"Bão" vay nặng lãi tàn phá đời sinh viên

Chỉ với tấm thẻ sinh viên (SV) kèm theo một chứng minh thư nhân dân, một sinh viên có thể vay hàng chục, hàng trăm triệu đồng. Cơn bão vay nặng lãi đang cuốn phăng đèn sách và khiến nhiều sinh viên ĐH Thái Nguyên lao đao vì nợ nần.

Chỉ với tấm thẻ sinh viên (SV) kèm theo một chứng minh thư nhân dân, một sinh viên có thể vay hàng chục, hàng trăm triệu đồng. Cơn bão vay nặng lãi đang cuốn phăng đèn sách và khiến nhiều sinh viên ĐH Thái Nguyên lao đao vì nợ nần.

Tiệm cầm đồ bủa vây trường học

Theo quan sát của phóng viên, các tiệm cầm đồ kiêm dịch vụ cho vay nặng lãi qua thẻ sinh viên đua nhau mọc lên như nấm quanh các trường trực thuộc Đại học Thái Nguyên (ĐHTN). Tại Trường ĐH Nông lâm, chỉ tính từ con đường nối từ quốc lộ 3 đến cổng trường đã có hơn chục tiệm luôn tấp nập khách.

Nằm cách xa trung tâm thành phố, tưởng chừng như tình hình tiệm cầm đồ, cho vay nặng lãi sẽ yên ắng hơn ở khu vực Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghiệp. Nhưng theo người dân địa phương, các quán cho sinh viên vay nặng lãi vẫn tồn tại trá hình và nằm rải rác khắp nơi quanh trường học này và các “thượng đế” chủ yếu là sinh viên.

Nhắc đến tình trạng vay nặng lãi của sinh viên ở đây, không thể không nhắc đến khu vực xung quanh Trường ĐH Sư phạm. Đoạn đường Lương Thế Vinh chỉ dài vài trăm mét chạy dọc theo cổng sau của trường này đã có hơn 30 tiệm cầm đồ. Bước chân vào các tiệm này, điều dễ bắt gặp là những bảng dài thông báo về thủ tục vay nợ và số tiền tối đa có thể vay cho mỗi thẻ sinh viên của từng trường. Theo Ma Thanh T (sinh viên Đại học Y dược Thái Nguyên), khu vực này thu hút được cả sinh viên từ nhiều trường đại học, cao đẳng khác về đây vay nợ vì ở đây lãi suất tương đối “mềm” hơn và các ông chủ cầm đồ ở đây rất “trường vốn”.

Trước đây, ở khu vực này người dân chủ yếu kinh doanh các mặt hàng phục vụ sinh hoạt của sinh viên như các quán tạp hóa, quán cơm hay quán  internet. Loại hình dịch vụ cầm đồ và cho vay nặng lãi bắt đầu bùng phát mạnh vào khoảng 2 năm trước và chủ các cửa hàng cầm đồ phần lớn là những người có máu mặt trong giới “giang hồ”.

Anh nhìn nhộn nhịp thế nhưng dân ở đây ít người mở quán cho vay, cầm đồ lắm. Chủ yếu là các đàn anh, đàn chị ở chỗ khác đến thuê cửa hàng, làm cái nghề này không có máu mặt thì không làm nổi đâu” - anh Nguyễn Văn H, một người dân sống gần Trường ĐH Sư phạm cho biết.

m
Một cửa hàng “Cho thuê xe máy, cho vay tiền qua thẻ” tại đường Lương Thế Vinh, TP. Thái Nguyên.

Nghề siêu lợi nhuận


Để vay nợ, sinh viên chỉ cần thẻ sinh viên và chiếc chứng minh thư nhân dân. Trung bình khi thế chấp một thẻ, mỗi sinh viên vay được 10-50 triệu đồng. Trong đó, thẻ sinh viên của Trường ĐH Sư phạm là “có giá trị đảm bảo” nhất. Sinh viên không học trường “xịn” nhưng xuất thân từ gia đình “xịn” (giàu có, bố mẹ là dân buôn bán, cán bộ) thì có thể “linh động” vay tới hàng trăm triệu đồng.

Sinh viên có thể vay tiền một cách dễ dàng, bù lại, họ sẽ phải gánh chịu lãi suất cao ngất ngưởng và những chiêu tính nợ cực kỳ cao tay của các chủ nợ. Thông thường nếu vay 1 triệu đồng thì số tiền lãi mỗi ngày từ 5.000-10.000 đồng, mỗi tháng trả lãi 15%-30%, mỗi năm 180-360%. Nhưng cách tính lãi “cắt cổ” này chưa phải là tác nhân đẩy sinh viên vào con đường lao đao, khốn đốn. “Tuyệt chiêu bắt tiền đẻ ra tiền” của chủ nợ là không ghi mức lãi suất trên tờ giấy vay nợ ban đầu nhưng nếu qua ngày hẹn mà sinh viên không trả thì chủ nợ sẽ bắt con nợ viết giấy vay mới với số nợ mới là cả vốn lẫn lãi của số vay cũ với mức lãi suất cũ.

Lao đao

Mấy ngày nay, Nguyễn Thanh H (khoa Toán, Trường ĐH Sư phạm) lúc nào cũng lo lắng, bồn chồn vì khoản nợ từ “trên trời” rơi xuống. Cũng vào thời gian này năm 2009, có người bạn thân từ hồi học cấp 3 đến bảo với H là có việc cần và nhờ H vay hộ 10 triệu đồng, trả sau 1 tháng. Nể bạn, H cắm thẻ sinh viên vay tiền cho bạn rồi gánh nợ luôn vì “cậu bạn thân” sau khi cầm tiền đã... chuồn thẳng. Sau một năm, vì chủ nợ “thương tình” H cũng là người bị hại nên chỉ bắt H thanh toán khoản nợ... 26 triệu đồng (!).
Tương tự, bác sĩ tương lai Lê Quang H (quê Bắc Kạn, sinh viên Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên) đang bị suy nhược do nhiều đêm mất ngủ vì khoản nợ gần 100 triệu đồng. Từ cuối năm 2009, Huy bắt đầu cắm thẻ sinh viên để vay tiền chơi lô đề. Tính ra từ đó đến nay, đã 3-4 lần Huy vay khoảng 10 triệu đồng/lần. Tháng 2 vừa rồi, do gia đình chưa xuống trả nợ kịp, Huy đã 2 lần phải “di cư” để trốn nợ.
(Còn tiếp)

Ngọc Tú 

Đọc thêm