Bạo lực lời - “vòng kim cô” bóp nghẹt tình yêu

(PLVN) - Lời mắng mỏ của cha mẹ với con cái tuy vô hình, nhẹ tênh nhưng lại luôn gây ra những vết thương rất sâu và khó lành. 

Khoa học đã chứng minh tác động của những cảm xúc và ký ức tiêu cực đó là vô cùng lớn khiến những trẻ như vậy học hành chậm chạp, vận động tư duy kém trong cuộc sống, khiến cha mẹ càng ngày càng không hài lòng, càng chửi mắng nhiều. Đó chính là cái vòng luẩn quẩn mà nếu cha mẹ không nhận ra thì sẽ đẩy con cái tới bờ vực của khủng hoảng tinh thần.

Thương cho roi cho vọt hay bạo hành - cha mẹ có phân biệt được không?
 Thương cho roi cho vọt hay bạo hành - cha mẹ có phân biệt được không?

Những nhát dao vô hình rạch nát tình cảm gia đình

Trong số mới nhất của chương trình “Youth Talk” (Thiếu niên nói) của Trung Quốc, một nữ sinh trường Thương Đức Thượng Hải - Vương Tử Dạ đã chia sẻ câu chuyện về người mẹ có “miệng lưỡi độc” của cô.

Nữ sinh kể có lần, cô chỉ đạt hơn 50/100 điểm trong bài kiểm tra Toán và cô không dám gọi cho mẹ trong suốt ba ngày. Cuối cùng mẹ cô đã gọi cho cô. Trong cuộc trò chuyện với con gái, bà mẹ “mát mẻ”: “Con đúng là tài năng quá rồi, làm sao thi đậu đại học đây? Nếu con thi như vậy thì thôi, tìm một nơi nào mát mẻ sống đi, không cần đến trường nữa. Hãy nhìn vào chỉ số IQ của mẹ rồi nhìn lại con đi. Nó thực sự không di truyền chút nào”.

Vương Tử Dạ cho biết, “Em nghĩ mẹ em dù sao cũng phải sống rất vất vả, nhưng em không thể nào chấp nhận được sự thật là mẹ em rất độc đoán”. Rõ ràng nhận xét này của nữ sinh có thể gây sốc cho nhiều phụ huynh nhưng có một thực tế cần nhìn nhận rằng ngay lúc cô bé đang cần an ủi nhất thì phải đối mặt những tiếng la mắng của mẹ mình. Thay vì được an ủi, cái mà cô nhận được chỉ là những lời đáp trả từ “miệng lưỡi độc địa” của người mẹ khiến cô bé đau thắt ruột gan. 

Đáp trả con gái, bà mẹ cho biết bà không cố tình có những lời nói cay nghiệt đó, chỉ là đang muốn thể hiện sự quan tâm “sắc sảo và thẳng thắn” của mình đối với con gái. Thế nhưng, bà mẹ có biết đâu rằng, “cái gọi là sắc sảo và thẳng thắn của mẹ đã khiến em bị tổn thương rất nhiều!”, theo Vương Tử Dạ.

Câu chuyện của Vương Tử Dạ không mới, vẫn luôn hiện hữu trong các gia đình từ xưa đến nay và chưa có dấu hiệu gì cho thấy sẽ có sự thay đổi. Hầu như tất cả phụ huynh đều từng trải nghiệm sự la mắng con vì bất cứ lý do nào: thức khuya, dậy muộn, lười ăn, đạt điểm kém… Người Việt thường bao biện chuyện mắng con bằng câu: “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. La mắng mới là cách để bạn thể hiện tình yêu với con, dạy con nên người.

Trẻ sẽ cảm thấy thế nào khi bị cha mẹ la lắng? Theo kết quả của một nghiên cứu được tiến hành bởi Tiến sĩ Martin Teicher thuộc Đại học Y khoa Harvard cho thấy, bạo lực ngôn ngữ ảnh hưởng đến các vùng não của con người, bao gồm khu thể chai (Corpus callosum), khu Hồi hải mã (Hippocampus – một bộ phận của não trước, nằm bên trong thùy thái dương) và thùy trước trán - chịu trách nhiệm về nhận thức, quản lý cảm xúc, suy nghĩ và ra quyết định. Do vậy, với những trẻ chịu bạo lực ngôn ngữ trong một thời gian dài, bộ não của chúng sẽ bị ảnh hưởng. Để thích nghi với môi trường thực tế, não sẽ phát triển thành cấu trúc “chế độ sinh tồn” (Surviving Mode), từ đó hình thành tính cách hèn nhát, kém cỏi. Những trẻ như vậy học hành chậm chạp, vận động tư duy kém trong cuộc sống, khiến cha mẹ càng ngày càng không hài lòng, càng chửi mắng nhiều, đó là cái vòng luẩn quẩn.

Đừng để nhà là nơi trẻ muốn trốn thoát

Nhà là nơi chúng ta trao gửi cho nhau tình yêu thương và năng lượng. Nhà là nơi nuôi dưỡng trái tim và giúp con trẻ lớn lên. Tuy nhiên, nếu cha mẹ la mắng, xúc phạm, khiến con cái bị tổn thương thì nhà sẽ là nơi trẻ muốn trốn thoát.

Đây cũng chính là thông điệp mà buổi toạ đàm trực tuyến chủ đề “Chuyện nhà mình – Giáo dục bằng yêu thương” do Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) thực hiện muốn gửi đến các gia đình. Tọa đàm nằm trong khuôn khổ chiến dịch “Lan toả yêu thương 2020: Giáo dục bằng yêu thương” do MSD phối hợp với các bên liên quan thực hiện nhằm đồng hành cùng các gia đình trong việc chấm dứt các hình thức trừng phạt thể chất và tinh thần trẻ em, đồng thời hướng đến áp dụng các phương pháp giáo dục tích cực trong nuôi dạy trẻ hàng ngày, trong bối cảnh tìm ra một phương pháp giáo dục không đòn roi, không nước mắt mà vẫn đạt được hiệu quả vẫn là một bài toán khó với mỗi gia đình.

Tham gia tọa đàm, em Hồ Anh Tuấn 13 tuổi, học sinh Trường THCS Nam Từ Liêm chia sẻ cảm xúc của mình khi bị cha mẹ la lắng: “Khi bị bố mẹ phạt, thường thì con rất sợ, và con cũng từng nghĩ trong lòng là sẽ không tái phạm nữa. Nhưng vì con vẫn là trẻ con, nên đôi khi việc sửa sai rất khó”. 

Em Hồ Anh Tuấn tại buổi tọa đàm.
 Em Hồ Anh Tuấn tại buổi tọa đàm.

Trên cương vị của một người cha, anh Nguyễn Đắc Tùng chia sẻ: “Trong quá trình nuôi dạy con, tôi đã từng đánh và mắng con khi cảm thấy con đang làm những việc không đúng, thậm chí là nguy hiểm và tôi nghĩ mình cần để con nhớ không bao giờ lặp lại nữa”.

Qua chia sẻ của trẻ em và phụ huynh có thể thấy trừng phạt bằng đánh mắng có thể mang lại kết quả tức thời nhưng không dạy được trẻ bài học về việc phân biệt đúng sai, mà có thể khiến trẻ tin rằng bạo lực là cách thức để giải quyết vấn đề, khiến người khác làm theo ý mình.

Chính vì thế, là người đã có nhiều năm nghiên cứu về tâm lý học và phương pháp kỉ luật tích cực, PSG.TS Lê Văn Hảo – Viện Tâm lý học chia sẻ: “Khi trẻ con không biết đọc, ta dạy chúng đọc. Khi trẻ con không biết đi xe đạp, ta dạy chúng đạp xe. Vậy thì tại sao khi chúng cư xử chưa tốt, ta lại đánh mắng mà không dạy chúng? Tình yêu thương không nhất thiết phải thể hiện bằng cách đau đớn như vậy. Việc giáo dục bằng bạo lực và trừng phạt về lâu dài sẽ khiến trẻ chai lì và phản tác dụng. Cha mẹ hãy trở thành những người bạn của con, hãy lắng nghe con bằng cả trái tim của mình. Việc áp dụng giáo dục tích cực cần đảm bảo 3 nguyên tắc, thứ nhất là tôn trọng con và mong muốn của con; thứ hai là cần sự nhất quán, và thứ ba bố mẹ hãy nhớ rằng việc giáo dục con là một quá trình lâu dài, vậy nên bố mẹ hãy kiên nhẫn với con”.

Cùng quan điểm với ông Hảo, chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành bổ sung thêm: “Có nhiều bố mẹ tin rằng mình đang chăm sóc con tốt hơn thời trước và thường hay nói rằng các con sung sướng hơn bố mẹ rất nhiều. Nhưng thực tế là trẻ em đang bị thu hẹp không gian tự do của mình bởi sự bao bọc, hay thậm chí là sự áp đặt, kiểm soát của cha mẹ. Chúng ta đang nhân danh yêu thương, nhân danh vai trò làm bố mẹ để  cho mình quyền như vậy, nhưng tôi tin rằng mỗi đứa trẻ đều là một phiên bản duy nhất, và chúng sẽ trở thành một phiên bản tốt nhất nếu được cha mẹ hướng dẫn, hỗ trợ và để chúng được tự do phát triển với những ước mơ của mình”.

Quay lại với câu chuyện của Hồ Anh Tuấn, em cho biết: “Con muốn khi con mắc lỗi thì bố mẹ có thể chỉ ra những lỗi của con, hướng dẫn con cách giải quyết và đặt ra mục tiêu cũng như phần thưởng khi con đạt được. Như vậy con sẽ có động lực, đó không phải động lực để không bị đánh mà là động lực để làm những việc tốt hơn”.

Thừa nhận việc muốn dạy con trẻ thì thay vì la mắng, cha mẹ phải làm gương, anh Nguyễn Đắc Tùng bày tỏ: “Một việc khác mà tôi thấy rất khó là việc xin lỗi con vì cảm thấy ngại ngùng. Nhưng khi tôi vượt qua được sự ngại ngùng đó, tôi khiến con hiểu rằng ai cũng có thể mắc lỗi, đồng thời cũng dạy con về việc xin lỗi khi con làm sai, bởi trẻ học từ người lớn rất nhiều”… 

Cho đến bây giờ, vẫn còn rất nhiều bậc cha mẹ, người chăm sóc trẻ tin rằng làm cho trẻ sợ hãi hoặc đau đớn sẽ giúp trẻ ghi nhớ được các bài học và tạo được thói quen tốt. Tuy nhiên, bạo lực và trừng phạt chưa bao giờ là cách thức giáo dục hiệu quả và tệ hơn nữa, có thể biến trẻ trở thành một người ưa bạo lực và cư xử hung hăng khi lớn lên.

Do đó làm cha mẹ cần đạt tới nhận thức rằng lời nói yêu thương tuy nhỏ bé nhưng có sức mạnh to lớn trong việc gắn kết những thành viên trong gia đình. Một gia đình biết nói lời yêu thương với nhau là một gia đình thường xuyên được ở trong mái vòm hạnh phúc và những đứa trẻ đi ra từ đó sẽ luôn là những con người hạnh phúc. 

Đọc thêm