Báo Pháp luật Việt Nam- Ngọn lửa nhỏ góp phần nhân rộng tình yêu thương

(PLO) - Có rất nhiều bạn đọc sau khi đọc các bài viết trong mục “Nhân ái” của báo PLVN, bằng cách này hoặc cách khác, đã cùng chung tay chia sẻ, kịp thời hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn. Niềm vui của những người làm Báo PLVN là đã góp một phần sức mình trong việc nhân rộng tinh thần nhân ái, thắp lên ngọn lửa yêu thương trong cộng đồng.
Tiến sĩ Đào Văn Hội, Tổng Biên tập Báo PLVN (bên phải), cùng lãnh đạo địa phương trao quà cho một bạn đọc khó khăn tại miền Trung tháng 7/2018

1. 23h đêm. Đang chìm vào giấc ngủ, chợt chuông điện thoại réo vang, tôi giật mình tỉnh giấc, lòng không khỏi hốt hoảng. Những cuộc điện thoại vào giữa khuya như thế, thường khiến người ta nghĩ đến những chuyện không may? 

Nhưng không, đầu dây bên kia là một phụ nữ lạ, giọng nghèn nghẹn: “Biết giờ này có thể em đã ngủ, nhưng tôi vẫn muốn gọi cuộc điện thoại này”. Chị tên Tâm, quê ở tận Đồng Nai. Là chủ xưởng may nên một ngày của chị thường kết thúc khi đêm đã khuya. Dù vậy, chị vẫn có thói quen đọc báo trước khi đi ngủ.

Đêm ấy, vừa đọc xong bài báo “Ước mơ một bữa cơm trắng trong gia đình nghèo dựng cũi nhốt con điên” đăng trên số báo ra ngày 21/3/2015 (tòa soạn thường để kèm số điện thoại của phóng viên để bạn đọc tiện liên lạc trong trường hợp nhân vật trong bài viết không có số điện thoại - PV), xúc động quá, nên muốn gọi ngay cho tác giả bài viết”. 

Giống như chị, khi đi tác nghiệp, tôi cũng từng nghẹn lòng khi chứng kiến hoàn cảnh đáng thương của những người trong gia đình bà Kăn Đa (gần 80 tuổi, ở thôn Pơ Nghi, xã A Ngo, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế, là những nhân vật trong một bài viết). Vợ chồng bà Kăn Đa đều đã già cả, mất sức lao động nhưng phải nuôi hai đứa con bệnh tật. 

Ơi bị bệnh tâm thần nặng, nên bà Kăn Đa buộc lòng phải nhốt con trong chiếc cũi bên hiên nhà. Êr bị bệnh bại liệt từ nhỏ nên chân tay teo tóp, mỗi lần di chuyển phải bò dưới đất. Cả gia đình sống nhờ vào những gùi củi, gùi măng mà mỗi ngày ông Hồ Văn Ô (gần 80 tuổi) kiếm được trên rừng về. Những gùi củi, gùi măng theo tuổi già của ông càng ngày càng ít dần. Bữa cơm gia đình cũng vì vậy mà nhiều sắn hơn nhiều cơm. 

Trở về sau chuyến tác nghiệp, tâm trí tôi mãi day dứt vì tâm sự nhói lòng của người mẹ già nơi miền núi cao: “Trong nhà này, chỉ có Ơi là được ăn cơm. Nhiều lúc hết gạo, đói bụng quá, Ơi nằm trong cũi la hét từ sáng cho đến tận khuya. Nhìn con, mẹ đau cái bụng nhưng phải chịu”.

Người chị tật nguyền của Ơi cũng trải lòng những tâm tư đắng ngắt: “Lâu rồi mình chưa ăn được một bữa cơm no cái bụng. Được ăn một miếng cơm không có sắn lẫn vào, chắc là ngon lắm. Nhiều lúc mình cũng muốn được ăn một chén cơm trắng như thằng Ơi, nhưng mình không bị điên như nó, nên không được đòi ăn. Hơn nữa, mình làm chị, mình phải nhường Ơi. Nếu không được ăn no, nó sẽ đánh mẹ. Nhiều lần nó đánh mẹ chảy máu lắm rồi. Nhưng ai cũng thương vì nó điên, nó có biết gì đâu”. 

Những giọt nước mắt đã rơi xuống khi tôi gửi gắm cảm thương vào bài viết, mong mỏi những phận người bất hạnh được chia sẻ yêu thương. Có lẽ, những bạn đọc với trái tim nhân ái như chị Tâm đã cảm nhận, cùng đồng cảm với tâm tư ấy. Chị nói muốn giúp đỡ gia đình bà Kăn Đa một khoản tiền để mua gạo. Nhưng gia đình bà Kăn Đan là người dân tộc thiểu số ở cùng cao, không có thẻ ngân hàng. Với niềm tin tưởng, chị muốn chuyển tiền cho tôi, rồi nhờ tôi mua gạo trực tiếp đưa đến nhà bà Kăn Đa. Ngay sáng hôm sau, tôi vượt 100km đường đèo, ghé chợ A Lưới mua gạo, chuyển tấm lòng của người phụ nữ miền Nam đến tận nhà bà Kăn Đan.

2. Có rất nhiều bạn đọc sau khi đọc các bài viết trong mục “Nhân ái” trên báo, bằng cách này hoặc cách khác, đã cùng chung tay chia sẻ, kịp thời hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn.  

Mỗi một số phận, một hoàn cảnh đáng thương mà PLVN chuyển tải đến bạn đọc, đều được cộng đồng đón nhận, sẻ chia. Bạn đọc ở xa thì thông qua ngân hàng, bưu điện chuyển món quà của mình đến tận tay những người cần giúp đỡ. Bạn đọc ở gần trực tiếp mang quà đến tận nhà những trường hợp khó khăn, vừa giúp đỡ, đồng thời động viên họ vượt qua hoàn cảnh.

Báo PLVN là chiếc cầu nối để đưa những tấm lòng hảo tâm đến gần với những hoàn cảnh khó khăn cần trợ giúp (Báo không nhận những hỗ trợ gửi đến tòa soạn, chỉ cung cấp địa chỉ hoàn cảnh khó khăn để bạn đọc giúp đỡ - PV).

Là một phóng viên thường hay viết về những hoàn cảnh khó khăn, tôi thường được các bạn đọc yêu cầu nhận giúp tiền hỗ trợ để đưa đến tận tay bạn đọc. Nhớ chuyện một bạn đọc ở tận miền Nam, sau khi đọc xong bài “Gia cảnh cùng cực chồng bệnh tật, ba con tâm thần” đăng trên số báo ra ngày 29/9/2014, đã nhất định chuyển 3 triệu đồng vào tài khoản của tôi nhờ đưa đến tận tay bà Viên. Bà Nguyễn Thị Viên (ngụ thôn Thanh Lê, Xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) có hoàn cảnh rất thương tâm. Ở tuổi 86 bà vẫn lặn lội đi làm kiếm tiền nuôi ba đứa con bị bệnh tâm thần, mất trí và chăm sóc người chồng ốm đau, lẩn thẩn. Với bà lão gần đất xa trời, nỗi lo duy nhất là một mai mình trở về với cát bụi, con cái sẽ bơ vơ, không nơi nương tựa.

Bạn đọc đã nặng lòng, hỗ trợ chia sẻ, người viết chẳng nề hà bỏ công sức, chẳng ngại đường sá xa xôi. Hôm đó là một ngày đầu tháng 10, mưa gió và rét căm căm. Tôi vẫn đội mưa, gió và lạnh giá, chạy xe máy từ Huế ra Quảng Trị. Chỉ muốn nhanh chóng chuyển tấm lòng của bạn đọc đến gia đình bà Viên. Để bữa cơm gia đình của bà Viên sẽ đủ chất hơn, cuộc sống cũng vơi bớt phần nào khó khăn.

Có lần một Việt kiều khi đến Huế, trong lúc ngồi ở sảnh khách sạn chờ xe đến để đi tham quan, đã đọc được bài báo “Bà cụ 89 và nỗi lo chết trước đứa con 69 bệnh tật liệt giường”, gọi điện cho tôi, nhờ chỉ dẫn tỉ mỉ chuyển 1 triệu đồng cho cụ Mừng. Nhiều bạn đọc như thế, sau khi thông qua đường bưu điện chuyển tiền cho các hoàn cảnh khó khăn, thường gọi điện để chia sẻ cùng tôi – người viết những bài báo đó. Có một bà cụ để chuyển được 200 nghìn ủng hộ cho trường hợp bà Hoàng Thị Chanh (SN 1930, ngụ tổ 5, phường Tứ Hạ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế, không chồng, không con, sống lay lắt một mình bằng số tiền trợ cấp ít ỏi 270 nghìn/tháng; phản ánh trong bài “Xin giúp đỡ bà cụ tứ cố vô thân ngày ngày bò quanh làng xin ăn” trên số báo ra ngày 16/3/2015, bà cụ này đã phải thuê xích lô hết 50 nghìn để đến được bưu điện, tự tay chuyển tiền. 

Rồi có đôi vợ chồng già sau khi gửi tiền qua bưu điện giúp đỡ bà Chanh đã sang nhờ nhà hàng xóm gọi điện thoại đến tôi, nhờ tôi “canh me” khi nào biết bà Chanh nhận được tiền thì báo lại, để vợ chồng ông yên tâm. “Vợ chồng ông cũng già rồi, mỗi tháng đều sống nhờ vào tiền mấy đứa con chu cấp. Nhưng qua thông tin trên báo, thấy bà ấy khổ quá, nên vợ chồng ông cũng gắng tằn tiện lại, để có chút tiền hỗ trợ, chia sẻ”. Lời tâm sự của ông lão khiến tôi càng vững tin, yêu mến vào nghề cầm bút, vào thương hiệu PLVN. 

Anh Hồ Tơ Hưm (dân tộc Vân Kiều, 33 tuổi, cán bộ Tư pháp xã Thanh, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị):

“Nhờ báo PLVN, tôi mới có nhà để ở”

Anh Hưm sớm chịu cảnh mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Sau khi lập gia đình, anh sống trong căn nhà dột nát của bà ngoại với 11 thành viên. Năm 2017, PLVN đã trao tặng anh “Mái ấm Tư pháp” trị giá 50 triệu đồng. Đây là một trong nhiều trường hợp cán bộ đang công tác trong ngành Tư pháp còn gặp khó khăn trong cuộc sống được PLVN quan tâm, giúp đỡ.

Anh Hưm xúc động nói: “Vợ không có việc làm, hai con còn nhỏ, nương rẫy lại ít ỏi nên mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình chỉ dựa vào đồng lương eo hẹp hàng tháng của tôi. Vì vậy, việc dựng được một căn nhà luôn là điều mơ ước khó thực hiện của tôi. Nhưng nhờ có PLVN ủng hộ nên tôi đã có nhà, đó là ước mơ tuy bình dị nhưng bao năm qua luôn xa tầm với”.

Anh Nguyễn Đình Sính (28 tuổi, ngụ thôn Nhì Đông, xã Điền Lộc, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế)

“ Báo PLVN đã giúp hai anh em tôi được đến trường”

Nguyễn Đình Sính cùng em gái (23 tuổi) học cấp ba ở trường giáo dục thường xuyên nhưng vẫn đạt được giải nhất, nhì học sinh giỏi môn lịch sử cấp tỉnh. Dù hoàn cảnh vô cùng khó khăn, bố mẹ bệnh tật lại bỏ học nhiều năm, nhưng bằng nghị lực phi thường Sính cùng em gái đều đỗ Đại học trong năm 2018 với điểm số thuyết phục.

“Vào đầu tháng 8/2018, Báo PLVN biết được hoàn cảnh của hai anh em khó khăn, nguy cơ không thể tiếp tục đến trường nên có viết bài kêu gọi từ thiện. Sau đó, chúng em được các nhà hảo tâm giúp đỡ ít tiền, cộng với việc đi làm thêm nên ước mơ được ngồi vào ghế giảng đường đã thành hiện thực. Hiện em đã học xong kỳ I ngành Luật Kinh tế, ĐH Luật (ĐH Huế), còn em gái học Khoa Du lịch, ĐH Huế). Mong báo tiếp tục có những bài viết nhằm giúp đỡ những trường hợp từng khó khăn như chúng em”.

Đọc thêm