Tâm sự của một thiếu phụ lánh nạn
Nghiên cứu mẫu đại diện quốc gia của Tổng cục Thống kê vào năm 2010 và Viện Nghiên cứu phát triển xã hội năm 2016 cho thấy có 4 - 13,35% phụ nữ đã kết hôn có trải nghiệm tình dục không mong muốn với chồng trong 12 tháng trước khảo sát.
Chị H. một phụ nữ trí thức sinh sống và làm việc tại Thủ đô chưa bao giờ nghĩ đến một ngày chị phải lánh nạn tại Ngôi nhà bình yên (địa chỉ của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho phụ nữ và trẻ em bị bạo lực gia đình và mua bán trở về) vì chính người chồng của mình. Đêm tân hôn chồng chị lao bổ vào chị, quan hệ thô bạo và làm chị bị thương tổn, sợ hãi. Chồng chị phớt lờ sự sợ hãi đau đớn của chị, ép quan hệ tình dục hàng đêm và khi không được thoả mãn, anh ta chửi rủa, đuổi chị ra khỏi nhà.
Chị thuê nhà ở thì chồng và gia đình đến xin lỗi. Hai vợ chồng thuê nhà ở riêng và chị tiếp tục bị anh ép quan hệ tình dục ngay cả khi chị bị bệnh phụ khoa. Khi chị không đáp ứng, anh ta đánh, tát vào mặt chị chảy máu mồm, ngồi lên ngực đấm liên tiếp, nhổ nước bọt vào mặt, nhét giẻ vào mồm đến mức chị đã ngất đi.
Chị đã báo với công an phường và hai vợ chồng được mời cùng làm việc. Công an phường trách chị: “Mới kết hôn mà đã không cho chồng quan hệ, chị phải hiểu cho cảm giác của chồng chứ”. Chị tiếp tục chịu đựng bạo lực tình dục, tiếp tục bị đối xử như phạm tội, tiếp tục bị giày vò hàng đêm dù muốn hay không trong một thời gian dài cho đến khi biết về Ngôi nhà bình yên.
Chị A bị mù do biến chứng đau mắt đỏ và làm nghề tẩm quất. Năm 1990 chị lấy chồng, chồng chị đối xử với chị rất độc đoán và chiếm hữu. Chị cảm thấy mình như búp bê tình dục khi chồng chị có những hành vi quan hệ tình dục khiến chị khiếp sợ và cảm thấy nhục nhã như: bắt chị xem phim đen, clip gái làng chơi quan hệ với anh ta và lặp lại hành vi trong phim/clip...
Hạn chế của việc khiếm thị khiến chị A. rơi vào cảm giác rất tồi tệ “như con cá trong giỏ” vì không biết tiếp theo anh ta sẽ làm gì. Chị cũng luôn mặc cảm về khiếm khuyết của cơ thể và cho rằng không có cơ hội thoát khỏi tình trạng bạo lực tình dục. Hàng xóm ghê sợ người chồng chị mà xa lánh gia đình chị khiến chị cũng không biết nhờ ai giúp đỡ cho đến khi con gái biết về Ngôi nhà bình yên. Khi ở đây, chị A. luôn trong cảm giác sợ hãi và căng thẳng cao độ.
Ban ngày chị luôn cảm giác anh ta hiện diện ở đâu đó, trong góc nhà, góc giường, cầu thang, ngoài đường… với biểu hiện của sang chấn tâm thần; ban đêm hứng cơn ác mộng, kéo đến làm chị không dám ngủ, có đêm chị thức trắng đến sáng, có lần chị đang ngủ đột ngột vùng dậy chạy, hoảng sợ kêu khóc và nôn thốc nôn tháo vì mơ thấy chồng đang ép quan hệ tình dục.
Là vợ nhưng tôi có quyền từ chối!
Vì sao những người như chị H, chị A không có hành vi phản kháng khi bị đối xử tàn tệ, trong khi tự vệ là một trong những bản năng sinh tồn của con người? Tại hội nghị quốc gia về tình dục, sức khỏe, xã hội lần thứ ba với tiêu đề “Nạn nhân hay tội nhân – Những rào cản văn hóa và thể chế trong việc nhìn nhận và giải quyết bạo lực tình dục ở Việt Nam” diễn ra từ trong hai ngày 29-30/11/2016, câu trả lời này đã phần nào được giải đáp qua con số 73% thủ phạm của bạo lực tình dục là người quen, trái với quan điểm cho rằng phụ nữ và trẻ em gái có thể tự bảo vệ mình khỏi bạo lực tình dục bằng cách hạnh chế giao du với người lạ.
Ngoài ra, phần lớn các vụ bạo lực tình dục cũng xảy ra ở những địa điểm được coi là an toàn, thậm chí ngay chính trong nhà nạn nhân. Mặt khác, theo bà Lê Phương Thúy – đại diện của Ngôi nhà bình yên, việc người phụ nữ tin rằng quan hệ hôn nhân đồng nghĩa với việc phải đồng ý quan hệ tình dục vĩnh viễn dù muốn hay không, phải chiều chồng, vì chồng, là vật sở hữu của chồng đã khiến họ rơi vào thảm cảnh. Khi những người vợ kêu cứu vì hành vi tình dục của chồng thường bị cộng đồng địa phương chê cười, bị coi thường cảm xúc càng làm họ củng cố “niềm tin vào quyền lực” của người chồng.
Thay đổi quan niệm và cách nhìn nhận của mỗi cá nhân cũng như xã hội là một trong những cách tốt nhất để cứu nạn nhân bạo lực tình dục và ngăn chặn sự tiếp diễn của hành vi này trong tương lai. Tại Ngôi nhà bình yên, chị H, dù là phụ nữ trí thức đã được trang bị rất nhiều kiến thức nhưng đến giờ mới hiểu chị có quyền sống an toàn và quyền tự do tình dục.
Chị không còn coi việc đáp ứng nhu cầu tình dục của chồng là nghĩa vụ mà hiểu sự đồng thuận của cả hai người là quan trọng. Chị H lựa chọn cuộc sống tự do vì biết rằng anh ta không thể thay đổi. Chính quyền địa phương đã nhận thức rõ về câu chuyện bạo lực của chị và sẵn sàng hỗ trợ khi cần thiết.
Còn chị A được sống trong môi trường an toàn, chị đã ổn định về tâm lý và biết về quyền phụ nữ và quyền tự do tình dục chị tự tổ chức được cuộc sống không để lệ thuộc vào chồng về kinh tế, biết cách ứng phó với các hành vi bạo lực của chồng. Chính quyền cũng nhận thức rõ về quyền của chị, cam kết bảo vệ sự an toàn cho chị.