Gia đình chị Trần Ngọc Trân (ở thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) ngày ngày làm hàng trăm hộp cơm phát miễn phí cho người nghèo. Gia đình chị mượn căn - tin trường Trung học Phổ thông chuyên Nguyễn Thị Minh Khai, phường 6, thành phố Sóc Trăng làm nơi nấu thức ăn.
Để có được những suất cơm ngon, đủ cả canh, rau lẫn thịt gửi tặng những người có hoàn cảnh khó khăn, mỗi ngày từ 4h, người nhà chị tất bật nấu đến 11h. Để tránh người dân tập trung đến nấu cơm, gia đình chj Trân đến phân phát từng khu nhà trọ, khu dân cư nghèo.
Do nhu cầu của người nghèo tăng lên, từ 350 suất cơm ban đầu, đến nay, mỗi ngày chị Ngọc Trân đã tăng lên hơn 550 suất.
Ông Nguyễn Văn Thạch (gần 60 tuổi ở Phường 6, làm nghề xe ôm) tâm sự: “Từ khi xảy ra dịch Covid-19 này chú chạy cũng đâu có được gì, chú cũng già gần 60 rồi. Nhờ chị Ngọc Trân giúp một ngày 2 hộp cơm, chú sống qua ngày. Những hộp cơm này rất có nghĩa với người nghèo”.
Chị Ngọc Trân bọc từng suất cơm chuẩn bị đi chia cho người nghèo. Ảnh VOV. |
Từ khi thực hiện cách ly xã hội, anh Trần Văn Tứ - chủ cửa hàng đồ thủ công mỹ nghệ gỗ và trầm hương ở TP Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi) đã tìm cách hỗ trợ những người bán vé số và người thất nghiệp trên địa bàn. Anh trích 50 triệu đồng lợi nhuận từ việc kinh doanh để cấp phát lương thực, thực phẩm cho những người mất việc có hoàn cảnh khó khăn hoặc người già neo đơn.
Đích thân anh Tứ đã đến từng nhà để trao quà, đảm bảo những phần quà của mình đến đúng người. Bà Nguyễn Thị Mẹo ở thôn Lâm Thượng, xã Đức Phong (huyện Mộ Đức) bày tỏ: "Tôi rất bất ngờ khi các cháu đi quãng đường xa để đến tận nhà tặng gạo, mì tôm... Tôi già, sống một mình, chỉ biết đi lượm ve chai để sống qua ngày. Mấy ngày qua, các cấp tuyên truyền phòng, chống dịch tôi ở nhà nên cũng gặp khó khăn. Sự hỗ trợ này phần nào giúp tôi trong cuộc sống".
Không ít những siêu thị "siêu thị Hạnh Phúc" với giá bán 0 đồng, những ATM gạo hỗ trợ người dân nghèo trong lúc dịch bệnh.
Những ATM gạo lần lượt xuất hiện ở TP HCM, Hà Nội, Huế, Đăk Lăk khiến nhiều người cảm động. Hay những địa chỉ phát lương thực từ thiện “Hãy đến nhận nếu bạn cần”... không chỉ là “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, mà còn là sự quan tâm của cả cộng đồng dành cho những người nghèo khó.
Một số người sa cơ, cùng đường được cư dân mạng chia sẻ lập tức có các "mạnh thường quân" và nhiều người dân giang tay giúp đỡ.
Đơn cử như trường hợp ông Đào Kim Hải (62 tuổi, tạm trú quận 4, TP HCM). Ông Hải sống một mình trong căn trọ nhỏ tại quận 4, bình thường ông đi làm bảo vệ, nhưng trước Tết, vì cắt giảm nhân sự, thêm ảnh hưởng của dịch Covid-19, ông thất nghiệp. Không có tiền để trả tiền trọ, đến cả giấy tờ tùy thân (CMND - sổ hộ khẩu), ông Hải đành cầm cố lấy 1 triệu đồng để đắp đổi qua ngày.
Hình ảnh bác bảo vệ ngồi thất thần bên đường khiến nhiều người xót xa. |
Khi nghe tin, vợ chồng anh Bình (ngụ quận 4) đã đưa ông Hải về nhà để chăm sóc. Đồng thời, anh Bình cũng thu xếp cho ông Hải một công việc nhẹ nhàng ở cửa tiệm để ông đỡ buồn chán.
Khi đã "an cư", ông Hải nhường sự giúp đỡ của mọi người cho người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình. “Vui lắm con ơi, nhưng chú nhận đủ rồi, không muốn nhận thêm đâu, chú cũng phải đi kiếm việc làm nữa", ông xúc động nói.
Hay một thầy giáo nước ngoài cầm tấm bảng “Không có công việc giúp tiền mua thức ăn” cũng khiến nhiều người chú ý và nhanh chóng hỗ trợ.
Ông J.D đến Việt Nam năm 2003, làm việc ở TP HCM 6 năm rồi trở về nước. Năm 2015, ông quay lại Việt Nam tiếp tục công việc giáo viên Anh ngữ cho các trung tâm, nhưng dịch Covid-19 đã khiến ông khốn khó. Các trường lớp ở TP HCM đóng cửa từ sau tết, gần 3 tháng nay, ông phải nghỉ dạy. Không việc, không lương, ông phải ra đường xin sự giúp đỡ từ người xa lạ ở TP HCM.
Thầy giáo Tây cầm tấm bảng giữa phố. |
Ông buồn rầu tâm sự: "Tôi vứt bỏ sĩ diện của một giáo viên. Cầm tấm bảng xin ăn để mong vượt qua khó khăn hiện nay. Nhưng điều tôi muốn hơn có việc làm. Mong ai đó nhận tôi đi dạy với giá tiền thuê bao nhiêu cũng được".
Sau những lời chia sẻ, thầy giáo J.D đã nhận được rất nhiều tình cảm, ủng hộ của cộng đồng người Việt. Mọi người mang thực phẩm đến; người liên hệ cho ông để dạy kèm cho con, cháu họ; một số trung tâm giáo dục ngoại ngữ đã liên hệ và tạo điều kiện để ông trở thành nhân viên của họ nhằm giúp ông vượt qua thời gian khó khăn.
“Tôi thật sự đã ổn. Thậm chí bây giờ tôi có quá nhiều công việc mà không thể làm hết. Tôi xin phép từ chối để nhường những điều đó cho người khó khăn khác”, ông J.D bày tỏ.