Thực trạng báo động
Những năm gần đây, việc bác sĩ, y tá bị hành hung tại các bệnh viện, cơ sở y tế không còn quá xa lạ. Mỗi vụ án xảy ra đều bị pháp luật trừng trị thích đáng, công bằng, mang tính răn đe cao. Tuy nhiên tình trạng này vẫn liên tiếp xảy ra.
Gần đây nhất là vụ án tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình. Theo cáo trạng của VKSND TP Ninh Bình, khoảng 3 giờ 15 phút ngày 9/8/2019, Đinh Việt Bắc đưa con gái là Đ.D.T.M. (SN 2017) đến Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình để chữa trị vết thương trên trán.
Tại đây, bác sĩ Lê Trần Cương tiếp nhận bệnh nhi, sau đó cùng điều dưỡng Bùi Thị Thu Hà thăm khám, sơ cứu vết thương cho cháu bé. Khi điều dưỡng đang sơ cứu vết thương cho cháu M., bác sĩ Cương đi ra ngoài để làm các thủ tục nhập viện và tiếp nhận các bệnh nhân khác.
Cho rằng bác sĩ Cương không quan tâm đến con mình nên Đinh Việt Bắc đã chửi bới, sau đó lao vào túm cổ áo, đánh bác sĩ Cương, gây náo loạn cả bệnh viện. Chiều ngày 16/1/2020, TAND Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình đã kết thúc phiên xét xử sơ thẩm vụ án hình sự và tuyên phạt 4 năm tù đối với Đinh Việt Bắc.
Trước đó, tại Khu A Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cũng xảy ra trường hợp tương tự. Vào khoảng 19 giờ, tối 26/6/2019, trong lúc đợi vợ sinh, Nguyễn Công Lâm (32 tuổi) nghe loa phát thanh thông báo của bệnh viện có dấu hiệu bị lỗi, phát ra tiếng hú lớn, kéo dài gây khó chịu nên liên hệ nhân viên đề nghị tắt loa.
Tuy nhiên, nhân viên y tế tại đây không rành về âm thanh đã báo cho bộ phận kỹ thuật bệnh viện đến sửa. Trong khi đợi sửa chữa loa thì bất ngờ Lâm xông vào khu vực cấp cứu của Khoa Sản, dùng tay đấm vào mặt bác sĩ Nguyễn Lan Hương. Lúc này, bác sĩ Hương bị choáng, ôm mặt cầu cứu và được chuyển xuống Khoa Cấp cứu tổng hợp điều trị.
Qua chẩn đoán bước đầu, bác sĩ Hương bị chấn thương vùng mặt, hoảng loạn tinh thần. Ngay sau đó, lực lượng bảo vệ của bệnh viện đã có mặt, khống chế Lâm và trình báo công an. Bước đầu, Lâm thừa nhận đánh bác sĩ Hương trong tình trạng say rượu.
Không chỉ ở Việt Nam, tình trạng này cũng xảy ra tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc), nơi tâm dịch Covid-19. Theo tờ Thanh Niên Bắc Kinh, ngày 28/1 vừa qua, hai bác sĩ tại Bệnh viện Vũ Hán đã bị một nhóm người nhà của bệnh nhân vây đánh. Quần áo bảo hộ của họ bị xé rách ngay trong khu vực cách ly.
Tại một bệnh viện khác ở Vũ Hán, một người bị ho và sốt không rõ vì không hài lòng điều gì đó đã cởi khẩu trang và cố tình ho vào các nhân viên y tế. Đoạn video quay lại cảnh này sau đó đã được lan truyền trên mạng xã hội cho thấy những nguy hiểm không thể lường trước đối với các y, bác sĩ.
Có thể nhận thấy, việc bác sĩ, nhân viên y tế bị hành hung có rất nhiều nguyên nhân nhưng đa phần do gia đình của bệnh nhân quá nôn nóng, lo cho tình trạng sức khoẻ nên yêu cầu bác sĩ phải khám cho thân nhân họ trước.
Khi không được theo ý nguyện thì đổ lỗi cho các bác sĩ hời hợt, không nhiệt tình khám bệnh, đội ngũ y tá, điều dưỡng chăm sóc chưa tận tình, chu đáo. Ngoài ra, có thể do tâm lý họ lúc đó không được tỉnh táo, bị kích động do rượu, bia. Và hơn cả là tâm lý bạo lực, manh động trong cuộc sống của không ít người…
Cảm xúc của đội ngũ nhân viên y tế
Theo bác sĩ NHG, giảng viên tại một trường cao đẳng y dược ở Hà Nội chia sẻ: “ Tôi đã xem nhiều vụ bác sĩ, y tá bị người nhà bệnh nhân bạo hành. Điều đó thật đáng sợ! Bản thân tôi cảm thấy rất may mắn vì chưa gặp phải trường hợp đấy bao giờ, nhưng cũng rất lo lắng sợ rằng tương lai mình sẽ gặp phải.
Trong môi trường làm việc căng thẳng và áp lực như vậy, nhưng chúng tôi luôn rất lạc quan, yêu nghề cố gắng hết sức để làm hài lòng bệnh nhân và người nhà của họ, không vì nỗi sợ mà bỏ bê, hay làm ảnh hưởng đến công việc. Vì vậy tôi hi vọng rằng bệnh nhân và người nhà của họ sẽ hiểu được và cảm thông. Mong họ có cái nhìn tích cực về đội ngũ nhân viên y tế để có cách hành xử đúng mực nhất!”.
Tình trạng y, bác sỹ bị hành hung vẫn xảy ra |
Một y tá tại Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: “Trong quá trình làm việc, chúng tôi gặp rất nhiều trường hợp những bệnh nhân đến cấp cứu trước, nhưng có ca nặng hơn đến sau. Theo nguyên tắc, bác sĩ phải tập trung chữa trị người bệnh nặng hơn. Tuy nhiên, người bệnh và thân nhân người đến trước không hiểu sẽ bức xúc và phản ứng gay gắt lại, thậm chí có thể sẵn sàng ra tay với bác sĩ.
Tôi hi vọng rằng bệnh nhân và người nhà của họ có thể hiểu được nguyên tắc làm việc của chúng tôi. Chúng tôi không hề thiên vị hay ghét bỏ ai cả. Nhiệm vụ của chúng tôi là cứu người, nên chúng tôi sẽ làm hết sức mình để bảo vệ các bệnh nhân”.
“Tôi rất sợ bản thân mình sẽ có thể trở thành nạn nhân của những vụ bạo hành y tế nên tôi luôn làm việc với thái độ tích cực và niềm nở nhất đối với bệnh nhân. Theo tôi, nếu bệnh nhân hay người nhà không hài lòng có thể trực tiếp liên lạc và kiến nghị lên, bình tĩnh giải quyết! Hiện giờ, ngoài hotline của Bộ Y tế, ở mỗi bệnh viện đều có số hotline, hòm thư phản ánh về chất lượng và thái độ phục vụ, để tương tác giữa bệnh nhân và bệnh viện. Tôi mong rằng nếu có gì không hài lòng đôi bên đều có thể giải quyết bằng cách êm đẹp nhất!”, một y tá khác chia sẻ.
Chủ động phòng tránh và tự bảo vệ mình
Chia sẻ với các đồng nghiệp, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu – Giám đốc Trung tâm Tim mạch Đại học Y Hà Nội - kiêm Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, nghành Y thế giới đã đúc kết 3 nguyên tắc nhân viên y tế cần lưu ý để tránh nguy cơ bị bạo hành khi làm việc.
Thứ nhất là người nhà, bệnh nhân và bác sĩ không đứng sát nhau quá, ít nhất cách một cánh tay. Khi đó nếu có bạo hành xảy ra thì chấn thương cũng không quá nặng nề. Về lý thuyết, khi khoảng cách vượt qua cách tay thì lực đánh giảm đi rất nhiều, nhất là khi có dùng hung khí.
Thứ hai là khi tiếp xúc với người nhà, bệnh nhân thì phải có người thứ ba đứng cạnh để vừa làm chứng vừa bảo vệ. Tiếp xúc có hai người trở lên thì sự manh động cũng ít hơn.
Và nguyên tắc thứ ba là không đứng xoay lưng lại bệnh nhân, nếu đứng ở tư thế này thì phải có người khác quan sát bệnh nhân, người nhà. Khi bị tấn công, không quay lưng chạy mà đi lùi. Hành động này giúp đề phòng những trường hợp nguy hiểm tính mạng khi bệnh nhân dùng hung khí, vật sắc nhọn đâm sau lưng.
Ngày 1/10, trên mạng facebook chia sẻ một clip ghi lại cảnh đánh nhau trong phòng khám bệnh khi người nhà của bệnh nhi lao vào đánh bác sĩ và bác sĩ cũng quay ra phản đòn. Sau khi xem xong, TS Võ Xuân Sơn – nguyên bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết : “Bản thân ông thấy mừng nhân viên y tế đã biết phản kháng, đã biết tự bảo vệ mình. Người bác sĩ đang đứng ở một vị trí cùng đường, không có đường để tháo chạy (đứng phía bên trong). Như vậy, nếu không phản kháng, anh có thể sẽ trở thành Bác sĩ Giàu thứ hai.” (PV – BS Giàu – Bệnh viện Đa khoa huyện Vũ Thư, Thái Bình bị người nhà bệnh nhân đâm tử vong).
Phần nữa, từ trước đến nay, người nhà bệnh nhân cho rằng việc hành hung bác sĩ và nhân viên y tế mà không có phản kháng nào là đương nhiên, điều này càng gây ra tiền lệ nạn bạo hành y tế. Việc bác sĩ phản kháng lại là một cảnh báo cho họ: nếu họ hành hung, họ sẽ nhận được sự đáp trả.
“Mạng sống của chúng ta là do cha mẹ chúng ta tạo lập nên. Sức khỏe, sự an toàn của chúng ta là điều thiêng liêng nhất, là quyền tự do thân thể, được Hiến pháp công nhận. Chẳng có quan chức nào, dù ở bất cứ cấp nào, có quyền bắt chúng ta không phản kháng khi bị tấn công” – TS Xuân Sơn nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, TS Sơn cho rằng tất cả các khu vực "nóng" trong các cơ sở y tế đều phải được thiết kế có đường thoát hiểm, cho cả bệnh nhân và nhân viên y tế. Có phương án khả thi để thoát hiểm, song song với việc trấn áp những kẻ manh động. Tất cả những điều này phải là bắt buộc đối với các cơ sở y tế.