản phẩm bảo hiểm thuận lợi và chất lượng cùng nội dung rõ ràng thì việc tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự thực sự có ý nghĩa và đi vào cuộc sống và người dân sẽ không ngần ngại khi mua giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
- PV: Xin cảm ơn luật sư!