Sau 44 năm, nhiều hiện vật được trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên - Huế (đường 23/8, Thành phố Huế) hư hỏng, xuống cấp trầm trọng; công tác duy tu, bảo dưỡng không được thực hiện thường xuyên do thiếu kinh phí, kinh nghiệm.
Nguy cơ thành sắt vụn
Trong hành trình của du khách khi có dịp đến với mảnh đất sông Hương, núi Ngự, thì việc ghé thăm bảo tàng lịch sử Thừa Thiên - Huế để tìm hiểu lịch sử đất nước, nghiên cứu, học tập, tham quan là điều không nên bỏ qua. Tuy nhiên, khi tới thăm bảo tàng này không ít du khách phải ngạc nhiên khi phải tận mắt chứng kiến số phận của những hiện vật nơi đây đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ.
Theo tư liệu của Bảo tàng, ngày 26/3/1975, binh sĩ quân đội Việt Nam Cộng hòa đã vứt bỏ hàng ngàn xe tăng thiết giáp, pháo, ô tô… để tháo chạy. Sau ngày giải phóng, chính quyền địa phương đã đưa một số hiện vật này ra trưng bày. Đến năm 1983, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Trị Thiên (cũ) chính thức thành lập Bảo tàng. Khi mới được trưng bày, phần lớn hiện vật ở đây còn nguyên vẹn từ màu sơn đến chất lượng hoạt động.
Bảo tàng trưng bày hơn 30.000 tư liệu, hiện vật với diện tích đất khoảng 21.000m2; có nhiều hiện vật kích thước, trọng lượng lên đến nhiều tấn, là những hiện vật chiến tranh trong kháng chiến chống Mỹ, gắn liền với chiến trường Trị - Thiên Huế như: Máy bay, xe tăng, pháo tự hành...
Một thời gian dài không được duy tu, bảo dưỡng tốt, ngày đêm lại phải chịu cảnh nắng, mưa, không có mái che, nên một số hiện vật bị hư hỏng, gỉ sét. Với một số chiếc xe tăng, cán bộ bảo tàng phải nhặt gỗ, thép để chống, giữ cho hiện vật không bị đổ sụp xuống bệ.
Hầu hết hệ thống cơ sở vật chất, kho bảo quản của bảo tàng có diện tích nhỏ hẹp, trong khi đó, khối lượng hiện vật quá lớn nên xảy ra tình trạng ẩm thấp, không đáp ứng các yêu cầu về bảo quản tư liệu, hiện vật theo quy định chung.
Mặt khác, bảo tàng đang hoạt động trên không gian tận dụng của di tích nên việc thực hiện hoạt động chuyên môn của đơn vị chưa đạt hiệu quả tốt. Phương pháp, kỹ thuật bảo quản các hiện vật, tư liệu chủ yếu theo phương thức phổ thông, chưa được đầu tư; đặc biệt thiếu việc áp dụng những phương pháp, kỹ thuật bảo quản đối với các hiện vật quý.
Qua quan sát, ở khu vực trưng bày hiện vật ngoài trời có ít nhất 7 xe tăng, 4 khẩu pháo, 4 máy bay, từ xe tăng M48 (gắn pháo tự hành trang bị cho quân Mỹ và quân đội VNCH, trong chiến dịch xuân 1975, quân ta thu được ở Phú Bài, Huế); tăng M41 thu ở Thuận An, Huế; máy bay… Các hiện vật xe tăng đã gỉ sét trầm trọng, một số chiếc bị mất các bộ phận như cần cẩu, xích. Hiện vật pháo nhiều khẩu mất bánh... Máy bay một chiếc bị vỡ kính.
|
Nhiều hiện vật không có mái che, dầm mưa, dầm nắng quanh năm. |
Ông Nguyễn Văn Quang (65 tuổi, du khách đến từ tỉnh Bắc Ninh) nhận xét: “Tôi đã đi tham quan khá nhiều Bảo tàng trên cả nước, nhưng đây có lẽ là nơi có nhiều hiện vật xuống cấp nhất. Những hiện vật có giá trị to lớn, là chứng nhân lịch sử của một vùng đất, mà lại để dầm mưa nắng ngoài trời và hư hại nghiêm trọng. Quá đau lòng. Liệu ít năm nữa những xe tăng, máy bay này còn tồn tại không, nếu không có cách giữ gìn hợp lý”.
Sẽ di dời trong năm 2020
Theo tìm hiểu, cách đây 21 năm, Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt chủ trương di chuyển bảo tàng. Đến tháng 9/2016, Ủy ban nhân dân tỉnh có văn bản gửi Bộ Quốc phòng đề nghị bàn giao cho tỉnh một phần khu đất có diện tích 7.500m2 tại số 268 Điện Biên Phủ do Tiểu đoàn 19, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh quản lý để làm Bảo tàng lịch sử.
Tháng 3/2017, Thủ tướng Chính phủ có văn bản gửi Bộ Quốc phòng và Ủy ban nhân dân Thừa Thiên - Huế đồng ý điều chuyển tài sản khu nhà, đất này sang cho Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý và sử dụng.
Suốt thời gian qua bảo tàng này “tạm trú” trên đất của di tích kinh thành Huế nên luôn trong tâm thế sẽ bị di dời. Bởi vậy, khu trưng bày hiện vật ngoài trời nơi đây chưa được đầu tư hệ thống mái che.
Ông Cao Huy Hùng (Giám đốc Bảo tàng lịch sử Thừa Thiên - Huế) chia sẻ: “Sau 44 năm trưng bày, số hiện vật chưa nhận được sự quan tâm tương xứng do kinh phí cấp hàng năm không đủ để thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng.
Không chỉ khó khăn về kinh phí mà còn bởi bảo tàng nằm ngay trên di tích nên vướng các quy định xây dựng nghiêm ngặt liên quan đến di sản. Mới đây, sau nhiều năm “thắt lưng buộc bụng”, bảo tàng dành được một ít kinh phí để thuê chuyên gia bảo dưỡng, sơn lại một số hiện vật”.
Ông Hùng mong rằng, Bảo tàng sẽ sớm được chuyển lên địa diểm mới để tạo sự ổn định và phát triển lâu dài, hình thành thiết chế văn hóa phù hợp, thuận lợi cho nhu cầu tham quan của công chúng, tạo thêm sản phẩm du lịch theo tuyến lăng Tự Đức, lăng Minh Mạng, đền Huyền Trân… Đơn vị sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể và đề xuất phương án bảo quản nhằm đảm bảo an toàn, theo đúng nguyên tắc bảo tàng học.
Theo ông Nguyễn Đình Bách (Phó Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh), bảo tàng lịch sử Thừa Thiên - Huế đã nhiều lần phản ánh với Ủy ban nhân dân tỉnh việc hiện vật xuống cấp. Vừa rồi, tỉnh cũng đã có chủ trương di dời trung tâm huấn luyện của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng (268 Điện Biên Phủ) lên thôn Hải Cát, xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà để dành khu đất này làm bảo tàng. Tiến độ xây dựng trung tâm huấn luyện mới đang được đẩy nhanh, có thể chuyển Bảo tàng lịch sử đến địa điểm mới vào năm 2020.
Theo nhiều ý kiến, như vậy sắp tới có thể sẽ chuyển Bảo tàng lịch sử đến vị trí khác. Tuy nhiên, dù đặt ở vị trí nào thì số hiện vật này cũng cần phải được duy tu, bảo dưỡng kịp thời, để tránh bị gỉ sét, hư hại hơn nữa. Trong thời gian chờ chuyển, Bảo tàng cần có dự án tu bổ cấp thiết cho số hiện vật kể trên trước khi quá muộn.