Làm bảo tàng vì… đam mê
TP.HCM là vùng đất có sự phát triển mạnh về các loại hình văn hóa, nghệ thuật, giải trí. Tuy nhiên, về số lượng bảo tàng, thì không bằng Hà Nội, kể cả các bảo tàng tư nhân. Hiện, trên địa bàn Hà Nội có xấp xỉ 15 trong tổng số trên 30 bảo tàng tư nhân của cả nước.
Điều đáng nói, tuy là bảo tàng tư nhân nhưng không ít trong số đó có quy mô gần như sánh ngang với bảo tàng nhà nước, với số hiện vật lớn, quý hiếm, giá trị. Hầu hết trong số đó là các bảo tàng của một nhóm, tổ chức, của gia đình, gia tộc và đáng quý là những bảo tàng này được lập ra không phải vì mục đích kinh doanh, mà từ đam mê, từ sự trân trọng với lịch sử, văn hóa đất nước của những chủ nhân bảo tàng.
Trong số này có thể kể đến Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên, bảo tàng Nhiếp ảnh làng Lai Xá (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức), Bảo tàng mỹ thuật Sĩ Tốt và gia đình (xã Cổ Đô, huyện Ba Vì), Bảo tàng nghệ thuật Hồn đất Việt (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm), Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt và tù đày (xã Nam Quất, huyện Phú Xuyên)...
Nhiều người đã biết đến Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, bảo tàng tư nhân đầu tiên tại Việt Nam do thương binh Lâm Văn Bảng thành lập năm 2006 cùng sự chung tay giúp sức, hỗ trợ của đồng đội. Bảo tàng có diện tích khoảng 2.000 m2, chia làm hai khu với 10 gian trưng bày, lưu giữ hơn 5.000 tư liệu, hình ảnh, hiện vật tái hiện sự khốc liệt qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của dân tộc ta và tinh thần bất khuất, kiên trung của các chiến sĩ cách mạng trong các nhà tù của thực dân, đế quốc và bè lũ tay sai.
Bên cạnh các kỷ vật được các thành viên trong bảo tàng trực tiếp tìm kiếm, sưu tầm trong các chuyến công tác và một số hiện vật phục chế, bảo tàng còn nhận được rất nhiều kỷ vật của các tổ chức, cá nhân, thân nhân Anh hùng, liệt sĩ hiến tặng. Điều thú vị, hướng dẫn viên tại bảo tàng chính là các cựu tù binh năm xưa - những chiến sĩ cách mạng từng bị kẻ thù giam cầm.
Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên ở huyện Hoài Đức là bảo tàng gia đình đầu tiên tại Việt Nam, do gia đình giáo sư Nguyễn Văn Huy thành lập, với ý tưởng lưu giữ những kỷ vật để nhớ tiền nhân. Bảo tàng là một khu nhà vườn tươi mát, xinh đẹp và bài trí giản dị, không theo lối bảo tàng trưng bày thông thường.
Mỗi góc, mỗi khu, mỗi lối đi hay tàng cây đều được đặt những biển nhỏ ghi chú. Bên trong các gian nhà là những kỷ vật nói lên truyền thống gia đình của ông bà Nguyễn Văn Huyên - Vi Kim Ngọc. Bảo tàng không những gợi nhớ về kí ức, truyền thống gia đình mà còn góp phần tái hiện lại một lát cắt của nét đẹp truyền thống gia đình Việt.
Ở Quy Nhơn, nhiều người còn nhớ Bảo tàng Gốm Gò Sành của nhà sưu tập Vĩnh Hảo tọa lạc ngay trung tâm thành phố Quy Nhơn. Bảo tàng gốm Gò Sành là cuộc chơi mang tính đam mê của nhà sưu tập Vĩnh Hảo, một người được mệnh danh là “yêu gốm Gò Sành đến mê muội”. Bảo tàng mở cửa miễn phí cho khách tham quan với mong muốn chia sẻ nét đẹp ẩn chứa bên trong những giá trị văn hóa của một dòng gốm đất nung do người Việt tạo ra.
Những kiệt tác gốm Gò Sành được trưng bày trong bảo tàng đã trải qua hai đời sưu tập, từ cha của ông Hảo đã dành cả đời sưu tập gốm Gò Sành, sau đến lượt ông kế tục. Trong bảo tàng rất nhiều tác phẩm gốm mang giá trị văn hóa - lịch sử cao. Đáng tiếc là về sau, bảo tàng không duy trì được vì một số khó khăn của nhà sưu tập Vĩnh Hảo. Đó là một điều đáng tiếc đối với người dân Quy Nhơn nói riêng và người mê gốm nói chung. Số phận của Bào tàng Gốm Gò Sành cho thấy, các bảo tàng tư nhân làm vì đam mê là đáng quý, nhưng nếu không có được sự chung tay, hỗ trợ của nhà nước lẫn cộng đồng, thì chủ nhân các bảo tàng khó mà duy trì lâu bền được.
|
Bảo tàng tượng sáp Việt Nam không thành công. |
Bài học từ thành công và thất bại
Ở Việt Nam có trên 30 bảo tàng tư nhân, nhưng có lẽ, chỉ không đầy 1/3 số đó có thể duy trì khá đến tốt. Cuộc chơi bảo tàng tư nhân là một cuộc chơi không dễ dàng, nó đòi hỏi không chỉ vốn đầu tư mà còn nhiệt huyết và cả tư duy độc đáo của người làm bảo tàng.
Nói đến bảo tàng tư nhân thành công ở Việt Nam, nhiều người thường nhắc đến Bảo tàng Áo dài của nhà thiết kế Sỹ Hoàng. Bảo tàng nằm trong quần thể không gian xanh của nhà vườn Long Thuận (phường Long Phước, quận 9), mang đậm bản sắc kiến trúc Việt, với những nếp nhà truyền thống mang hướng thiền.
Đây là bảo tàng duy nhất về áo dài của Việt Nam, nơi giới thiệu đến du khách về những chiếc áo dài Việt Nam qua nhiều thời kỳ với những câu chuyện đầy ý nghĩa về những giá trị văn hóa, những giai đoạn lịch sử: Chiếc áo dài tứ thân thế kỷ XVII, áo dài năm thân thế kỷ XVIII, áo dài vương triều nhà Nguyễn thế kỷ XIX…
Ý tưởng này được nhà thiết kế Sỹ Hoàng ấp ủ sau một chuyến đến Nhật tham gia triển lãm trang phục và nhận ra rất nhiều bạn bè quốc tế đang nhầm lẫn áo dài Việt với sườn xám Trung Quốc. Rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước, khi ghé đến Bảo tàng Áo dài đều đánh giá đây là một bảo tàng có ý tưởng đặc sắc, cách trình bày lôi cuốn, giúp du khách tìm hiểu được lịch sử, văn hóa Việt thông qua hình ảnh một trang phục của phụ nữ Việt. Số lượng khách tham quan trên 10 ngàn mỗi năm trong những năm gần đây đã nói lên được thành công về mặt doanh thu của bảo tàng.
Cũng với ý tưởng độc đáo, tái hiện văn hóa địa phương và quảng bá gắn liền với du lịch địa phương, Bảo tàng Nước mắm Phan Thiết tuy chỉ mới thành lập, nhưng được đánh giá khá thành công. Bảo tàng nằm trên đường ra Mũi Né, khu vực tập trung đông đúc resort. Toàn bộ khu trưng bày có diện tích 1.600m². Đây là không gian trưng bày tái hiện lại một phần nghề làm nước mắm truyền thống ở Phan Thiết - Mũi Né cách đây hơn 300 năm trước với vẻ đẹp rất riêng, rất đặc trưng.
Trong khu bảo tàng còn có nhà hát khá hiện đại với 1.200 chỗ ngồi với vé 300.000 đồng/người dành cho du khách. Khu ẩm thực với hai nhà hàng phục vụ du khách khi tham quan bảo tàng. Với giá vé 100 ngàn đồng, bảo tàng thu hút lượng du khách đến tham quan đông đúc và nhận được lời khen từ du khách là “đáng giá”, “đáng xem”.
Cái “thông minh” của những người làm bảo tàng tư nhân không chỉ nằm ở bỏ vốn lớn, ý tưởng đặc sắc, mà còn có thể “chọn đúng điểm rơi” cho bảo tàng. Như Bảo tàng Áo dài, Bảo tàng Nước mắm là một ví dụ. Ngoài ra còn có thể nhắc đến Bảo tàng đất nung Thanh Hà (Công viên Đất nung Thanh Hà) nằm cách Hội An 5km, rộng 6.000m2, trưng bày gốm đất nung của nhiều làng nghề tại Việt Nam . Về quy mô, đây chưa phải là bảo tàng lớn nhưng với vị trí nằm trên tuyến du lịch Hội An, bảo tàng đã “ké” lượng khách tham quan các tuyến điểm du lịch của vùng đất miền Trung này. Vì thế, đầu tư không cao, nhưng bảo tàng vẫn đủ duy trì, hoạt động ổn định.
Một bài học về làm bảo tàng tư nhân là trường hợp của bảo tàng tượng sáp nghệ sĩ Việt Nam. Khi mới ra mắt, bảo tàng được quảng bá rầm rộ kinh phí 35 tỷ đồng với hơn 100 bức tượng sáp của nhiều thế hệ nghệ sĩ, nghệ nhân, nhà văn hóa thuộc các lĩnh vực: sân khấu, điện ảnh, âm nhạc, thời trang: Cố giáo sư Trần Văn Khê, nghệ sĩ nhân dân Huỳnh Nga, nghệ sĩ Minh Vương, nghệ sĩ nhân dân Hồng Vân… Tại đây, du khách có thể được tham gia các buổi giao lưu văn nghệ, tọa đàm về văn học nghệ thuật và gặp gỡ các văn nghệ sĩ vào các dịp cuối tuần.
Tuy nhiên, một thời gian không lâu sau khi ra mắt, bảo tàng đã bị lỗ nặng và sau đó thì chỉ đủ duy trì, cầm cự. Một phần trong số các lý do là bảo tàng đi theo lối mòn “tượng sáp” vốn đã được khai thác nhiều tại các điểm du lịch khắp nơi, nhưng lại không có một điểm độc đáo riêng, mới đầu thì thu hút sự tò mò, nhưng nhanh chóng khiến du khách thấy nhàm chán.
Có thể thấy, làm bảo tàng tư nhân không hề dễ dàng. Đây là con đường “kinh doanh văn hóa” đáng quý mà những người mong muốn thu lợi nhanh, kiếm tiền nóng không bao giờ lựa chọn. Cái khó đến từ khâu chuẩn bị hiện vật cho đến xin cấp phép, xây dựng và duy trì hoạt động, nguồn lực “nuôi” bảo tàng. Để thành công, ngoài ý tưởng tốt, có vốn, người làm bảo tàng còn cần cả sự nhạy bén, linh hoạt, có thể kết nối với các doanh nghiệp du lịch địa phương, gắn bảo tàng với du lịch để phát triển. Ngoài ra, cũng rất cần sự hỗ trợ về cơ chế, giúp sức của địa phương để bảo tàng có thể phát huy được sức mạnh của mình.