Bảo vệ trẻ em khuyết tật trước nạn xâm hại tình dục

(PLO) - Nữ nghệ sĩ người Úc Hiratsuka Niki, 31 tuổi, người từng bị cha ruột xâm hại đã dành cả cuộc đời mình để vẽ chân dung những phụ nữ bị bạo lực tình dục. Nguyễn Thị Thơm – cô gái mắc chứng nhược cơ sau trận sốt rét ác nghiệt năm 3 tuổi khiến cả người teo tóp lại, tứ chi yếu ớt - là một trong số những chân dung mà nữ nghệ sĩ  Hiratsuka Niki đã vẽ với một câu chuyện đầy ám ảnh...
Chân dung Nguyễn Thị Thơm do nữ nghệ sĩ Hiratsuka Niki vẽ

Chết cũng được miễn sao thoát !

Qua lời kể của Thơm, những ám ảnh của cô bắt đầu từ rất sớm. Đó là lúc cô học lớp 5 tròn 12 tuổi. Thơm kể: “Ở nhà thường xuyên chỉ có tôi và hai đứa em trai nhỏ. Có chú kia vào làm công cho ba mẹ. Vì là bạn của ba mẹ và nhà cửa ở nông thôn thì không khóa bao giờ nên khi chú ấy vào hỏi thăm ba mẹ đâu tôi thật thà trả lời là ba mẹ đi làm.

Chú ấy bảo tôi dễ thương quá rồi kéo tôi ngồi vào lòng chú ấy. Thực sự lúc ấy tôi quá non nớt, ngoan ngoãn trả lời những câu hỏi chú ấy hỏi, còn tay chú ấy thì mò vào “móc” bộ phận của tôi. Tôi rất khó chịu và cảm thấy nguy hiểm nhưng ngay từ nhỏ tôi đã có bản tính là không hoảng hốt. Tôi vẫn tiếp tục ngoan ngoãn quay lại nhìn vào mặt chú ấy mỉm cười và nói “Để con lấy nước chú uống nha”.

Chú kêu “Con ngoan, nhưng chú không uống đâu” rồi hôn lên gò má tôi, râu đâm đau lắm, kể lại mà tôi thấy kinh tởm. Tôi đưa tay lên rờ râu vờ ngoan ngoãn bảo “Chú đi đường xa mệt con phải rót nước mời”. Chú ta nới lỏng tay, không ôm tôi nữa. Tôi đứng dậy vào trong phòng, bảo em trai ra ngoài sân gọi bác hàng xóm sang vì nhà có khách của ba mẹ ghé thăm. Không biết như thế nào mà chú lại kêu “Thôi chú về đây, tối bố mẹ về, chú quay lại sau”. Tôi dạ to.

Chú ta làm ở nhà tôi một tháng và hay lại ôm hôn tôi khi cả nhà cùng ăn cơm, ai cũng bảo chú ấy thương con nít. Ba mẹ tôi chẳng bao giờ biết được mối họa. Tôi lại không nói ra (vì thực chất lúc đó tôi đâu biết đó là xâm hại coi việc bị hôn là bình thường và bị rờ vào vùng kín là vì chú quý con nít).

Lần thứ hai năm đó tôi 18 tuổi, tuổi đẹp nhất của người con gái. Tôi bắt đầu phát triển toàn diện những phần nhạy cảm nhất. Tôi thấy mình may mắn nhất ở chỗ có nhiều chị gái và được tham gia cùng nhóm bạn của các chị gái tôi, do đó có thể nói tôi già hơn tuổi. Kiến thức về giới tính tôi cũng lượm lặt được nhiều lắm. Tôi ý thức mình là con gái phải vệ sinh, gìn giữ ra sao, nhưng tôi không thể tưởng tượng được đối tượng muốn xâm hại tôi lại là một ông già đã 70 tuổi.

Ông ta và bà vợ vào thăm con cái là hàng xóm nhà tôi. Hồi đó ba mẹ tôi đi làm kinh tế xa nhà, hai tuần mới về thăm con một lần, còn các chị thì đi làm, đi học, ở nhà có mỗi tôi với hai em trai. Ông bà chăm tụi tôi như cháu ruột. Một buổi trưa vắng ông một mình sang nhà tôi, vào phòng ngủ của tôi. Phòng này ông bà vẫn thường vào. Vẫn như mọi ngày tôi vui vẻ chào ông hỏi ông có việc gì. Ông đứng ở cửa nhìn tôi lạ lùng.

Tôi ớn lạnh xương sống và ngửi thấy hơi men. Đúng như tôi nghĩ, ông ngồi xuống giường ngủ và kéo tôi vào lòng, vòng tay qua ôm xiết eo tôi, xưng tên. Thật kinh tởm làm sao, tôi cảm thấy được có một vật cộm dưới mông của mình. Trời ơi, tôi bắt đầu run nhưng tôi không cho phép mình la hét hay giãy giụa vì tôi tự biết giờ này chẳng có ai. Tôi nghĩ tới bà và nghĩ nếu ra được cánh cửa kia, gọi bà mà không có tôi có thể sẽ bị bắt lại. Nếu vậy tôi sẵn sàng nhảy luôn xuống cái mương, chết cũng được miễn sao thoát.

Ông ta hôn hít lưng tôi, rồi kéo mặt tôi quay xuống hôn hít má. Tôi cảm thấy mình như sắp nghẹt thở vì bị ôm xiết, nhưng tôi vẫn cố tỏ ra bình thường kêu lên: “À ông ơi để con lấy cái này cho ông nha. Bà dặn ông qua thì lấy cho ông”. Lúc đó ông ta mới hỏi cái gì và thả lỏng tôi ra. Chỉ chờ có thế, tôi nhẹ nhàng ra ngoài và gọi bà qua chơi như thường ngày. May mắn rằng có người, không phải là bà mà chị hàng xóm. Hai chị em đứng tám chuyện, ông tự đi ra. Từ đó tôi luôn luôn khóa cửa và không cho ai vào, kể cả người quen, tôi chỉ đứng nói chuyện qua cửa sổ khi ai có việc tới.

Lần tôi thấy giận giữ và muốn cho cái đối tượng đồi trụy kia chết luôn là tết năm 2015, tôi qua nhà cô tôi chơi. Ông này hơn 60 tuổi, là bạn thân của cô. Cô khen và ca ngợi ông ta hết lời, rằng ông ta hay làm từ thiện. Tết ông ta tới nhà cô chúc tết. Tôi, cô tôi và ông ta ngồi bàn chuyện rôm rả. Nhưng hỡi ôi, lúc cô tôi vừa đi xuống dưới bếp lấy đồ, ông ta chụp cả hai tay ông ta lên ngực tôi mà vẫn tỏ ra rất lịch sự: “Xin lỗi con cho chú kiểm tra chút nha, bệnh nghề nghiệp chú muốn biết sức khỏe của con thế nào”.

Tôi há hốc mồm không kịp phản ứng. Cô tôi chuẩn bị đồ ăn xong mang lên thì ông ta thay đổi hẳn, trở nên lịch thiệp, nho nhã vô cùng. Tôi không nói với cô vì sợ mất vui không khí tết và trong mắt cô, ông ta đức độ vô cùng thì liệu cô tôi có tin những lời tôi nói không. Sau đó rất lâu tôi có kể cho cô tôi, y như rằng cô phản ứng: “Làm sao mà chú ấy cư xử kỳ như vậy được, chú ấy tốt lắm con, con hiểu lầm chú ấy rồi”.

Dễ trở thành nạn nhân vì lời nói không có trọng lượng?

Mới đây, tại hội thảo “Bạo lực giới đối với người khuyết tật”, bà Elisa Fernandez, Trưởng Văn phòng UN Women tại Việt Nam cho biết: “Theo nghiên cứu, trên thế giới, trung bình phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật bị bạo lực gia đình nhiều gấp hai lần phụ nữ khác và họ cũng chịu các hình thức bạo lực đặc biệt vì tình trạng khuyết tật của họ, bao gồm bị cô lập, bạo lực mang tính hệ thống và ngăn cản việc sử dụng thuốc, đi lại, các thiết bị trợ thính và hỗ trợ người khiếm thị. Đặc biệt, phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật có nguy cơ bị cưỡng chế điều trị và chăm sóc sức khoẻ sinh sản mà không có sự đồng ý của họ”.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã từng công bố kết quả một cuộc nghiên cứu về tình trạng trẻ em khuyết tật bị bạo hành trên thế giới (bao gồm trẻ bị dị tật bẩm sinh, tự kỷ, bị dị tật do tai nạn, xung đột, chiến tranh, do hành vi bạo hành của người lớn...). Kết quả cho thấy, trẻ em khuyết tật có nguy cơ bị tấn công bạo lực cao gần gấp 4 lần so với trẻ em bình thường; người khuyết tật dễ trở thành nạn nhân của bạo hành hoặc xâm hại hơn cả.

Ở Việt Nam, những năm qua cộng đồng xã hội cũng phát hiện được rất nhiều trường hợp trẻ khuyết tật bị chính cha mẹ, người thân, thầy cô giáo và những người có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc xâm hại và bạo hành. Điển hình là các vụ việc từng gây rúng động dư luận: giáo viên, bảo mẫu tại Trường Tiểu học chuyên biệt A.V (TP Hồ Chí Minh) nhẫn tâm dạy trẻ tự kỷ bằng việc dùng gậy đánh, tát, nhéo vào bộ phận sinh dục (năm 2014).

Vụ bé gái khuyết tật trí tuệ 14 tuổi, ở Quảng Bình, bị hàng xóm cưỡng hiếp (năm 2014). Vụ một bé trai 14 tuổi, ở Nghệ An bị tật bẩm sinh dẫn đến câm, bất thường về thần kinh bị người hàng xóm đưa ra khỏi nhà nhiều ngày và xâm hại, bạo hành dã man rồi bỏ mặc (năm 2014)...

Điều đáng nói là dù là đối tượng dễ bị bạo hành và xâm hại nhưng trẻ khuyết tật lại ít có khả năng được can thiệp, bảo vệ pháp lý hoặc chăm sóc phòng ngừa. Năm 2015, xảy ra vụ việc bé gái 13 tuổi bị câm điếc bẩm sinh ở TP Hồ Chí Minh bị xâm hại dẫn tới có thai nhưng phải tới gần đây mới có một tổ chức xã hội đứng ra nhận bảo vệ miễn phí cho gia đình dù việc xảy ra từ rất lâu. Hồ sơ của em đã được chuyển lên Tòa án gia đình và người chưa thành niên thuộc TAND TP Hồ Chí Minh. 

Như vậy có thể hiểu, người khuyết tật nói chung và trẻ em khuyết tật nói riêng dễ trở thành nạn nhân của hành vi tấn công tình dục, không chỉ bởi cơ thể họ yếu ớt không có khả năng kháng cự, mà còn do lời nói không có trọng lượng. 

Nguyễn Thị Thơm cô gái được nhắc tới ở trên đã từng chia sẻ: “Tôi thương cho những người khiếm khuyết lắm, họ hay trở thành đối tượng bị lạm dụng vì không có khả năng tự vệ, lời nói lại không có trọng lượng, vì không ai tin là họ bị như vậy. Ví dụ như nhiều người ngạc nhiên khi biết người điên có thai, vì nghĩ rằng họ xấu, bẩn thế ai mà thèm.

Những người khuyết tật dạng khác cũng vậy, họ dễ trở thành đối tượng tấn công của những kẻ xấu. Khi người khuyết tật tố cáo chuyện họ bị xâm hại, hãy tin họ.  Bây giờ trong ví tôi luôn có bao cao su chỉ với một lý do đơn giản là nếu như có rơi vào tình huống bị cưỡng hiếp không thể thoát thì hãy bình tĩnh đưa bao cao su cho đối tượng để bảo vệ sức khỏe bản thân”. 

Việt Nam là quốc gia thứ hai trên thế giới và đầu tiên ở châu Á phê chuẩn Công ước của Liên Hợp quốc về quyền trẻ em. Điều 23 của Công ước của Liên Hợp quốc quy định phải công nhận quyền được chăm sóc đặc biệt của trẻ bị khuyết tật. Việt Nam đã ban hành các văn bản qui phạm pháp luật bảo vệ trẻ em phù hợp với tinh thần của Công ước.

Chương trình Hành động quốc gia vì trẻ em và Chương trình  Bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016–2020 với mục tiêu “Mọi trẻ em đều được bảo vệ để giảm nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, chú trọng bảo vệ trẻ em để không bị xâm hại; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, hòa nhập cộng đồng và có cơ hội phát triển” đã và đang được thực hiện. 

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều điều cần được cập nhật, điều chỉnh để phù hợp hơn với đối tượng trẻ em nói chung và trẻ khuyết tật nói riêng như: cần tập trung phổ biến pháp luật, nâng cao hiểu biết cho người dân về quyền của trẻ khuyết tật, hoạt động phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp của cộng đồng; giáo dục cho trẻ khuyết tật nhận thức được việc bị xâm hại, bạo hành để lên tiếng; cần tham gia hỗ trợ pháp lý, bảo vệ cho trẻ trước tòa; các tổ chức xã hội, cơ quan nhà nước, cộng đồng xã hội cần chung tay, phối hợp, đoàn kết để tạo nên sức mạnh tổng thể để bảo vệ an toàn cho trẻ em, nhất là trẻ khuyết tật.

Đọc thêm