Bảo vệ quyền được quyết định sinh con và thời điểm sinh của phụ nữ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Cách đây không lâu, một bài viết trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế về những phận đàn bà với nỗi khổ mang tên “không biết đẻ” đã gây xúc động dư luận.

Bài viết nêu thực trạng, trước áp lực của gia đình, nhiều phụ nữ dù muốn hay không cũng phải cố sinh cho bằng được một đứa con trai để yên cửa, yên nhà. Từ đó, không ít người rơi vào tình trạng căng thẳng, mệt mỏi, trầm cảm, thậm chí mất mạng chỉ vì nỗi khổ mang tên “không biết đẻ”. Điều này kéo theo nhiều hệ lụy.

Trước đó, trên mạng xã hội lan truyền một clip ghi lại tâm sự xé lòng của một người phụ nữ sống tại khu vực đồng bằng Bắc Bộ khi phải phá thai hàng chục lần, mong “nặn” ra một thằng cu “hương khói” cho nhà chồng. Sau bao nhiêu hi sinh, chịu đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần, cuối cùng người phụ nữ ấy vẫn phải nhận “trái đắng” khi bị chồng và gia đình nhà chồng nhẫn tâm ruồng bỏ vì “không biết đẻ”.

Có một thực tế đáng buồn là với nỗ lực của ngành DS-KHHGĐ và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh đã chậm lại, tuy nhiên kết quả chưa thực sự như mong muốn. Niềm mong mỏi có một thằng cu để “chống gậy” vẫn còn khá phổ biến ở nhiều gia đình, nhất là một số ông chồng Việt.

Theo các nhà nhân khẩu học, nếu tỷ số giới tính khi sinh không được cải thiện trong thời gian tới, hệ lụy xã hội sẽ rất lớn khi thừa nam thiếu nữ, nhất là thiếu ở độ tuổi kết hôn, nam giới sẽ khó lấy vợ, hoặc không kết hôn. Từ đó dẫn tới thay đổi cấu trúc dân số, tan vỡ cấu trúc gia đình, tỉ lệ ly hôn, tái hôn của phụ nữ tăng cao, kéo theo hệ lụy về an ninh trật tự khi làm tăng tệ nạn mại dâm, HIV/AIDS, buôn bán phụ nữ, trẻ em, tăng bạo hành gia đình, tăng bất bình đẳng giới…

Mặt khác, Covid-19 đã làm lộ rõ sự bất bình đẳng và sự yếu kém của hệ thống chăm sóc sức khỏe của một quốc gia và giữa các quốc gia. Khủng hoảng này đã làm cho nhiều hệ thống chăm sóc sức khỏe quá tải phải thu hẹp các dịch vụ sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục, vốn vẫn thường bị coi là không thiết yếu. Mặc dù các dịch vụ này là quyền con người, nhưng chúng đã bị bỏ qua vì những mối quan tâm "cấp bách" khác. Dưới áp lực kinh tế và cắt giảm ngân sách, có nguy cơ là nhiều quốc gia có thể sẽ không khôi phục lại những dịch vụ này.

Đó cũng chính là lý do mà Ngày Dân số Thế giới năm nay, Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (UNFPA) đã lựa chọn thông điệp: “Hãy cùng hành động để bảo vệ quyền được quyết định sinh con và thời điểm sinh. Hãy cùng hành động vì quyền và sự lựa chọn của phụ nữ và trẻ em gái”. UNFPA kêu gọi hãy hành động để xóa bỏ những khoảng cách này bởi bất cứ sự trì hoãn nào cũng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống của phụ nữ và trẻ em gái. Những hậu quả đó có thể kéo dài trong suốt cuộc đời của họ.

Đọc thêm