Bạo lực gia đình không chỉ là “nắm đấm”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Với nhiều người, bạo lực gia đình thường là những hành vi đánh đập, gây thương tích hoặc xúc phạm đến thân thể, tinh thần. Thực chất, bạo lực gia đình còn chứa đựng nhiều khía cạnh khác.
Nhiều người vẫn không biết mình đang là nạn nhân hoặc gây ra những hành vi bạo lực gia đình.
Nhiều người vẫn không biết mình đang là nạn nhân hoặc gây ra những hành vi bạo lực gia đình.

Hiểu chưa rõ về bạo lực gia đình

Thế nào là bạo lực gia đình (BLGĐ), những hành vi đơn giản hàng ngày nhưng có thể gây buồn, tổn thương cho bạn đời có được coi là BLGĐ hay không là chủ đề được bàn luận sôi nổi trên mạng xã hội trong thời gian gần đây.

Từ trước đến nay, khái niệm BLGĐ được pháp luật quy định sẽ chia hành vi BLGĐ làm 4 nhóm. Đó là bạo lực tinh thần, bao gồm hành vi lăng mạ hoặc cố ý xúc phạm danh dự, nhân phẩm hay cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu, giữa cha, mẹ và con, giữa vợ và chồng, giữa anh, chị, em với nhau, hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở, cưỡng ép tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ.

Bạo lực thể chất bao gồm các hành vi như hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng. Trong khi đó, bạo lực kinh tế là các hành vi đoạt, hủy hoại, đập phá hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình hoặc cưỡng ép lao động quá sức, hành vi kiểm soát tài chính. Hành vi bạo lực tình dục chính là hành vi cưỡng ép quan hệ tình dục trong hôn nhân...

Mới đây, khi thảo luận tại tổ về Luật Phòng, chống BLGĐ sửa đổi có đại biểu Quốc hội còn cho rằng, những hành vi BLGĐ còn có thể có các biểu hiện cụ thể: Chồng đi làm về nhà nhưng im lặng suốt, không nói gì cả, hoặc suốt ngày khen hàng xóm xinh đẹp, chu đáo, giận dỗi vô cớ... làm cho đối tượng bị tác động khủng hoảng về mặt tâm lý.

Quan niệm về hành vi BLGĐ hiện nay vẫn chưa thực sự thống nhất vì thực tế, nhiều hành vi không hiển hiện rõ ràng, không có hậu quả tức thời nhưng vẫn gây ra sự tổn thương nặng nề, sâu sắc đến các thành viên trong gia đình.

Thay đổi nhận thức để không còn bạo lực gia đình

Với chị Nguyễn Thị Minh H, ngụ Bến Lức, Long An, chồng chị vẫn là một người chồng rất đàng hoàng bởi anh chưa bao giờ đánh đập chị hay con cái. Nhưng mỗi lần nhậu say về anh sẽ chửi bới vợ con tàn tệ. Anh chửi chị, chửi các con, chưa hết còn lôi cha mẹ chị ra xúc phạm, mắng nhiếc. Mỗi lần như vậy, chị và các con đều mệt mỏi, sợ hãi.

Nhưng đến khi tỉnh rượu, anh lại làm hòa, lại siêng năng, chăm chỉ làm lụng, còn chị thì an ủi rằng anh chỉ “ác miệng” chứ chưa bao giờ bạo lực vợ con. Cứ thế, tình trạng ấy diễn ra suốt gần 20 năm trời. Trong khi chị H cảm giác mình vẫn sống trong một gia đình “hòa thuận” và không có bạo lực thì nhiều chuyên gia cho rằng, con trai chị rất có thể cũng sẽ trở thành người đàn ông hay chửi mắng vợ không tiếc lời. Còn con gái chị sẽ bị ám ảnh mỗi khi nghe ai to tiếng, chửi nhau.

Trường hợp của chị H khá phổ biến trong xã hội hiện nay, khi mà rất nhiều người vẫn còn chưa hiểu sâu, hiểu rõ thế nào là BLGĐ. Có những người vợ có chồng ghen tuông đến bệnh hoạn, kiểm soát tin nhắn, kiểm tra lịch trình hằng ngày, “tra tấn” vợ bằng bao câu hỏi chất vấn. Cũng không ít người chồng chỉ muốn thỏa mãn nhu cầu tình dục của mình, bất chấp sự không đồng thuận của vợ, bởi họ cho rằng “vợ chồng thì thuộc về nhau”.

Nạn nhân của BLGĐ cũng không chỉ là phái yếu mà còn cả “cánh mày râu”. Như vụ án hai “ngôi sao” Hollywood đình đám mới đây, Johnny Depp thắng kiện Amber Heard sau suốt hành trình dài chứng minh rằng mình - một người đàn ông cũng là nạn nhân BLGĐ. Còn biết bao người vợ không biết rằng mình là thủ phạm của hành vi bạo lực, khi mà kiểm soát từng đồng tiền trong ví chồng, khiến người chồng “nghẹt thở”, cấm chồng qua lại, chăm sóc người nhà chồng, cũng có không ít người phụ nữ chửi chồng như “hát hay”, chửi trước mặt cả bàn dân thiên hạ, khiến người chồng “không ngóc đầu lên nổi”. Hầu hết họ đều không nghĩ mình đang thực hiện hành vi BLGĐ.

Dự án Luật Phòng chống BLGĐ (sửa đổi) mới đây đã bổ sung một số hành vi bạo lực mới như: bỏ mặc không quan tâm, chăm sóc thành viên gia đình là người cao tuổi, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ, trẻ em; ngăn cản thành viên gia đình tham gia các hoạt động xã hội hợp pháp; phát tán hình ảnh, thông tin, tài liệu riêng tư của thành viên gia đình khi chưa được sự đồng ý của người đó; phân biệt giới tính, định kiến giới và các đặc trưng cá nhân của thành viên gia đình liên quan đến giới vi phạm pháp luật cũng được coi là bạo lực.

Đề xuất trên đã tương đối cụ thể, kĩ lưỡng, nhưng quan trọng là làm thế nào để truyền thông giúp người dân nắm, hiểu sâu sắc về khái niệm cũng như hậu quả của hành vi BLGĐ cũng vô cùng quan trọng. Vì chỉ khi nào hiểu rõ và sâu các khái niệm về BLGĐ, hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình, mỗi thành viên trong gia đình mới có thể góp phần phòng ngừa và chống lại BLGĐ.

Đọc thêm