Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng: Nâng cao nhận thức xã hội

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đó là một trong những nội dung đáng chú ý tại dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng đang được Bộ Thông tin – Truyền thông lấy ý kiến của người dân.
Để bảo vệ trẻ trên môi trường mạng cần sự chung tay của các cơ quan chức năng và gia đình.
Để bảo vệ trẻ trên môi trường mạng cần sự chung tay của các cơ quan chức năng và gia đình.

Nỗ lực bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

Trên mạng xã hội Facebook đã từng xảy ra một vụ việc mà giới chuyên môn gọi là “kẻ cướp trên mạng”. Một nhóm các em nhỏ dưới 16 tuổi năm 2018 thành lập nhóm Facebook với mục đích tạo nguồn cảm hứng, động lực học tập cho cộng đồng các bạn học sinh, sinh viên. Sau thời gian dài với những hoạt động chia sẻ tích cực, giữa năm 2021, nhóm đã đạt cột mốc hơn 30.000 thành viên.

Tháng 6/2021, một thành viên trong Ban quản trị của nhóm (group) nhận được tin nhắn để hỏi mua group nhưng tất cả thành viên trong Ban quản trị đều không đồng ý nên đã chặn tài khoản lạ này. Sau đó một tài khoản khác tiếp tục nhắn tin cho quản trị viên với những lời lẽ đe dọa gay gắt hơn.

Các tài khoản lạ liên tục gây sức ép khiến trưởng nhóm group đành phải giao quyền quản trị.

Ngay sau khi nắm được quyền trong tay, lập tức những tài khoản lạ này đã đẩy các bạn thành viên ra khỏi nhóm, khóa hết tất cả các tài khoản mạo danh từng liên lạc với các bạn để không còn truy lùng được dấu vết.

Các nạn nhân nhỏ tuổi đã quyết định lập một fanpage để phơi bày vụ việc và có không ít bạn nhỏ khác đã chia sẻ rằng các group học tập do chính mình tạo ra và xây dựng cũng từng rơi vào trường hợp tương tự.

Gần đây Cục Trẻ em – Bộ LĐ-TB&XH cũng nhận được nhiều các thắc mắc, đặc biệt trong riêng tháng 5/2021 có tới 40 cuộc gọi liên quan tới vấn đề xâm hại trẻ em trên môi trường mạng, đồng thời cũng đã có hơn 30 cuộc gọi để phản ánh về những kênh, các clip có nội dung không phù hợp với trẻ em trên mạng.

Để nâng cao hiệu quả bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, ngày 1/6/2021, Thủ tướng đã ký Quyết định số 830/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một chương trình hành động quốc gia để bảo vệ trẻ em trên môi trường Internet. Chương trình có một số điểm đặc biệt: đầu tiên đó là chương trình liên ngành, đa ngành với sự tham gia của tất cả các bên liên quan tới trẻ em từ chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội, gia đình, nhà trường...

Phát huy tính chủ động của trẻ và gia đình

Hiện dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng với các nội dung: đưa ra khuyến nghị về chuẩn mực hành vi, ứng xử cho người dùng trên không gian mạng để bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ tiềm ẩn trên không gian mạng; nâng cao nhận thức của xã hội đối với các nguy cơ của trẻ em khi hoạt động trên không gian mạng; phổ biến cách thức báo cáo khi có nghi ngờ về các hành vi xâm hại cho trẻ em trên không gian mạng, đang được Bộ Thông tin – Truyền thông công bố lấy ý kiến góp ý của nhân dân.

Bộ Quy tắc áp dụng cho 5 nhóm đối tượng, gồm trẻ em; cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ; người dùng internet; đơn vị truyền thông và người sáng tạo nội dung trên không gian mạng; doanh nghiệp cung cấp hạ tầng mạng, nội dung tại Việt Nam.

Dự thảo bên cạnh việc nêu rõ quy tắc ứng xử cho trẻ em khi tham gia các hoạt động trên không gian mạng, thì cũng yêu cầu cha mẹ kiểm tra, giám sát việc sử dụng internet của trẻ. Cụ thể, theo dự thảo, cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ cần luôn trau dồi, cập nhật các kiến thức, kỹ năng đảm bảo an toàn thông tin, bảo vệ trẻ em trên không gian mạng; chú ý quan tâm, kiểm tra, giám sát việc sử dụng internet của trẻ, các nội dung trẻ tìm kiếm, ứng dụng trẻ sử dụng, mối quan hệ của trẻ trên không gian mạng, những thay đổi bất thường của trẻ để đảm bảo trẻ luôn được bảo vệ trên không gian mạng; tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ trẻ em trên không gian mạng tại gia đình, nhà trường, cộng đồng, xã hội…

Có thể nói, dự thảo Bộ quy tắc ứng xử đã chứa đựng khá đầy đủ nội dung khuyến nghị. Và thực tế cũng mang đến một nhận thức rằng thay vì việc chỉ trông chờ các cơ quan quản lý nhà nước “thanh lọc” môi trường mạng, trẻ em và gia đình có thể chủ động trong việc học hỏi và xây dựng các kiến thức, kỹ năng, tạo sức đề kháng cho bản thân trước các thông tin xấu độc, chương trình không phù hợp, sai lệch hay các lừa đảo trên mạng.

Việc đồng hành với trẻ là vô cùng quan trọng và không thể hời hợt, mỗi độ tuổi, bố mẹ cần tìm hiểu cách đồng hành với con. Cấm đoán không bao giờ là giải pháp để bảo vệ con vì trẻ em sinh ra trong thời đại công nghệ số. Cấm đoán thường có tác dụng ngược khiến trẻ có thể tò mò mà lén lút, tự tìm hiểu càng dễ gặp rủi ro, và nếu gặp rủi ro lại không dám nói với bố mẹ vì sợ bị mắng, mắc lỗi. Do đó, điều tiên quyết là cha mẹ nên tôn trọng con, cùng con tìm hiểu các lợi ích và rủi ro trên môi trường mạng, cùng con phân tích lợi hại, cách xử lý tình huống để tăng tư duy phản biện của con.

Cũng theo dự thảo Bộ quy tắc ứng xử, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp truyền thông và người sáng tạo nội dung trên không gian mạng cần ưu tiên đặt lợi ích của trẻ em và bảo vệ trẻ em lên hàng đầu. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet và doanh nghiệp cung cấp nền tảng kiểm soát độ tuổi, tần suất sử dụng của trẻ, loại bỏ các nội dung độc hại đối với trẻ em…

Về vấn đề nhiều nội dung độc hại đang tràn lan trên Internet hiện nay, ông Hoàng Minh Tiến - Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ tại Toạ đàm “SNET – Online chuẩn, Mùa hè vui” mới đây: “Chúng tôi ước tính đến 99% các nội dung đều được kiểm duyệt trước khi đưa lên các kênh mạng.

Tuy nhiên, việc kiểm duyệt nội dung còn là sự phối hợp giữa nền tảng và các cơ quan chức năng. Người sản xuất nội dung phải chú ý nội dung phải phù hợp với tâm sinh lý của trẻ, phù hợp thuần phong mỹ tục của Việt Nam”.

Đọc thêm