Bảo hiểm xã hội siết chặt quản lý hành vi mượn hồ sơ người khác xin việc

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tình trạng người lao động (NLĐ) mượn hồ sơ của người khác để xin việc và tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) xảy ra khá phổ biến hiện nay là vi phạm quy định của Luật BHXH, gây không ít khó khăn cho cơ quan BHXH và rắc rối cho chính người lao động trong giải quyết chế độ.
Bảo hiểm xã hội siết chặt quản lý hành vi mượn hồ sơ người khác xin việc

Để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ cũng như các doanh nghiệp tuyển dụng, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Tiền Giang đã ban hành Công văn số 1259/LĐTBXH ngày 23/6/2021.

Theo đó, khi tuyển dụng Doanh nghiệp phải yêu cầu NLĐ cung cấp và khai báo trung thực các thông tin cá nhân theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Bộ luật lao động năm 2019. Trường hợp phát hiện NLĐ cung cấp và khai báo thông tin cá nhân không đúng sự thật (NLĐ mượn hồ sơ của người khác để tìm việc làm) thì doanh nghiệp có quyền không tuyển dụng NLĐ này.

Đồng thời, tuyên truyền cho NLĐ biết, trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động, nếu phát hiện NLĐ cung cấp và khai báo không trung thực các thông tin cá nhân (NLĐ mượn hồ sơ của người khác), doanh nghiệp có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 36 Bộ luật lao động năm 2019.

Sổ BHXH cấp cho người lao động phải đúng chính nhân thân của người đó ( Ảnh minh họa).

Sổ BHXH cấp cho người lao động phải đúng chính nhân thân của người đó ( Ảnh minh họa).

Cùng với đó, doanh nghiệp cần thông báo cho NLĐ đang làm việc biết nếu đang mượn hồ sơ của người khác thì phải kịp thời bổ sung, điều chỉnh lại hồ sơ cho đúng theo thông tin cá nhân của NLĐ. Doanh nghiệp liên hệ cơ quan BHXH nơi đang đóng BHXH để được hướng dẫn trình tự, thủ tục điều chỉnh. Đối với trường hợp mà NLĐ đang cho người khác mượn hồ sơ của mình để làm việc tại tỉnh/thành khác, thì yêu cầu NLĐ liên hệ người mượn hồ sơ bổ sung, điều chỉnh lại thông tin cá nhân cho đúng của người đó tại doanh nghiệp đang làm việc.

Công văn số 1259/LĐTBXH của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Tiền Giang cũng nhấn mạnh: Khi NLĐ mượn hồ sơ của người khác điều chỉnh thông tin cá nhân về đúng thông tin cá nhân của mình thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng và sau khi đóng phạt mới được điều chỉnh thông tin cá nhân theo Điểm a Khoản 1 Điều 39 Nghị định số 28/2020/NĐ-CP ngày 01/3/2020 của Chính phủ.

Hội nghị tư vấn đối thoại với các doanh nghiệp trong tỉnh Tiền Giang do Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, BHXH Việt Nam phối hợp tổ chức tháng 7/2020 (Ảnh: Văn Thanh)

Hội nghị tư vấn đối thoại với các doanh nghiệp trong tỉnh Tiền Giang do Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, BHXH Việt Nam phối hợp tổ chức tháng 7/2020 (Ảnh: Văn Thanh)

Mượn và cho mượn hồ sơ tư pháp của người khác để được làm việc là hành vi gian dối, không trung thực, ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi lâu dài cả hai bên. Dù NLĐ được hưởng lương, thưởng đều đặn hàng tháng, hàng năm nhưng khi có sự cố xảy ra thì họ mất hết quyền lợi về BHXH, bảo hiểm y tế, trợ cấp thất nghiệp…

Tuy nhiên, để “gỡ rối” và “mở lối”, đảm bảo quyền lợi cho NLĐ, BHXH và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Tiền Giang cũng như các tỉnh thành khác đã hỗ trợ cho NLĐ được làm lại hồ sơ để hưởng chế độ, chính sách. Đồng thời, để tăng nhận thức cho NLĐ, các sở ban ngành liên quan cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với nhiều hình thức khác nhau. Từ đó, NLĐ có thể dễ dàng tiếp cận, góp phần nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật trong đời sống xã hội.

Trong thời gian tới, đặc biệt trong tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên địa bàn Tiền Giang, công tác tuyên truyền cần thay đổi linh hoạt phù hợp với tình hình mới. Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng như Báo, Đài Phát thanh và Truyền hình, Website, mạng xã hội sẽ mang lại hiệu quả tích cực. Vừa đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch vừa mang lại kiến thức bổ ích về pháp luật cho NLĐ.

Đọc thêm