“Bảo kê” và tội phạm chức vụ

(PLO) - Trước nay, từ “bảo kê” thường dùng để chỉ hành vi của các băng nhóm xã hội đen, thực hiện bởi những kẻ tự đặt mình ra khỏi vòng pháp luật. Bây giờ, khi vụ đánh bạc qua mạng nghìn tỷ đã được làm rõ bởi cơ quan điều tra Công an tỉnh Phú Thọ thì “bảo kê” đã là thuộc tính của tội phạm chức vụ, thực hiện bởi các tướng lĩnh Công an – những người được giao nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, trấn áp tội phạm, thay vì bảo vệ, họ đã bảo kê, thay vì trấn áp, họ đồng lõa với loại tội phạm này.
Đường dây đánh bạc nghìn tỷ qua mạng. Ảnh minh họa
Đường dây đánh bạc nghìn tỷ qua mạng. Ảnh minh họa

Sự bảo kê đó được thực hiện bằng một loạt hành vi có hệ thống: Từ việc thành lập công ty bình phong trái quy định đến việc lấy địa điểm thuộc Bộ Công an làm trụ sở cho công ty này, từ việc ngăn cản cấp dưới không cho phép đụng đến công ty đến việc ký những văn bản đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông tạo điều kiện để công ty triển khai các hoạt động đánh bạc một cách hợp pháp. Từng đó động thái từ những người có chức vụ cao trong lực lượng Công an cho mọi người hình dung ra “bảo kê” là như thế nào.

Điều đặc biệt, khác thường là sự bảo kê này vô cùng vững chãi, che chắn kỹ càng và diễn ra có vẻ rất hợp pháp, ngay cả trong nội bộ ngành cũng cho rằng công ty tổ chức đánh bạc này thuộc cơ quan nghiệp vụ của Bộ Công an, vì thế, việc phát hiện và phơi trần bộ mặt thật của nó gần như là một việc bất khả thi. Ngay cả đến khi lãnh đạo Bộ Công an yêu cầu kiểm tra vì có sự nghi ngờ thì các ông tướng này cũng trì hoãn, câu giờ và báo cáo sai sự thật. Đó là biểu hiện của sự bảo kê đến cùng.

Một diễn biến khác mà dư luận quan tâm là những tội danh đề nghị truy tố chỉ có tội Đưa hối lộ mà không có tội Nhận hối lộ. Mặc dù các bị can cầm đầu đường dây đánh bạc này đã khai đưa cho người bảo kê rất đáng tin cậy của mình hàng chục tỷ đồng, hàng triệu đô la Mỹ, cơ quan điều tra vẫn cho là có cơ sở nhưng chưa thể xác minh chính xác lời khai này.

Do vậy, bọn họ sẽ phải nhận tội Đưa hối lộ và không có ai nhận cả, trừ trường hợp cái đồng hồ Rolex trị giá 7.000 đô la mà cơ quan điều tra đã đủ căn cứ xác định là của biếu từ bị can tổ chức đánh bạc. Chẳng lẽ các hành vi bảo kê từ đầu đến cuối đó của các bị can trong vụ án này chỉ để đổi lấy các bữa nhậu rượu ngoại hơn 10 tỷ đồng và cái đồng hồ thôi sao? Chắc chắn điều này sẽ được làm sáng tỏ khi giai đoạn 2 của vụ án được mở ra.

Vụ án này đúng là một “trận đánh lớn” vào tham nhũng và ở một địa hạt ít ai dám ngờ tới. Ngoài ý nghĩa của việc chống tham nhũng và thoái hóa trong lực lượng cán bộ cao cấp mang lại niềm tin vào quyết tâm diệt trừ nạn “giặc nội xâm” ra thì còn cho thấy rõ những thủ đoạn, hình thức của tội phạm lợi dụng chức vụ, quyền hạn đã lũng đoạn xã hội tới mức nào. Những sự “bảo kê”, “chống lưng”, “doanh nghiệp sân sau”, “cánh hẩu”,... không chỉ là hiện tượng mà đã hiện diện hình hài đầy đủ qua vụ án này.

Rồi đây, khi các nhân vật cộm cán như Út “trọc”, Vũ “nhôm” phải đứng ra trước Hội đồng xét xử khai báo về hành vi phạm tội của mình sẽ bổ sung đầy đủ bức tranh về tội phạm chức vụ ở Việt Nam để nhân dân nhận diện bộ mặt thật của “giặc nội xâm” và đó sẽ là một lời cảnh tỉnh mạnh mẽ nhất đối với những người có ý định theo “giặc”!