Cảnh ngang tai trái mắt mà không ít người dân hàng phố chứng kiến là những người giữ gìn trật tự đường phố đối xử với người bán hàng rong hoặc bán ở chợ cóc. Lực lượng giữ gìn trật tự có cả Công an và Dân phòng, nhưng “ra tay” chủ yếu là các bác dân phòng. vấn đề đặt ra là, các vụ bạo hành công khai như thế có đáng lên án và có cần tìm các biện pháp để loại trừ không?.
|
Ảnh minh họa |
Những cảnh rượt đuổi, bắt bớ, giật hàng đẩy người… bán rong không còn xa lạ hằng ngày trên phố Hà Nội. Thúng mẹt, rau dưa, trái cây bị giật đổ, tung tóe ra đường. Xe đạp, quang gánh bị vứt lên xe tải. Đáng nói nhất là các bà, các chị dáng vẻ lam lũ ra sức giằng kéo, van xin bị đáp trả bằng những lời tục tục tĩu, thậm chí bị đập gậy, bẻ tay, bị xô ngã… Không ai đứng ra can thiệp và họ cũng không biết kêu ai vì những người đang có hành động bạo lực như thế nhân danh lực lượng gìn giữ trật tự đô thị.
Cảnh này có từ lâu, tái diễn và tiếp diễn mà chưa có một phương sách hay hơn để chấm dứt những hình ảnh làm xấu “mỹ quan đô thị” đó. Dường như một tâm lý thịnh hành trong lực lượng giữ gìn trật tự đô thị đó là “già đòn non lý sự”, thích dùng bạo lực để trấn áp hơn là nhẹ nhàng khuyên bảo. Những người đàn bà bán hàng rong, họp chợ trái phép đó chỉ biết chạy hoặc van xin vì biết rằng chỉ một động tác phản ứng lại có thể bị ghép vào “tội chống người thi hành công vụ”, vào tù thì ai nuôi chồng con?.
Vì mưu sinh, những người đàn bà bị đánh, bị mắng, bị tịch thu phương tiện, hàng hóa hôm qua, hôm nay lại vẫn ra đường, lại đến chỗ cũ và có thể lại vẫn gặp phải khổ nạn như hôm qua từng gặp.
Bạo hành gia đình gia tăng và trở thành mối lo của toàn xã hội, phải tìm cách phòng, chống và giảm thiểu. Thế còn những kiểu bạo hành công khai ngoài xã hội thì tính sao đây?.
Nhị Ngọc