Công tác này trong thực tiễn hoạt động ở cơ sở đã được thực hiện ra sao ở vùng đất giàu truyền thống chiến khu cách mạng, Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Mai, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy (trước đó là Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Thái Nguyên).
- Nhắc đến tỉnh Thái Nguyên là nhắc đến chiến khu cách mạng, xin bà cho biết Thái Nguyên đã làm gì để phát huy giá trị của những di tích trên địa bàn, qua đó góp phần vào việc khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc?
- Trong những năm qua, Thái Nguyên đã tiến hành rất bài bản công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Tính đến thời điểm này, tỉnh Thái Nguyên có 292 di tích được xếp hạng, trong đó có 1 di tích quốc gia đặc biệt gồm 13 điểm; 55 di tích quốc gia; 224 di tích cấp tỉnh. Về công tác lập quy hoạch di tích, tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng hoàn thành và được cấp có thẩm quyền quyết định phê duyệt 3 quy hoạch di tích theo quy định của Luật Di sản văn hóa. Về công tác tu bổ, tôn tạo di tích: Từ năm 2008 đến nay bằng nguồn kinh phí chống xuống cấp di tích (ngân sách nhà nước và xã hội hóa) do Sở VH-TT&DL làm chủ đầu tư đã tu bổ được 64 di tích với tổng kinh phí khoảng 98 tỷ đồng. Tiêu biểu như di tích: Địa điểm lưu niệm các Thanh niên xung phong Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái hi sinh tháng 12/1972, Chùa Hang (TP Thái Nguyên); Trường Nguyễn Ái Quốc, Địa điểm thành lập Ủy Ban kiểm tra Trung ương, Địa điểm trụ sở làm việc của Văn phòng Trung ương Đảng (1947-1948) (huyện Định Hóa); Đình - Đền - Chùa Cầu Muối (huyện Phú Bình); Địa điểm di tích nơi ra đời Đội Thanh niên xung phong Việt Nam 15/7/1950 (huyện Đại Từ)...
Xác định được giá trị, vai trò của di sản văn hóa là nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương, trong những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai nhiều chương trình, dự án trùng tu, tôn tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nâng cấp các hạng mục công trình văn hóa, cải tạo cảnh quan môi trường khuôn viên di tích. Tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của di tích đến nhân dân và du khách bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú và đa dạng. Tổ chức các sự kiện, hoạt động văn hóa, du lịch tại di tích để giới thiệu, tôn vinh, ca ngợi giá trị truyền thống lịch sử, cảnh đẹp của di tích đến nhân dân và du khách.
Gắn với việc bảo vệ di tích, nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, lễ hội, trò chơi dân gian, ẩm thực được tổ chức; các sản phẩm thủ công truyền thống, sản phẩm nông nghiệp đặc trưng được trưng bày, giới thiệu. Nhiều khu di tích, điểm di tích trở thành điểm du lịch hấp dẫn, có sức hút mạnh mẽ đối với du khách trong và ngoài nước. Trong số đó phải kể đến: Khu di tích Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa; Khu di tích núi Văn – núi Võ (Đại Từ); Hang Phượng Hoàng – suối Mỏ Gà (Võ Nhai); Địa điểm lưu niệm các Thanh niên xung phong Đại đội 915, Thắng cảnh chùa Hang – Kim Sơn tự (TP Thái Nguyên); Di tích Đền Đuổm (Phú Lương), Đình, đền, chùa Cầu Muối (Phú Bình) … Qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cộng đồng dân cư đối với sự nghiệp bảo tồn, phát huy giá trị di tích; đáp ứng nhu cầu tham quan tìm hiểu văn hóa, lịch sử, giáo dục lịch sử, truyền thống phục vụ nhân dân và du khách thập phương.
- Trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu: “Quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hoá dân tộc, các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc, kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hoá của thời đại”. Với nhiều dân tộc cùng sinh sống, xin bà cho biết tỉnh Thái Nguyên có những chính sách như thế nào để giữ gìn, phát huy những giá trị độc đáo này?
- Thái Nguyên là địa bàn có nhiều dân tộc trong đó có các dân tộc như: Kinh, Tày, Nùng, Dao, H’Mông, Sán Chay, Cao Lan, Sán Chí… Các dân tộc đều lưu giữ những di sản văn hóa phi vật vật thể (VHPVT) mang bản sắc văn hóa dân tộc. Trong những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đã được Đảng bộ, các cấp chính quyền quan tâm đặc biệt, từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư kinh phí; được thực hiện thống nhất, đồng bộ theo quy trình khoa học. Tỉnh Thái Nguyên đã tiến hành kiểm kê đánh giá thực trạng làm cơ sở để nhận diện, xác định sức sống của từng di sản, làm tiền đề xây dựng cơ chế, giải pháp phục vụ công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
Bà Nguyễn Thị Mai, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên. |
Năm 2017, tỉnh Thái Nguyên đã hoàn thành đạt hiệu quả, chất lượng công tác kiểm kê Di sản VHPVT. Tổ chức Hội nghị tổng kết công tác kiểm kê và công bố Danh mục Di sản VHPVT tỉnh Thái Nguyên với 550 di sản. Đến nay đã có 17 di sản được đưa vào Danh mục quốc gia như: Múa Tắc xình, Hát Sấng cọ, Lễ hội Cầu mùa (của người Sán Chay), Lễ Cấp sắc, Nghi lễ Tết nhảy (Nhảng Chầm đao), Pả dung (của người Dao); Rối cạn Thẩm Rộc và Ru Nghệ, Nghi lễ Then, Lễ hội Lồng Tồng, Lượn cọi (của người Tày), Soọng Cô, Nghi lễ Cấp sắc (của người Sán Dìu), Nghi lễ Hắt khoan, Nghi lễ Cấp sắc (của người Nùng), Lễ hội Đền Đuổm (huyện Phú Lương), Lễ hội đình Phương Độ (huyện Phú Bình), Nghệ thuật Khèn của người Mông. Năm 2016, tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp thực hiện và hoàn thành hồ sơ quốc gia Then Tày - Nùng - Thái, đệ trình UNESCO và ngày 13/12/2019, di sản đã chính thức được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Từ năm 2001 đến nay, bằng nguồn vốn của địa phương và kinh phí của trung ương từ chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai thực hiện 9 dự án phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể gồm: Lễ hội Óoc pò (2007); Lễ cấp sắc dân tộc Nùng (2008); Lễ cưới truyền thống của người Dao (2009); Hát Ví ven sông Cầu (2010); Đám cưới người Sán Chay (2011); Lượn cọi (2013), Hát Ví (2015); Đại Phan (2018); phục dựng Lễ hội đình Mỏ Gà (2020), Lễ hội Đền Đuổm (Phú Lương) (2017), Lễ hội Đình Phương Độ (Phú Bình) (2019), đồng thời phối hợp, hướng dẫn UBND cấp huyện thực hiện các đề án liên quan đến sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của các dân tộc thiểu số. Đến nay có 13 nghệ nhân được vinh danh phong tặng, truy tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú.
Tỉnh Thái Nguyên đã hệ thống, tư liệu hóa phiếu kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể. Tổ chức biên soạn, xuất bản cuốn sách ảnh “Di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Thái Nguyên”, Tập 1, Tập 2 dưới hình thức song ngữ Việt - Anh nhằm tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa đặc sắc trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đến Nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế. Ngoài ra, các cơ quan chuyên môn như Sở VHTTDL, Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên còn lưu giữ hàng vạn trang tư liệu viết, tư liệu ảnh về di sản VHPVT của các dân tộc trên địa bàn tỉnh để phục vụ công tác tra cứu, trưng bày, giới thiệu các giá trị văn hóa của các tộc người.
Hàng năm, UBND tỉnh đều chỉ đạo Sở VH-TT&DL phối hợp với các cơ quan chuyên môn, UBND các huyện, thị xã và thành phố trên địa bàn tổ chức các lớp tập huấn truyền dạy di sản VHPVT như lớp truyền dạy di sản VHPVT của người Dao cho 60 nghệ nhân, học viên là người dân tộc Dao tại xã Yên Đổ, huyện Phú Lương, lớp truyền dạy tiếng nói cho dân tộc Sán Dìu. Xây dựng các mô hình câu lạc bộ (CLB) hát Soọng Cô (dân tộc Sán Dìu), hát Then (Dân tộc Tày), hát Pả Dung (dân tộc Dao), múa Tắc Xình (dân tộc Sán Chí),... Hiện nay, đã có nhiều mô hình tổ chức lớp truyền dạy VHPVT do cộng đồng tổ chức nhằm bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình như: các CLB hát dân ca, dân vũ truyền thống của các dân tộc Tày, Sán Chí, Dao, Nùng,... Tỉnh Thái Nguyên thực hiện tốt việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, theo chủ trương “hòa nhập không hòa tan”.
- Xin trân trọng cảm ơn bà!
Ngành VH-TT&DL Thái Nguyên đã có nhiều đóng góp tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Kết luận số 76-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Mai cùng với những kết quả đạt được, lĩnh vực văn hoá còn có những khó khăn nhất định, đó là công tác bảo tồn di sản nhất là các di tích lịch sử, văn hóa còn khó khăn. Mặc dù đã được quan tâm song các thiết chế văn hóa cấp tỉnh chưa được đầu tư đồng bộ để phục vụ triển khai thực hiện nhiệm vụ. Chưa có chính sách cụ thể thu hút nhân tài trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; công tác xã hội hóa chưa khai thác được tối đa tiềm lực trong nhân dân…