Nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả….nhưng chỉ là biện pháp “ngọn”
Người dân ĐBSCL đang thấp thỏm đứng ngồi không yên khi tình trạng sạt lở, thiên tai diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Nó sẵn sàng “nuốt chửng” hàng chục, hàng trăm ngôi nhà, “ăn” đứt nhiều tuyến đường huyết mạch. Mưa giông, lốc xoáy làm nhiều nhà dân tốc mái, gây khó khăn cho cuộc sống của bà con. Đó là những hệ luy nghiêm trọng của vấn đề môi trường mà mỗi người dân cần phải biết.
Trong những năm qua, TP Cần Thơ đã có nhiều hoạt động tăng cường công tác phối hợp để bảo vệ môi trường. Theo báo cáo tại Hội nghị Tổng kết 5 năm chương trình phối hợp giai đoạn 2012 – 2017 giữa Sở Tài nguyên Môi trường (TNMT) TP Cần Thơ và các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể trên địa bàn thành phố sáng ngày 9/8, trong những năm qua các đơn vị đã phối hợp thực hiện nhiều chương trình thiết thực, ra quân hành động vì môi trường. Tổ chức nhiều đợt dọn bãi rác tự phát, khai thông vớt rác tại các kênh rạch, vệ sinh đường hẻm, phát quang bụi rậm. Bên cạnh đó, các tổ chức đoàn thể cũng không ngừng vận động thực hiện các mô hình “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường”, “Phụ nữ hạn chế sử dụng túi nylon”, “Quản lý chất thải dựa vào cộng đồng”… xây dựng hàng trăm tuyến đường sáng – xanh – sạch – đẹp, lắp đặt gần hàng ngàn thùng rác công cộng tại các khu dân cư.
Thực tế, đó chỉ là những biện pháp “ngọn” còn căn cơ vẫn là ý thức của người dân. Hiểu được tầm quan trọng của vấn đề này, các đơn vị cũng phối hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn, tuyên truyền phổ biến pháp luật về môi trường, đồng thời cung cấp các kiến thức, thông tin về lĩnh vực môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu. Những hoạt động trên tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của toàn xã hội, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mỗi tổ chức cá nhân trong công tác bảo vệ môi trường.
Các ngành chuyên môn, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể và cộng đồng dân cư cần chung tay bảo vệ môi trường |
Dù vậy nhưng nhìn chung các hoạt động vẫn còn rời rạc, chưa mang tính chất chiến lược. Một số công tác bảo vệ môi trường được cộng đồng dân cư tham gia hưởng ứng nhưng do điều kiện địa phương chưa đáp ứng kịp thời nên hiệu quả không cao. Vận đông người dân tham gia phân loại rác nhưng rác sau khi phân loại không được xử lý phù hợp. Vận động người dân thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật nhưng không có biện pháp xử lý triệt để sau khi thu gom, do đó hoạt động mang tính hình thức làm cho người dân không còn tích cực tham gia hưởng ứng.
Căn cơ vẫn là ý thức người dân
Theo ông Phạm Văn Tâm, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP Cần Thơ, vấn đề căn cơ phải là ý thức của người dân. Bảo vệ môi trường không phải là công việc của riêng người nào mà là việc chung của cộng đồng, xã hội. “Đó là những việc có thể làm ngay, không tốn tiền. Chỉ cần thay đổi hành vi vứt rác bừa bãi của người dân thì đã có thể mang lại hiệu quả cao”, ông Tâm khẳng định.
Ông Huỳnh Thái Nguyên, Phó Bí thư Thành đoàn Cần Thơ cho biết, lực lượng đoàn viên thanh niên trong thời gian qua đã thực hiện rất nhiều hành động thiết thực góp phần bảo vệ môi trường nhưng do nguồn lực chủ yếu từ xã hội hóa nên chưa đạt được kết quả như mong muốn. Nên mong rằng trong thời gian tới, các đon vị sẽ tiếp tục phối hợp thực hiện đạt hiệu quả cao hơn.
Để tiếp tục chung tay thực hiện nhiệm vụ trên, Sở TNMT Cần Thơ đã ký kết chương trình phối hợp trong lĩnh vực quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2018 – 2022 với 8 tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể trong thành phố. Ông Nguyễn Chí Kiên, Phó Giám đốc Sở TMNT TP Cần Thơ mong muốn trong thời gian tới các đơn vị sẽ tích cực phối hợp với Sở đặc biệt là công tác phân loại rác thải để góp phần bảo vệ môi trường. Ông Kiên cho biết, về phân loại rác thải sinh hoạt thì có 3 loại là rác thải đốt được, rác thải không đốt được và rác thải nguy hại. Rác thải đốt được dự kiến sẽ chuyển cho Nhà máy đốt rác phát điện đang xây dựng ở Thới Lai xử lý. Về chất thải không đốt được và chất thải nguy hại thì Sở đề xuất xây dựng khu xử lý và đang kêu gọi nhà đầu tư.
Nói về chất thải từ nông nghiệp, ông Kiên cho biết, Sở và Hội Nông dân thành phố đang phối hợp thực hiện chương trình thu gom bao bì sản phẩm phục vụ nông nghiệp, các chai lọ thuốc trừ sâu. “Thu gom lại để nơi và xây dựng bồn chứa để nông dân làm xong đem bỏ vào đó. Sở cũng đang có chương trình kiểm soát ô nhiễm môi trường các cơ sở thu mua phế liệu vì chai nhựa thuốc bảo vệ thực vật là chất thải nguy hại”, ông Kiên nói
Từ đó, để mỗi người dân thấy được, hiểu được và ý thức hành động để bảo vệ môi trường. Để thực hiện nhiệm vụ lớn lao đó, đòi hỏi ý thức và sự chung tay của mỗi người dân, cộng đồng và xã hội./