Năm qua, ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Tiền Giang đã vượt khó thực hiện thắng lợi mục tiêu kép: Vừa hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, vừa thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) gặp khó khăn do dịch COVID-19. Những kết quả đạt được năm 2021 đã tạo tiền đề để Bảo hiểm xã hội tỉnh Tiền Giang vững tin thực hiện nhiệm vụ được giao năm 2022.
Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Võ Khánh Bình - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc BHXH tỉnh Tiền Giang về những nội dung này.
Vượt mọi khó khăn để phủ sóng các chính sách BHXH
*Thưa ông, trước những khó khăn trong tình hình dịch bệnh phức tạp, kéo dài tại Tiền Giang từ tháng 4/2021 cho đến nay, BHXH tỉnh Tiền Giang đã phải nỗ lực cao độ và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Ông có thể chia sẻ về kết quả đạt được?
- Trong hoàn cảnh khó khăn, thách thức trong năm vừa qua, với sự quyết liệt triển khai thực hiện nhiệm vụ của Cấp ủy, Ban Giám đốc, BHXH tỉnh đã đạt được nhiều kết quảnổi bật. Tính đến ngày 31/12/2021, toàn tỉnh quản lý thu trên 204.000 người (trong đó BHXH tự nguyện là 26.455 người) đạt 100% chỉ tiêu được giao. Đặc biệt, số người tham gia BHXH tự nguyện tiếp tục tăng 40,6 % so với năm 2020. Số người tham gia BHYT đạt 100,3% chỉ tiêu giao, tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm y tế (BHYT) đạt 92% trên dân số của tỉnh, tổng số tiền đã thu 4.420 tỷ đồng, số tiền nợ 104 tỷ chiếm 2,3% số phải thu.
Trong công tác giải quyết hồ sơ các chế độ BHXH, BHYT, Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), BHXH tỉnh Tiền Giang đã tiếp nhận giải quyết kịp thời các chế độ gần 168.000 lượt người hưởng thụ. Chi trả kịp thời, an toàn lương hưu, trợ cấp BHXH với số tiền gần 3.508 tỷ đồng. BHXH tỉnh Tiền Giang cũng triển khai kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng các gói hỗ trợ đến tận tay NLĐ, NSDLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, đơn vị đã thực hiện điều chỉnh giảm mức đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp cho 2.427 đơn vị, với số tiền trên 50 tỷ đồng; giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất cho 12 đơn vị với 5.190 lao động, số tiền tạm dừng trên 26 tỷ đồng; xác nhận các mẫu danh sách cho 861 đơn vị với 126.461 lao động. Đối với Nghị quyết số 116/NQ-CP, BHXH tỉnh đã hoàn thành việc thông báo điều chỉnh mức đóng (giảm từ 1% xuống 0%) vào quỹ BHTN cho cho 1.948 đơn vị với 95.554 lao động, số tiền 48,482 tỷ đồng; chi hỗ trợ cho 188.248 lao động, với số tiền 439,47 tỷ đồng.
Ngoài ra, BHXH tỉnh đã đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt cho 51.489/59.844 người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, BHTN hằng tháng đạt 86,04% (trong đó có 12.562/20.650 đạt 60,8% người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng nhận lương qua ATM).
Đa dạng các hình thức tuyên truyền như: Truyền thông qua báo, đài, hệ thống loa phát thanh xã, phường, tờ rơi, tờ gấp… truyền thông trực tiếp, tăng cường truyền thông trực tuyến qua mạng xã hội (livestream, Zalo, Fanpage, Youtube…). Phát động chương trình “Hỗ trợ thẻ BHYT - Chia sẻ yêu thương”, “Tặng sổ BHXH tự nguyện - Của để dành khi về già”, sau 2 đợt phát động, chương trình đã vận động được 821 triệu đồng, hỗ trợ 5.377 thẻ BHYT, 150 sổ BHXH tự nguyện cho người lao động tự do.
Năm 2021 BHXH tỉnh Tiền Giang đã hỗ trợ gần 5.400 thẻ BHYT, 150 sổ BHXH tự nguyện cho người dân khó khăn trên đại bàn tỉnh. |
* Có thể nói rằng, những kết quả đạt được của BHXH tỉnh Tiền Giang trong thời gian qua rất ấn tượng. Đây là kết quả của sự quyết tâm, nỗ lực vượt khó của tập thể công chức, viên chức, người lao động BHXH tỉnh. Vậy, BHXH tỉnh Tiền Giang đã thực hiện như thế nào để đạt được những kết quả này thưa ông?
- Để tổ chức thực hiện tốt các chế độ, chính sách BHXH, BHTN, BHYT, năm qua BHXH tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện chính sách hỗ trợ ở 3 cấp, chỉ đạo thực hiện giải quyết các chính sách hỗ trợ cho NLĐ. Trên tinh thần chỉ đạo của BHXH Việt Nam, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, BHXH tỉnh Tiền Giang đã vận dụng, linh hoạt những giải pháp, cách làm riêng phù hợp với tình hình thực tế mang lại nhiều hiệu quả cao.
Đồng thời tăng cường công tác tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh, trong chỉ đạo và phối hợp với các sở, ngành chức năng có liên quan trong việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT.
Theo đó, trong năm 2021, BHXH tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh Tiền Giang ban hành 25 văn bản chỉ đạo thực hiện về công tác BHXH, BHYT, BHTN. Với những cách làm mang tính sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với tính hình thực tế của BHXH tỉnh đã mang lại kết quả cao. Nhất là trong lĩnh vực giải quyết chính sách hỗ trợ, công tác tuyên truyền, vận động phát triển BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, công tác tăng thu, giảm nợ.
Vững tin thực hiện nhiệm vụ 2022
* Dự báo, năm 2022 sẽ còn nhiềukhó khăn do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19. Vậy, với kinh nghiệm rút ra trong năm 2021, BHXH tỉnh Tiền Giang có những kế hoạch, giải pháp nào để thực hiện nhiệm vụ tốt hơn trong năm mới?
- BHXH và BHYT là hai chính sách xã hội quan trọng, là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội và phát triển kinh tế - xã hội. Ý thức được vai trò, trách nhiệm đó, BHXH tỉnh Tiền Giang đã đề ra kế hoạch thực hiện nhiệm vụ được giao thích ứng linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế. Đặc biệt là tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng, sử dụng công nghệ, chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp tại tỉnh nhà.
BHXH tỉnh Tiền Giang sẽ tăng cường công tác tham mưu cho các cấp về công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN trong năm 2022. |
Để thực hiện tốt những mục tiêu này, năm 2022 BHXH Tỉnh Tiền Giang sẽ tăng cường hơn nữa công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp về công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN. Chủ động phối hợp Sở, ngành liên quan đánh giá nguồn lao động tiềm năng làm căn cứ tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định giao chỉ tiêu phát triển BHXH, BHTN năm 2022 cho UBND cấp huyện.
Bên cạnh đó, BHXH tỉnh Tiền Giang sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý đối tượng trong việc rà soát, lập danh sách tham gia BHYT. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác nghiệp vụ. Thực hiện tốt công tác tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thủ tục hành chính “một cửa”, công tác giám định chi phí khám chữa bệnh BHYT. Kết hợp với Sở Y tế tăng cường kiểm tra tại các cơ sở y tế trong việc tổ chức khám chữa bệnh đảm bảo quyền lợi bệnh nhân.
Ngoài ra, phối hợp với các cơ quan truyền thông tăng cường công tác truyền thông với nhiều hình thức, chú trọng phát huy ưu thế của các hình thức, phương pháp truyền thông hiện đại, đa phương tiện, trên môi trường Internet, mạng xã hội. Quyết liệt thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, BHTN đột xuất tại các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm hoặc đã vi phạm.Thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ nhằm nâng cao chất lượng công chức, viên chức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng tăng của ngành BHXH.
Có thể nói, các chính sách của BHXH là điểm tựa, là nền tảng thiết yếu để đảm bảo an sinh bền vững, ổn định đời sống người dân trong mọi tình huống khó khăn có thể xảy ra. Chính vì thế trong năm 2022 BHXH tỉnh Tiền Giang sẽ nỗ lực, cố gắng thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần đồng hành cùng các cấp và người dân từng bước vượt qua đại dịch.
* Xin trân trọng cảm ơn ông, chúc ông năm mới nhiều sức khỏe và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao!