Bão số 9 có khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng tới 14 tỉnh, thành

(PLO) - Đường đi và cường độ của bão sẽ diễn biến rất phức tạp do có sự tương tác với khối không khí lạnh, có thể khiến bão sẽ suy yếu và gây mưa ít, song cũng có thể làm cho cường độ bão mạnh lên.
Cán bộ chiến sĩ đảo Sinh Tồn hướng dẫn cho ngư dân vào tránh trú bão.
Cán bộ chiến sĩ đảo Sinh Tồn hướng dẫn cho ngư dân vào tránh trú bão.

Theo dự báo xa của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, khả năng cao, đêm và sáng 24/11, bão số 9 sẽ vào bờ với cường độ cấp 9-10, giật cấp 12, ảnh hưởng nghiêm trọng tới 14 tỉnh, thành, vị trí vùng tâm bão sẽ đổ bộ trong khoảng Nha Trang-Bình Thuận và vùng gió mạnh sẽ trải dài từ Bình Định trở vào.

Kết hợp với không khí lạnh, từ ngày 24-26/11, có mưa rất lớn từ khu vực Đà Nẵng - Bình Thuận - Nam Tây Nguyên. Tất cả các vùng núi đều có nguy cơ sạt lở, lũ quét. Các vùng đô thị, vùng trũng ven sông có nguy cơ ngập lụt cao. Tại Nam Trung Bộ, thủy triều đang ở mức cao. Đỉnh triều rơi vào khoảng 20-23h.

Cơn bão số 9 được dự báo đổ bộ vào bờ lúc rạng sáng, do đó, thời gian đỉnh triều vào đêm hôm trước đến khi bão vào lúc sáng sớm sẽ gây nguy cơ ngập lụt cao nửa đêm và sáng ở các khu vực ven biển.

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão, hôm qua (22/11), Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai (BCĐTƯ PCTT) đã có cuộc họp trực tuyến với 14 tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ bàn công tác ứng phó với bão số 9 do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPT&NT) Nguyễn Xuân Cường chủ trì.

Sau khi hoàn lưu bão số 8 gây thiệt hại vô cùng nghiêm trọng tại tỉnh Khánh Hòa, một số khu vực tại tỉnh Phú Yên cũng hứng chịu nhiều tác động. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã gửi lời chia sẻ, thăm hỏi với những mất mát về người và tài sản.

Đồng thời yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nêu cao cảnh giác, chuẩn bị nghiêm túc các phương án ứng phó bão số 9. “Phải sẵn sàng lực lượng để hỗ trợ sơ tán dân khi cần thiết, kịp thời ứng phó với sự cố tìm kiếm cứu nạn”, Phó Thủ tướng tiếp tục nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, việc cần làm hiện nay là chú ý và tiếp tục tăng cường rà soát, kiểm đếm, hướng dẫn các phương tiện tàu thuyền đang hoạt động trên biển thoát ra, hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm, nhất là 31 phương tiện đang trong vùng nguy cơ ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới.

Kiểm tra, hướng dẫn việc neo đậu tàu, thuyền tại bến, nhất là tàu vận tải, tàu hàng, tàu vãng lai. Gia cố và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, giảm thiệt hại đối với lồng bè, khu vực nuôi trồng thủy sản.

Đọc thêm