Bảo tồn và phát huy Di sản văn hóa phi vật thể dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

(PLVN) - Năm 2014, dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO tôn vinh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đó không chỉ là niềm tự hào của người dân hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh mà còn cả cộng đồng người Việt. Song hành với việc vinh danh thì công tác bảo tồn di sản văn hóa này cũng đáng lưu tâm.
Bảo tồn và phát huy Di sản văn hóa phi vật thể dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Nét độc đáo của dân ca ví, giặm

Dân ca ví, giặm là hai lối hát dân ca (không có nhạc đệm) được cộng đồng người Nghệ Tĩnh sáng tạo. Hai lối hát này được thực hành trong mọi thời khắc của cuộc sống như lúc ru con, làm ruộng, chèo thuyền, lúc dệt vải, xay lúa, đánh bắt cá…được trình diễn với những trạng thái, tình cảm khác nhau như: khi vui, lúc buồn của một người và của nhiều người. 

Từ một hình thức văn nghệ dân gian của người dân lao động, cùng với sự đẽo gọt, tu chỉnh của nhiều thế hệ nghệ nhân theo dòng thời gian, sự tham gia trau chuốt của các nho gia, danh sỹ, khoa bảng…dân ca ví, giặm ngày càng được hoàn thiện, có bố cục chặt chẽ, câu từ tinh tế, vần điệu chắt lọc, trở thành một loại hình văn nghệ hấp dẫn, có giá trị nghệ thuật cao.

Có thể nói, làn điệu ví, giặm có ca từ bằng thơ dân gian cô đọng, súc tích, dễ thuộc, dễ nhớ, dễ hát nên luôn được trao truyền, kế thừa và sáng tạo. Đây là loại hình có nội dung phản ánh xã hội, lịch sử; thể hiện tâm tư, tình cảm, tình yêu cuộc sống, yêu quê hương, đất nước, tình yêu đôi lứa; giáo huấn, triết lý trọng nghĩa, trọng tình, mang đậm tính nhân văn của người Việt Nam. 

Các chuyên gia ước tính có khoảng 15 điệu ví, 8 điệu giặm được gọi tên theo bối cảnh cuộc sống, lao động, nghề nghiệp như: Ví phường vải, Ví đò đưa, Ví phường cấy, Ví trèo non, Giặm ru, Giặm vè…Trong đó, tiêu biểu là một số tác phẩm như: Giận mà thương, Hát khuyên, Xẩm thương…

Một tiết mục dân ca ví, giặm của các nghệ nhân
Một tiết mục dân ca ví, giặm của các nghệ nhân 

Không như một số loại hình dân ca khác gắn chặt với một không gian, thời điểm diễn xướng, nhất là với các lễ hội thì dân ca Nghệ - Tĩnh nói chung và ví, giặm nói riêng được người dân hát không kể thời gian, hầu như quanh năm suốt tháng. Trên đồng ruộng, giữa lúc nông vụ tất bật nhổ mạ, cấy cày, gặt hái; trên rừng trong những chuyến đi củi, bẻ măng hay trên sông Lam, sông La khi thuyền xuôi ngược hoặc chèo buông...

Hát không chỉ gắn với không gian và môi trường lao động, hát còn mang tính du hý vào những dịp hội hè, tết nhất, đình đám, thi thố tài năng; tính giao duyên giữa những lứa đôi trai gái; tính tự tình, nghĩa là mượn câu hát để bộc lộ nội tâm; tính tự sự, dùng hình thức kể vè để thuật lại những sự việc xảy ra; tính chất tâm linh; tính giáo huấn; tính hành nghề (mưu sinh) đối với các phường trò chuyên nghiệp hóa…

Với những giá trị nhân văn và nghệ thuật độc đáo, ngày 27/11/2014 dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO tôn vinh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là sự khẳng định của quốc tế đối với loại hình nghệ thuật dân gian đặc biệt này. Đồng thời giúp cho cộng đồng và chính quyền địa phương có trách nhiệm hơn trong việc giữ gìn, truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể này.

Gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa của nhân loại

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản yêu cầu UBND tỉnh Nghệ An và UBND tỉnh Hà Tĩnh chủ động cân đối nguồn ngân sách địa phương hàng năm và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện việc bảo vệ, phát huy giá trị của di sản dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh theo quy định của pháp luật. 

Động thái này nhằm mục đích thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam với cộng đồng quốc tế đối với những di sản được UNESCO vinh danh nói chung; làm tốt công tác bảo vệ và phát huy giá trị dân ca ví, giặm nói riêng trong đời sống đương đại, nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ, thực hành và trao truyền di sản trong cộng đồng. Qua đó, từng bước phát huy giá trị của loại hình dân ca này trở thành một sản phẩm văn hóa đặc trưng để phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - vă hóa xã hội ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.

Song song với đó, Bộ VHTT&DL có trách nhiệm hướng dẫn hai tỉnh trên triển khai thực hiện bảo vệ, phát huy giá trị của di sản này theo Công ước của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Đồng thời chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các bộ, cơ quan liên quan xây dựng Chương trình bảo vệ, phát huy các giá trị các di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại của Việt Nam, trong đó có dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, theo đúng quy định của pháp luật, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo. 

Thủ tướng Chính phủ giao cho các Bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phối hợp với Bộ VHTT &DL, UBND hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh thực hiện việc bảo vệ, phát huy giá trị Di sản dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh.

Việc bảo vệ, phát huy giá trị của di sản dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh đang nhận được nhiều sự quan tâm của Chính phủ
Việc bảo vệ, phát huy giá trị của di sản dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh đang nhận được nhiều sự quan tâm của Chính phủ

Là một người nhiều năm gắn bó với dân ca ví, giặm NSND Hồng Lựu, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ chia sẻ: Từ khi dân ca ví, giặm được vinh danh, những người gắn bó với di sản này như chúng tôi cảm thấy vui mừng, phấn khởi. Chúng tôi đã tìm nhiều cách để bảo vệ, duy trì và phát triển di sản quý giá mà cha ông xưa để lại.

Thời gian qua, nhiều câu lạc bộ dân ca ví, giặm ra đời và phát huy có hiệu quả tại các địa phương, không chỉ ở trên địa bàn Nghệ An, Hà Tĩnh mà còn lan rộng ra khắp đất nước thông qua các Hội đồng hương. Bên cạnh đó, các cuộc thi Liên hoan dân ca ví, giặm được tổ chức 2 năm 1 lần đã có sức lan tỏa, nhằm tôn vinh và quảng bá rộng rãi di sản này. 

Hiện nay, với sự hấp dẫn của nhiều loại hình giải trí khác khiến tình yêu đối với dân ca ví, giặm có chút phai mờ, đòi hỏi những người quản lý phải có nhiều cách làm sáng tạo để đưa dân ca ví, giặm không những lan tỏa đến tận mỗi người dân mà ở các  ngành, nghề, qua đó nó trở thành một “đặc sản” phát triển du lịch. Theo đó, tại các lễ hội như: Lễ hội đền Quả Sơn, lễ hội sông nước Cửa Lò... du khách được thưởng thức các làn điệu dân ca đến từ các câu lạc bộ. 

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Nghệ An, đã có một số khách sạn, nhà hàng, các khu di tích đưa dân ca ví, giặm vào phục vụ du lịch. Song song với đó, những chương trình dạy hát dân ca trên truyền hình, đưa dân ca vào trường học như là một cách truyền lửa đam mê cho các thế hệ trẻ, qua đó bảo tồn, lưu giữ các giá trị mà cha ông ta để lại....

Không thể phủ nhận khi dân ca ví, giặm đang phải đối mặt với những thách về thay đổi không gian diễn xướng trong đời sống đương đại. Giờ đây, dân ca ví, giặm không chỉ đóng khung ở làng quê mà còn mở rộng không gian sân khấu hiện đại, điều này đòi hỏi phải có sự kết hợp hài hòa giữa người hát xướng, chơi nhạc cụ cũng như sáng tác cho lời mới phù hợp.

Bên cạnh đó, hiện nay nhiều nghệ nhân tuổi đã cao, chính sách, hỗ trợ nghệ nhân duy trì các câu lạc bộ, trao truyền di sản còn hạn chế...Do đó, một chiến lực cụ thể để bảo tồn, phát huy, thực hành di sản là thật sự cần thiết lúc này. Trong đó, điều quan trọng là cần có những chính sách cho các nghệ nhân, bởi họ chính là “linh hồn” đang từng ngày sáng tạo, lưu giữ và trao truyền bản sắc văn hóa qua nhiều thế hệ. 

Đọc thêm