“Bảo kê” không hề là một thuật ngữ pháp lý!

(PLO) -Thế mà hoạt động bảo kê lại luôn luôn xuất hiện trong đời sống pháp luật của chúng ta và từ “bảo kê” liên tục với tần suất lớn trên các phương tiện truyền thông.
Bảo kê ở chợ Long Biên, Hà Nội
Bảo kê ở chợ Long Biên, Hà Nội

Gần đây nhất, theo đơn tố cáo của hàng loạt tiểu thương ở chợ đầu mối hoa quả Long Biên (Hà Nội), hiện tượng Khánh “trắng” xuất hiện trở lại với hoạt động thu tiền trắng trợn tiểu thương của “lực lượng” bảo vệ, bốc xếp nơi đây.

Sở dĩ nó tác oai, tác quái được là do có nhiều tầng nấc bảo kê và cái tầng cao nhất vẫn còn là một dấu hỏi lớn. Mượn danh lực lượng tham gia gìn giữ trật tự, an ninh, an toàn mà lộng hành theo kiểu giang hồ trấn lột, sặc mùi xã hội đen, hoành hành trong một thời gian dài mà nhà chức trách sở tại không làm gì được, không đụng đến được thì rõ ràng là sự bảo kê quá vững chắc!

Bảo kê cũng được nhắc đến nhiều trong các vụ phá rừng của “lâm tặc”. Mới nhất, một Đội trưởng Kiểm lâm đã bị bắt vì hành vi bảo kê cho chủ gỗ và nhận hàng trăm triệu đồng. Trước đó, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm cũng đã bị khởi tố về hành vi này.

Cứ lần theo cái đường dây bảo kê đó dứt khoát sẽ tìm ra sự bảo kê ở tầng nấc cao hơn. Cũng như mấy kẻ “thị tặc” nơi chợ búa kia thì rừng xanh không có bảo kê làm sao có “lâm tặc” và sự chuyển hóa từ bảo kê đến đồng phạm, từ kiểm lâm đến “lâm tặc” quả là đã diễn ra, bị nhốt chung một rọ.

Tuy “bảo kê” không được liệt kê vào hành vi phạm tội, song cũng đã có nhiều kẻ bảo kê phải sa vòng lao lý như trường hợp nhân viên Đội quản lý đô thị bảo kê chiếm dụng vỉa hè, ở đây, bị quy kết bởi hành vi có dấu hiệu nhận hối lộ. Các vị quan chức ngành Kiểm lâm trở thành bị can hẳn cũng do yếu tố này.

Các hành vi khác như “tiếp tay”, “chống lưng” cũng không hề được quy định trong luật hình sự mặc dù đây là biểu hiện đồng lõa với các hành vi vi phạm pháp luật. Sự “tiếp tay”, “chống lưng” tội phạm này cũng giống như bác sỹ cấp giấy chứng nhận tâm thần cho những kẻ phạm tội chạy tội nhưng nguy hiểm hơn ở chỗ, hành vi này tạo ra tội phạm.

Song, muốn nói gì thì nói, bảo kê là thuộc tính của giới giang hồ, xã hội đen, hoạt động bảo kê bị đặt ra khỏi vòng pháp luật. Thế mà, những công chức nhà nước, phục vụ chế độ, đường đường chính chính mà lại làm cái việc bảo kê thì rõ ràng là họ phản bội lại chính quyền mà họ tham gia, làm hoen ố thể chế, mất lòng tin của dân. Những người đó không còn xứng đáng có vị trí là cán bộ, công chức, viên chức của chính quyền, không cứ riêng ở ta mà chính quyền nào cũng không dung thứ cho sự bảo kê./.