Bão số 7 chưa tan, bão số 8 tiến vào biển Đông: Chuẩn bị chi tiết các kịch bản có thể xảy ra

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, bão số 7 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, gây mưa lớn ở nhiều nơi. Trong khi đó, bão Kompasu (bão số 8) đi vào Biển Đông và tiếp tục mạnh thêm, giật cấp 13.
Nhiều tuyến đường của thị xã Sa Pa (Lào Cai) bị chia cắt do sạt lở đất đá.
Nhiều tuyến đường của thị xã Sa Pa (Lào Cai) bị chia cắt do sạt lở đất đá.

Sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn đê điều, hồ chứa

Theo báo cáo nhanh tại cuộc họp ngày 11/10 do Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai (PCTT) tổ chức, hiện nay, bão số 8 (Kompasu) cách đảo Ludong (Philippines) 300km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 11. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km và mạnh thêm.

Trước diễn biến của mưa lũ do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, gió mùa Đông Bắc và bão số 8 vào Biển Đông, nguy cơ xảy ra tình huống thiên tai nguy hiểm, đặc biệt là nguy cơ “bão chồng bão”, “lũ chồng lũ” là rất lớn. Để ứng phó với bão số 8 đang diễn biến nhanh và hoàn lưu bão số 7 có thể gây nhiều hình thái thiên tai nguy hiểm, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT Trần Quang Hoài yêu cầu các ca trực, các bộ phận chuyên môn tiếp tục theo dõi lượng mưa, lũ trên các sông, rà soát đê, kè biển, sẵn sàng các đoàn công tác chỉ đạo hiện trường, chuẩn bị chi tiết các kịch bản có thể xảy ra. Tăng cường thông tin, truyền thông đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động ứng phó bão và dịch bệnh Covid-19.

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT cũng yêu cầu các lực lượng chức năng theo dõi sát diễn biến thiên tai, thời tiết, Ban Chỉ đạo và các bộ, ngành, địa phương xây dựng kịch bản ứng phó với bão, mưa lũ trong 10 ngày tới. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia thông tin sớm về mưa lũ sau bão số 7 và cơn bão Kompasu; xác định khu vực nguy hiểm trên biển để hướng dẫn tàu thuyền. Chuẩn bị lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu đề phòng tình huống bị chia cắt; rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn đê điều, hồ chứa, khu vực khai thác khoáng sản. Duy trì lực lượng cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu, xử lý khi có yêu cầu...

Nhiều tỉnh chủ động khắc phục thiệt hại

Theo tổng hợp bước đầu, báo số 7 đã gây ra nhiều thiệt hại tại các tỉnh miền Trung, nhất là các tỉnh phía Bắc. Tại Nghệ An, bão số 7 gây gió mạnh, mưa lớn, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng thấp trũng, ven sông. Do đó, tỉnh Nghệ An tiếp tục ra công điện chỉ đạo tổ chức đảm bảo an toàn tuyến biển: Kiểm soát, hướng dẫn, chỉ đạo, bảo đảm an toàn cho phương tiện, tàu thuyền…

Tại tỉnh Lào Cai, gần sáng 11/10, mưa lớn cục bộ ở một số địa phương đã làm sạt lở đất đá, gây ách tắc giao thông nghiêm trọng trên một số tuyến tỉnh lộ, đường liên thôn, liên xã trên địa bàn thị xã Sa Pa. Cụ thể, nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã bị chia cắt do sạt lở đất và nước lũ dâng cao ở các suối, ngầm tràn. Mưa lớn cũng gây hư hỏng một số công trình tại điểm Trường Tiểu học Giàng Tra, điểm trường Mầm non Hòa Sử Pán, điểm trường Mầm non Nậm Cang, điểm trường Nậm Lang A trên địa bàn thị xã Sa Pa. Ngay khi nhận được tin sạt lở, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Lào Cai đã nhanh chóng điều động lực lượng và phương tiện cơ giới đến san sạt, dọn đất đá giải phóng mặt đường. Lãnh đạo thị xã Sa Pa trực tiếp xuống hiện trường kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả mưa bão tại các địa phương. Tuy nhiên, do trên địa bàn vẫn tiếp tục có mưa nên công tác khắc phục hậu quả gặp nhiều khó khăn. Tại Km 50+300, Tỉnh lộ 155 (cung đường tránh Quốc lộ 4D) qua phường Hàm Rồng, thị xã Sa Pa do lượng đất đá sạt lở lớn nên phải hết ngày 11/10 mới có khả năng lưu thông trở lại.

Theo ông Phạm Đức Luận, Phó Chánh văn phòng - Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT, mặc dù các địa phương đã có phương án đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, Ban Chỉ huy PCTT và Tìm kiếm cứu nạn các bộ và địa phương cần tập trung theo dõi sát diễn biến thiên tai, thời tiết; đồng thời tăng cường lực lượng, tổ chức trực ban PCTT 24/24h, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn khi có tình huống xảy ra.

Tại Yên Bái, một số nơi trên địa bàn tỉnh có mưa rất to như: Tà Si Láng (Trạm Tấu) 211,8mm; Suối Giàng (Văn Chấn) hơn 190mm… Hiện mực nước trên các sông suối trên địa bàn tỉnh đang lên nhanh và có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Đặc biệt, tại huyện vùng cao Trạm Tấu đã có 2 người mất tích do bị lũ cuốn trôi.

Tại tỉnh Thái Bình, mặc dù đã chủ động trong công tác thủy lợi và tiêu thoát nước, tuy nhiên, 5.900 ha lúa trong thời kỳ thu hoạch bị nghiêng, đổ nhẹ và 3.460 ha rau màu bị ảnh hưởng. Ngoài ra, ảnh hưởng của bão số 7 còn bị sạt lở mái đê phía trong đê cửa sông Tả Hồng Hà tại K4+200 (thuộc địa phận xã Nam Hồng, huyện Tiền Hải) với chiều dài 30m. Ngay sau đó, điểm sạt lở này đã được khắc phục, xử lý an toàn. Mưa lớn cũng khiến hàng trăm mét khối đất bất ngờ sạt xuống tại Km 69+950 Quốc lộ 6 phường Trung Minh, TP Hòa Bình gây mất an toàn giao thông. Lực lượng chức năng TP Hòa Bình đã lập các chốt chặn, chăng dây cảnh báo và khuyến cáo người dân địa phương không đến gần nơi xảy ra sạt lở. Hiện chính quyền địa phương đã tổ chức xử lý sự cố đảm bảo an toàn.

Tại Thủ đô Hà Nội, mưa lớn kéo dài dai dẳng 2 ngày nay khiến một số tuyến đường như Đại lộ Thăng Long, nút giao Trung Hòa, Tố Hữu, Lương Thế Vinh... ngập trong nước. Nước ngập sâu cả dưới lòng đường và trên vỉa hè, hàng loạt xe máy của người dân chết máy, gây ách tắc giao thông…

Đọc thêm