Bảo tồn, phát huy giá trị phi vật thể nghề làm bánh Pía Sóc Trăng

(PLVN) - Năm 2020, nghề làm bánh pía Sóc Trăng, được Bộ trưởng Bộ VHTT&DL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Bánh pía Sóc Trăng đã khẳng định được vị thế của mình, trên bản đồ ẩm thực Việt Nam và quốc tế.

Nét văn hóa đặc trưng Sóc Trăng

Bánh pía là một trong những món ăn truyền thống, mang đậm dấu ấn của người Hoa, gắn liền với vùng đất Sóc Trăng qua nhiều thế hệ. Bánh pía có nguồn gốc từ thế kỷ XVIII, khi người Hoa di cư đến Sóc Trăng, mang theo những công thức làm bánh truyền thống của họ.

Trước đây, sản xuất bánh pía còn mang tính thủ công, chủ yếu phục vụ cho nhu cầu gia đình. Cho đến đầu thế kỷ XX, nghề làm bánh mới phát triển rộng rãi. Qua thời gian, bánh pía đã được cải tiến và phát triển, trở thành một món ăn không thể thiếu trong đời sống của người dân Sóc Trăng cũng như của khách du lịch khi đến thăm vùng đất này.

Bánh pía Sóc Trăng đến nay, đã khẳng định thương hiệu không những ở Việt Nam mà còn trên thị trường quốc tế - Ảnh: Sở VHTT&DL tỉnh Sóc Trăng.

Bánh pía Sóc Trăng có nguồn gốc từ bánh trung thu của người Hoa, nhưng đã được biến tấu để phù hợp với khẩu vị của người Việt. Thành phần của bánh ban đầu đơn giản gồm: Bột mì, đường, đậu xanh và mỡ heo. Sau này, người làm bánh đã sáng tạo thêm nhiều loại nhân khác nhau từ nhân sầu riêng, nhân khoai môn, nhân trứng muối... làm phong phú thêm cho hương vị của loại bánh này.

Trải qua thời gian, bánh pía từ chỗ là món ăn truyền thống trong các dịp lễ, tết, giờ đây đã trở thành một món làm quà biếu tặng, đặc trưng của vùng đất Sóc Trăng. Điều này, đã góp phần không nhỏ vào việc giữ gìn và phát huy, giá trị văn hóa phi vật thể của nghề làm bánh pía Sóc Trăng.

Được biết, nghề làm bánh pía ban đầu hoàn toàn dựa vào các phương pháp thủ công. Với phương pháp này, thợ làm bánh phải mất rất nhiều thời gian và công sức, để tạo ra từng chiếc bánh một cách tỉ mỉ. Từ việc nhào bột, cán vỏ bánh cho đến nặn nhân và nướng bánh, tất cả đều được thực hiện thủ công bằng tay. Cách làm thủ công, không chỉ đòi hỏi kỹ năng cao, mà còn cần sự kiên nhẫn và sự khéo léo của người thợ.

Ngày nay, nhân làm bánh pía với nhiều hương vị khác nhau như: sầu riêng, khoai môn, truyền thống,…để đáp ứng thị hiếu khách hàng - Ảnh: Sở VHTT&DL tỉnh Sóc Trăng.

Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ và nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng, nghề làm bánh pía ở Sóc Trăng đã dần chuyển đổi từ sản xuất thủ công, sang quy trình sản xuất công nghiệp. Các cơ sở sản xuất bánh pía hiện nay, đã đầu tư máy móc hiện đại, giúp nâng cao năng suất và chất lượng bánh. Việc sử dụng máy móc trong sản xuất bánh pía, không chỉ giúp tiết kiệm thời gian và chi phí sản xuất, mà còn đảm bảo được sự đồng đều về chất lượng, từ vỏ bánh đến nhân bánh.

Mặc dù, quy trình sản xuất đã được hiện đại hóa, nhưng các yếu tố truyền thống vẫn được giữ gìn một cách cẩn thận. Các cơ sở sản xuất bánh pía hiện nay, vẫn tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình và công thức truyền thống. Điều đó, đảm bảo rằng hương vị đặc trưng của bánh pía Sóc Trăng không bị mất đi; mà còn làm cho bánh pía Sóc Trăng, ngày càng nổi tiếng và được nhiều người tiêu dùng, trong và ngoài nước ưa chuộng.

Góp phần phát triển kinh tế địa phương

Nghề làm bánh pía không chỉ là một phần của nét văn hóa địa phương, mà còn đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của Sóc Trăng. Các cơ sở sản xuất bánh pía hiện nay, từ quy mô nhỏ lẻ đến những doanh nghiệp lớn, đã tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương.

Ngày nay, nghề làm bánh pía đã công nghiệp hóa để nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng trong và ngoài nước - Ảnh: Sở VHTT&DL tỉnh Sóc Trăng.

Giám đốc sở VHTT&DL tỉnh Sóc Trăng - Trần Minh Lý cho biết: Bánh pía là một trong những sản phẩm trong chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh Sóc Trăng. Nhiều cơ sở sản xuất bánh pía hiện nay, đã tham gia vào các chương trình xúc tiến thương mại, để đưa bánh pía ra thị trường quốc tế. Điều này, không chỉ giúp nâng cao giá trị của bánh pía Sóc Trăng, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các ngành nghề khác trong tỉnh, từ nông nghiệp đến dịch vụ.

Ngoài ra, việc xuất khẩu bánh pía sang các thị trường nước ngoài, đặc biệt là các quốc gia có cộng đồng người Việt sinh sống như: Mỹ, Úc, Canada... cũng góp phần nâng cao thương hiệu bánh pía Sóc Trăng trên thị trường quốc tế. Đó là, niềm tự hào của người dân Sóc Trăng nói riêng và của người dân Việt Nam nói chung. Bên cạnh đó, bánh pía còn là một biểu tượng, văn hóa ẩm thực của Sóc Trăng, là một món ăn đặc sản gắn liền với làng nghề thủ công truyền thống.

“Mặc dù nghề làm bánh pía Sóc Trăng đã có những bước phát triển vượt bậc, nhưng vẫn đối diện với nhiều thách thức. Một trong những thách thức lớn nhất, là việc duy trì chất lượng và hương vị truyền thống, trong bối cảnh sản xuất công nghiệp ngày càng chiếm ưu thế. Các doanh nghiệp cần đảm bảo rằng quá trình công nghiệp hóa không làm mất đi giá trị cốt lõi của bánh pía”, ông Lý nói.

Nghề làm bánh pía, các khâu từ nhồi bột đến thành phẩm phải tỉ mỉ mừng khâu - Ảnh: Sở VHTT&DL tỉnh Sóc Trăng.

“Bảo tồn và phát huy nghề làm bánh pía, cũng cần sự hỗ trợ từ phía chính quyền địa phương và các tổ chức liên quan. Việc tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng cho những người thợ trẻ, cũng như việc hỗ trợ phát triển thị trường tiêu thụ. Đó sẽ là những yếu tố quan trọng để đảm bảo, sự phát triển bền vững của nghề làm bánh pía.

Bên cạnh thách thức, bánh pía Sóc Trăng cũng có nhiều cơ hội để tiếp tục phát triển và lan tỏa ra khắp nơi. Sự quan tâm của người tiêu dùng, đối với các sản phẩm truyền thống và các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng đang là xu hướng.
Đây là cơ hội để bánh pía Sóc Trăng, không chỉ phát triển trong nước mà còn vươn ra thị trường quốc tế”, ông Lý chia sẻ.

Khâu nướng bánh cũng là khâu hết sức quan trọng, phải đảm bảo sao cho bánh vừa chính tới để giữ hương vị ngon của bánh - Ảnh: Sở VHTT&DL tỉnh Sóc Trăng.

Nghề làm bánh pía Sóc Trăng hiện nay, đã tạo được nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương - Ảnh: Sở VHTT&DL tỉnh Sóc Trăng.

Đọc thêm