Bảo tàng đồ sộ
Chúng tôi đã rất ngỡ ngàng khi biết được rằng giữa một miền quê yên ả, cuộc sống thuần nông ở vùng núi Cốc, xã Dĩnh Trì, Bắc Giang có một ngôi chùa chứa bảo tàng văn hóa độc đáo. Ông chủ Nguyễn Mạnh Quý của khu bảo tàng tư nhân này sinh năm 1971.
Như bất kỳ du khách tham quan nào khác, chúng tôi cũng được tiếp đón nhiệt tình. Ngay cổng vào khu bảo tàng trong vườn chùa cũng được xây kiểu hòn non bộ rất cầu kỳ và công phu. Rẽ sang bên trái, mọi người sẽ bị choáng ngợp bởi bức tường phù điêu bằng đất nung dài đến 80m. Những hình ảnh trên bức tường phù điêu đất nung ở đây tái hiện lại cho người xem một nền văn hóa Chămpa sinh động qua các thời kỳ.
Cũng lạ mắt không kém là bức tranh khổng lồ ghép từ những mảnh sành mô tả lại hình ảnh hoa sen, chim hạc, lão nông đang mò cua, ông quan đang xử án… Đi vào bên trong là những bức tượng người, voi, sư tử và khu thờ tượng Phật trong lầu gác cổ.
Còn phía bên phải của bảo tàng văn hóa, chúng tôi đã bắt gặp ngay hình ảnh 18 vị La Hán ngự ở 2 bên hành lang. Hình ảnh các vị La Hán ở đây khá giống với phiên bản gốc ở chùa Tây Phương (huyện Thạch Thất, Hà Nội). Chỉ có điều các vị La Hán này được làm bằng chất liệu đá chứ không phải bằng gỗ. Qua những hàng bậc, chúng ta sẽ được chứng kiến khu nhà trưng bày cổ vật và một số mái đình, chùa.
Ông Quý bên những cổ vật mà mình đã sưu tầm được |
Ông chủ Quý giới thiệu: “Ở khu quần thể di tích văn hóa này, tôi đã đầu tư xây, phục dựng lại tất cả 10 mái đình, ngôi chùa lớn, nhỏ khác nhau và một số gian để trưng bày bộ sưu tập cổ vật của tôi”.
Những mái chùa ở đây được xây theo lối kiến trúc cổ “nội công, ngoại thất”. Bên trong các ngôi chùa này đều có đầy đủ các vật dụng thờ cúng mà bất cứ ngôi chùa nào cũng có. Nó gồm đầy đủ hệ thống lư hương, tam quan, tam bảo, tượng phật, kiệu, cờ, ô, lọng. Những chiếc cột gỗ lim, gỗ nghiến dựng chùa ông cũng nhờ người cất công đi mua ở tận Lạng Sơn.
Cùng với những mái đình, chùa thì ông Nguyễn Mạnh Quý còn cho phục dựng lại một số căn nhà giả cổ đặc trưng của vùng Đồng Bằng Bắc Bộ. Căn nhà giả cổ được lợp mái ngói, kèo, cột, tường đều bằng gỗ.
Những con chó đá do ông sưu tầm mang về chùa |
Ngày phía bên cạnh là khu thủy đình rộng hơn 1.000m2 với những pho tượng thần, phật, quan âm đủ các màu sắc, kích cỡ đứng xung quanh. Chúng tôi còn bắt gặp ở đây 2 tòa bảo tháp với kích cỡ khác nhau. Tòa tháp nhỏ đặt trên bệ cao hơn 3m, còn tòa tháp lớn cao trên 10m cũng chính là nơi đặt bài vị của La Bình công chúa (tương truyền bà là con gái của Sơn Tinh-tức Đức Tản Viên).
Rải rác trong khu vườn của khu quần thể di tích văn hóa của ông Quý còn xuất hiện hàng trăm pho tượng lớn, nhỏ với đủ các chủ đề và chất liệu cũng rất phong phú. Chúng ta có thể được chiêm ngưỡng tượng các liền anh, liền chị của vùng quan họ Kinh Bắc, tượng lính gác bằng đá, tượng nghê đá, sư tử đá, voi đá, ngựa đá… rồi tượng thầy trò Đường Tăng trên đường đi Tây Trúc thỉnh kinh bằng đá ong rất lạ mắt.
Điểm nhấn ấn tượng nhất của khu bảo tàng văn hóa tư nhân này chính là khu trưng bày cổ vật ngoài trời. Chúng ta có thể bắt gặp ở đây hàng trăm con chó đá cổ cùng với rất nhiều chiếc cối xay thóc, giã gạo cũng bằng đá từ rất lâu đời. Ở gần đó, mọi người lại rất thích thú khi bắt gặp cả trăm chiếc chum, vại đựng nước với đủ các kích cỡ to, nhỏ khác nhau…
Bãi chum vại, chó đá sưu tầm nhiều năm |
Việc phục dựng lại chùa và trưng bày đồ cổ được ông Quý thực hiện từ năm 2001. Có lúc ông đã phải thuê hơn 100 thợ làm suốt ngày đêm. Đến nay, sau khoảng 16 năm cụm di tích, bảo tàng ngoài trời ở núi Cốc cơ bản đã xong và đưa vào phục vụ khác tham quan.
Những nguyên liệu phục vu cho việc xây dựng, ông cũng phải thuê người đi lấy ở khắp nơi, từ đá vôi ở vùng núi Chi Lăng (Lạng Sơn), đá xanh vùng Ninh Bình, đá ong (Thạch Thất, Hà Nội), đá phiến (Thanh Hóa)… Diện tích tổng thể khu quần di tích, bảo tàng văn hóa núi Cốc này đã lên tới 1,8 ha.
Về mặt đồ cổ bên trong, cho đến nay ông Quý đã sưu tầm và mua được hơn 16.000 hiện vật. Ông đã có trong tay những chiếc bình đất nung thuộc thời đại văn hóa Đông Sơn (có niên đại từ 2000-3000 năm), đồ vật dụng bằng đất, đá thời Phùng Hưng (cách đây khoảng 1200 năm). Còn những hiện vật có niên đại từ thời Lý, Trần, Lê thì nhiều vô số.
Không chỉ có thế trong bộ sưu tập đồ của mình, ông Nguyễn Mạnh Quý còn có cả bộ rìu đá của người Việt cổ rất hiếm, rồi đồ gốm sứ của các làng nghề nổi tiếng trong cả nước như: gốm Chu Đậu, gốm Hương Canh, gốm Bát Tràng, gốm Phù Lãng, gốm Thổ Hà. Bộ cổ vật ông thích nhất là hơn chục chiếc bình gốm đời Vua Càn Long, Trung Quốc (thế kỷ XVIII). Ông may mắn mua được bộ bình gốm này qua mấy ngư dân ở đảo Cát Bà và năm 2002. Bộ bình gốm này giờ đã thành vô giá và thuộc loại quý hiếm nhất ở Việt Nam.
Tuy không công bố con số chính xác tuyệt đối nhưng theo ông cho biết thì số tiền đổ vào đây đã lên tới cả trăm tỷ đồng.
Rất nhiều cối xay đá, chó đá, chum vại cổ ở trong chùa |
Giàu có vẫn luôn nhớ lời ông nội
Mọi người hoàn toàn bất ngờ bởi ông Quý có một quá khứ lam lũ, gian khổ. Ông kể: “Mới học hết lớp 9, vì gia đình quá khó khăn nên tôi buộc phải thôi học để đi làm. Khi đó còn nhỏ tuổi nên cũng chỉ đạp xe đi các chợ quê mua đi, bán lại con gà, con vịt, để kiếm chút lãi”.
Bánh xe đạp của chàng trai trẻ Nguyễn Mạnh Quý ngày ấy đã lăn trên khắp các bến, chợ, rồi những nẻo đường đất vùng Bắc Giang nghèo khó. Đến năm 20 tuổi, Quý “thắt lưng buộc bụng” mua được con xe Min-khơ để chạy những chuyến buôn bán xa hơn. Có xe trong tay, anh bắt đầu phóng lên tận chợ chợ Mẹt (Lạng Sơn) thậm chí đến cả Tân Thanh giáp biên giới để buôn gà, vịt. Ông triết lý “mua tận gốc, bán phải tận ngọn” mới có lãi.
Tiến từng bước từ từ rồi Quý cũng mua được con ôtô tải để buôn những chuyến hàng lớn hơn. Ngoài việc buôn gà, vịt Quý còn buôn thêm hàng khác theo tính thời vụ. Ví dụ như mùa hè anh buôn vải thiều từ Lục Ngạn (Bắc Giang) vào tận miền Nam bán. Với đầu óc biết tính toán hợp thời và nhiều tham vọng, cùng triết lí “phi thương bất phú” nên Nguyễn Mạnh Quý đã trở lên khá giả, trở thành một chủ buôn có tiếng trong vùng. Ông có xe, có vốn lớn và bạn hàng ở khắp mọi nơi.
Rồi một cơ hội trời cho, và cũng rất may mắn để đổi vận đã đến với ông. Nguyễn Mạnh Quý tâm sự thật: “Người ta nói người tính không bằng trời tính, nên việc buôn bán cần có cơ duyên, may mắn nữa. Năm 1998, tôi có ít tiền tiết kiệm, được mấy cậu bạn giới thiệu cho vài lô đất ven thị xã Bắc Giang, cũng cách nhà tôi không xa. Cứ mua để đến, ý định sau này có con cái sẽ xây dựng nhà cửa.
Nhưng không ngờ đến năm 2005, thị xã Bắc Giang được lên thành phố, đường sá được mở rộng đi qua mấy chỗ đất tôi mua, nên giá bán tăng vùn vụt”. Ông bán lại mấy lô đất cho người cần rồi lại lấy tiền đầu tư vào chỗ đất khác. Ông đã chính thức nhảy vào giới kinh doanh bất động sản ở Bắc Giang từ ấy. Suốt 12 năm qua, ông đã từng bước trở thành một đại gia trong giới kinh doanh bất động sản ở Bắc Giang.
Một căn nhà theo phong cách giả cổ |
Không giống một gã đại gia nào, ông Quý đã ném toàn bộ sản nghiệp vào việc xây chùa, bảo tàng tư nhân, hay săn tìm mua lại những nét văn hóa xưa cũ. Ai cũng ngỡ ngàng trước kiểu tiêu tiền đó của ông. Nhưng khi trò chuyện với ông, tôi đã hiểu ông có lý do hết sức ý nghĩa, đáng trân trọng.
Dòng tộc nhà ông Quý đã có nhiều đời làm công tác trông nom, quét dọn tại ngôi chùa Cốc. Trước khi nhắm mắt, ông nội của Nguyễn Mạnh Quý đã từng trăng trối: “Nếu một mai cháu khá giả thì nhớ trùng tu lại di tích chùa Cốc vốn đã bị chiến tranh tàn phá, đổ nát nhé!”. Lời trăng trối của ông nội luôn được ông khắc sâu trong tâm khảm. Bản thân ông Quý cũng là một người quê hương, bản quán nơi mình đã sinh ra, yêu văn hóa, tín ngưỡng lâu đời của dân tộc một cách kỳ lạ rồi.
Ông bảo với chúng tôi, rất nhiều năm tháng suy nghĩ nhưng cũng không thể nào giải thích được rằng vì sao mình lại yêu đình, chùa, và những thứ văn hóa dân gian xưa cũ của người Việt nhiều đến vậy. Nó dường như cứ tự nhiên ăn sâu vào máu thịt của ông lúc nào không hay.
Phục vụ miễn phí
Toàn bộ ý tưởng xây dựng khu quần thể di tích, bảo tàng văn hóa đó của Nguyễn Mạnh Quý đã được đích thân Nhà sử học Lê Văn Lan, rồi Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Bắc Giang cố vấn, giúp đỡ về mặt thiết kế, xác định niên đại cổ vật…
Có cả những phù điêu văn hóa Chăm-pa bằng đất nung |
Đã bỏ cả gia tài xây di tích, bảo tàng nhưng chúng tôi quá ngạc nhiên khi nghe ông nói một câu: “Tất cả khu quần thể di tích, bảo tàng trưng bày hiện vật, cũng như điểm du lịch sẽ phục vụ bà con, nhân dân xa gần đến tham quan, tìm hiểu một cách miễn phí”. Thậm chí, khách tham quan còn không hề mất bất cứ đồng tiền gửi xe nào. Đây là điều rất đáng quý, bởi chúng ta biết nếu muốn vào Việt Phủ Thành Chương (Đông Anh, Hà Nội) phải mua vé với giá khá cao (120.000-150.000đ/người).
Ông Quý nói hết đời ông, đời con, đời cháu ông cũng không ai được lấy khu di tích, bảo tàng này ra kinh doanh, vụ lợi. Quả thực điều ông nói và làm rất đáng trân trọng với chúng ta ở thời đại này, khi cái gì người ta cũng mang ra kinh doanh.
Chùa Cốc xưa kia có tên Vạn Linh Tự thuộc xã Vạn Linh, Phủ Lạng Thương, Trấn Kinh Bắc (nay thuộc xóm Núi, xã Dĩnh Trì, TP Bắc Giang). Chùa được xây dựng vào thế kỷ XIII đời nhà Trần thuộc một nhánh của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Tên Cốc theo truyền thuyết có nghĩa là chim phượng hoàng. Truyền thuyết kể rằng xưa kia có 100 con phượng hoàng bay về dãy núi Nham Biền, Yên Dũng nhưng chỉ có 99 ngọn để 99 con đậu. Còn 1 con không có chỗ đậu phải bay về ngọn núi ở xã Dĩnh Trì đậu và chết ở đó nên người xưa gọi là núi Cốc.