Bão trời hay bão lòng?

(PLO) -Cơn bão lớn đã chuyển hướng, tạm thời, người dân không phải đối mặt với bão dữ. Ứng phó trước bão là một câu chuyện mà nhiều người nhắc tới, ngay cả khi cơn bão không đến. 
Bão trời hay bão lòng?

Có lẽ, sự việc làm xôn xao trong thời điểm chờ bão, đó là sự cập rập của ngành Giáo dục trước cơn bão. Buổi sáng 25/12, thời điểm dự đoán bão sẽ có thể đổ bộ TP HCM và các tỉnh miền Nam, phụ huynh nháo nhào vì trẻ “bất ngờ được nghỉ” khi phụ huynh chở con đến học. Nhiều trường học, đến giữa trưa khi phụ huynh đi làm mới được báo đến đón con về. Thế là cảnh cha mẹ chạy ngược chạy xuôi tìm chỗ gửi con, hoặc đem con đến chỗ làm, vừa làm việc vừa giữ con. Khá nhiều phụ huynh bức xúc việc ngành Giáo dục không có sự tiên liệu và thông báo từ sớm, thông báo đến vào tối 24/12 và các trường cũng không xử lý ngay để các phụ huynh biết từ buổi tối. Sự cập rập này đã “gây khó” cho các gia đình có con tuổi đi học.

Người dân TP HCM ít có kinh nghiệm phòng tránh bão, nhất là bão lớn. Thế nên, người dân trước bão vẫn chưa có một tâm thế đón bão vững vàng. Trong khi nhiều người nhắc nhở nhau gia cố nhà cửa đón bão, hạn chế ra đường, nhiều người dân khác vẫn “bình chân như vại” với mọi hoạt động thường nhật. Ngày 25/12, tại nhiều vỉa hè, con đường, bàn ghế hàng quán vẫn được bày bán, những bảng hiệu tạm bợ vẫn được dựng hờ để người dân tiếp tục kinh doanh. Một khi bão đến thực sự, khó lòng mà hình dung được hậu quả sẽ ra sao.

Ngay cả trên mạng xã hội, lòng người cũng dường như mông lung trước bão. Với nhiều người, cơn bão vẫn là một cái gì đó xa vời, khó hình dung, thậm chí phi lý. Dường như, bất cứ cư dân mạng nào cũng trở thành nhà dự báo thời tiết khi liên tục đưa ra những dự đoán, bình phẩm về đường đi của cơn bão. Dòng status của một chị phụ huynh khá “hot” trên mạng xã hội với nội dung phê phán khả năng dự báo của ngành khí tượng, cũng như tự đưa ra phân tích của riêng mình đã nhận được sự tin cậy, hùa theo của các phụ huynh khác. Tuy nhiên, với nhiều người có hiểu biết, đó là một bài viết thiếu trách nhiệm xã hội, bởi những lời chê chủ quan, kiến giải mông lung khiến đám đông tin vào và có tâm lý ỉ i rằng bão chỉ là “chuyện dự đoán khơi khơi”. Bão lại trở thành một đề tài tranh cãi bất tận, và người ta thà bỏ thời gian để cãi nhau, hơn là chuẩn bị tâm lý và những điều cần ứng phó.

Cơn bão không vào đến TP HCM, nhưng lòng người mông lung trước bão. Cơn bão đi chệch đường có thể được coi là một “bản thử nghiệm”, nó cho thấy sự bất ổn về khả năng xử lý tình huống của nhiều đơn vị đối phó với bão, cũng như khả năng tiếp ứng của người dân trước bão lớn. Sẽ như thế nào, nếu một cơn bão khác thật sự đổ bộ vào?

Đọc thêm