“Bắt bệnh” chạy chức, chạy quyền: (Bài 1) Núp bóng quy trình

(PLO) - Lợi dụng sự bất cập và không rõ ràng của các quy định trong công tác bổ nhiệm, đề bạt cán bộ nên tại không ít địa phương, khi sai phạm trong lĩnh vực này bị phát hiện thì nơi nào cũng giải thích là bổ nhiệm “đúng quy trình”, nhưng  thực tế lại “nâng đỡ không trong sáng”, không  đúng người, đúng việc.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhiều lần nêu vấn đề: Tại sao có hiện tượng đề bạt, cất nhắc nhiều người nhà, người thân quen mặc dù không đủ tiêu chuẩn?- Hình minh họa

Lợi dụng sự bất cập và không rõ ràng của các quy định trong công tác bổ nhiệm, đề bạt cán bộ nên tại không ít địa phương, khi sai phạm trong lĩnh vực này bị phát hiện thì nơi nào cũng giải thích là bổ nhiệm “đúng quy trình”, nhưng  thực tế lại “nâng đỡ không trong sáng”, không  đúng người, đúng việc.

Bổ nhiệm dựa vào sự thân quen, trục lợi

Thực tế cho thấy, trong thời gian dài vừa qua đã xảy ra không ít chuyện tiêu cực trong công tác cán bộ, khiến dư luận tỏ ra hoài nghi, bức xúc, nhất là tình trạng “chạy chức, chạy quyền”, dẫn đến hậu quả người tài không có cơ hội làm việc trong bộ máy nhà nước, gắn liền với đó là nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp chiến lược bị hư hỏng, phải cách hết chức vụ trong Đảng, thậm chí bị truy tố trách nhiệm hình sự.

“Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 vừa qua đã đánh giá rất rõ về công tác cán bộ nói chung và công tác bổ nhiệm, đề bạt cán bộ nói riêng vẫn còn những bất cập. Đảng đã nhận định rồi, cũng có những người thoái hóa biến chất được đứng trong hàng ngũ của Đảng và Nhà nước; có người ở giai đoạn trước xét duyệt, giờ mới lộ rõ là không đủ tiêu chuẩn, phẩm chất - từ bằng cấp cho đến lợi dụng bè phái, kết bè kéo cánh để đưa vào cấp ủy, đưa vào các vị trí lãnh đạo - từ đó họ chạy chức, chạy quyền”, giờ mới thu vén lại. Họ tham nhũng doanh nghiệp, tham nhũng ngân sách nhà nước và tham nhũng ngay tại chính cơ quan của mình” - ông Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội nói.

Trao đổi với Pháp luật Việt Nam, ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa khóa XI, XII cũng cho rằng, công tác cán bộ có ý nghĩa quyết định đến việc thành bại của phong trào, nhưng việc tuyển dụng, đề bạt, cất nhắc lại không dựa vào các quy định, tiêu chuẩn mà lại dựa vào sự thân quen, trục lợi. Đến khi phanh phui làm rõ thì ai cũng nói là đúng quy trình; điều đó thể hiện quy trình đúng nhưng mục tiêu đề bạt cán bộ lại không đúng đối tượng.

Chứng tỏ con người thực hiện quy trình đó có ý đồ cá nhân, dùng quy trình đó để hợp thức hóa cái sai của mình. “Theo tôi được biết thì vấn đề này đã được Bộ trưởng Bộ Nội vụ đề cập đến. Qua quá trình thanh tra, Bộ này đã phát hiện có đến 10% cán bộ được để bạt, cất nhắc không đúng quy định. Nhưng ông Bộ trưởng cũng cho rằng con số này trên thực tế chưa phải chính xác, có nghĩa là nó còn cao hơn con số 10%. Mặt khác, vấn đề này diễn ra ở khắp mọi nơi, chứng tỏ các quy định về đề bạt, bổ nhiệm cán bộ trên văn bản cũng như thực tế chưa đảm bảo yêu cầu”- ông Lê Văn Cuông nhận xét.

Cán bộ chưa đảm đương được công việc được giao

Có thể nói, do công tác đánh giá cán bộ vẫn còn hình thức, chưa lấy hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ làm thước đo phẩm chất, năng lực cán bộ nên việc bố trí, sắp xếp, bổ nhiệm cán bộ còn tồn tại nhiều sai sót. Nói như ông Nguyễn Đức Hạt, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương thì “hiện tại vẫn còn tình trạng cán bộ được đánh giá là tốt, có năng lực, nhưng chất lượng, hiệu quả công việc không cao, thậm chí chưa đảm đương được công việc được giao”.

Cũng vì tình trạng này diễn ra khá phổ biến nên đã gây mất niềm tin của nhân dân. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần đặt câu hỏi: Tại sao dư luận cứ nói rằng, “thứ nhất quan hệ, thứ hai tiền tệ, thứ ba hậu duệ”, và cuối cùng mới là trí tuệ? Thân quen “cánh hẩu” thì bố trí để tạo “vây cánh” cho mình, hoặc thích thì nói thật hay, qua đào tạo nhưng cũng chỉ “tráng men” thôi?...

Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác xây dựng Đảng năm 2017 diễn ra vào đầu năm nay, người đứng đầu Đảng ta một lần nữa nêu vấn đề: Tại sao có hiện tượng đề bạt, cất nhắc nhiều người nhà, người thân quen mặc dù không đủ tiêu chuẩn? Vì sao cứ nói bổ nhiệm đúng quy trình nhưng kết quả thực tế bố trí cán bộ lại là sai. Do đó, phải chống cho được bè phái, “lợi ích nhóm” trong công tác cán bộ.  Tổng Bí thư cho hay: “Ngay từ năm 2014, tôi nêu vấn đề trong nhân dân có nói chuyện “chạy chức, chạy quyền”, đề nghị làm rõ có hay không hiện tượng này. Nếu có thì ai chạy, chạy ai? Nay chúng ta đã làm rõ một bước… nhưng đây vẫn là vấn đề nhức nhối”.

“... Nhưng đây vẫn là vấn đề nhức nhối” - nói lên điều này, Tổng Bí thư muốn nhấn mạnh rằng, bên cạnh những thành tích đã đạt được rất đáng ghi nhận, ngành tổ chức xây dựng Đảng cũng cần thẳng thắn, nghiêm túc nhìn nhận những hạn chế và khuyết điểm để khắc phục. Gần đây, Trung ương đã kịp thời ban hành nhiều chủ trương, chính sách mới nhằm bịt kín các “kẽ hở” trong công tác luân chuyển, điều động, bổ nhiệm cán bộ, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Bởi vậy, cho đến nay, tình trạng cán bộ được bổ nhiệm “đúng quy trình”, bổ nhiệm “thần tốc” vẫn còn diễn ra tại nhiều nơi.

 “Qua nhận định của Trung ương và xem xét lại những sự việc thời gian vừa qua, chúng ta thấy việc “bổ nhiệm thần tốc” đã diễn ra ở một số nơi, như Thanh Hóa, Quảng Nam, Bình Định và ngay cả Trung ương. Và vừa mới đây, tôi xem tivi thấy ở Tổng Công ty Cảng Hàng không cũng có một đồng chí trước khi về hưu đã đề bạt một loạt anh em, thậm chí có 67 cán bộ được bổ nhiệm chỉ trong một ngày... Điều này khiến người ta nghi ngờ sự trong sáng trong những quyết định đó. Có phải đây là yêu cầu công tác hay vì vấn đề gì khác?

Do vậy, sáng nay tôi đi tập thể dục, nhiều đồng chí lão thành cách mạng thấy tình hình đó cũng băn khoăn và nhờ tôi nếu có điều kiện thì lên phản ánh với cấp trên cần xem xét lại những quyết định đề bạt đó có đúng với quy trình không? Những người được đề bạt có đủ những tiêu chuẩn mà các cơ quan nhà nước đã đề ra, hay vì đây là “lợi ích nhóm”, thậm chí vì lợi ích cá nhân- trước khi về hưu ông làm “một cú” để lo cho bản thân mình?”- ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam băn khoăn.

Theo ông Nguyễn Túc, “dù chưa có chứng cứ, nhưng riêng việc đề bạt với số lượng đông và theo cách hơi đặc biệt đó cũng làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân băn khoăn, thắc mắc. Với tính dân chủ và công khai hiện nay, người ta cũng yêu cầu những cơ quan có trách nhiệm phụ trách bộ phận đó cần xem xét, thẩm tra lại, cái gì không đúng phải sửa, những đồng chí nào làm sai phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân. Có như thế thì kỷ cương, phép nước mới nghiêm và đấy cũng là một cách để răn đe các đồng chí khác, tránh không tiếp diễn những sự việc đã diễn ra”. 

Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII (Nghị quyết số 26-NQ/TW) đã chỉ rõ:  “Việc sắp xếp, bố trí, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử vẫn còn tình trạng đúng quy trình, nhưng chưa đúng người, đúng việc. Tình trạng bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, trong đó có cả người nhà, người thân, họ hàng, “cánh hẩu” xảy ra ở một số nơi, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Công tác tuyển dụng, thi nâng ngạch công chức, viên chức còn nhiều hạn chế, chất lượng chưa cao, chưa đồng đều, có nơi còn xảy ra sai phạm, tiêu cực…”.
“Vừa mới đây, tôi xem tivi thấy ở Tổng Công ty Cảng Hàng không có một đồng chí trước khi về hưu đã đề bạt một loạt anh em, thậm chí có 67 cán bộ được bổ nhiệm chỉ trong một ngày... Điều này khiến người ta nghi ngờ sự trong sáng trong những quyết định đó. Có phải đây là yêu cầu công tác hay vì vấn đề gì khác?
Những người được đề bạt có đủ những tiêu chuẩn mà các cơ quan nhà nước đã đề ra, hay vì đây là “lợi ích nhóm”, thậm chí vì lợi ích cá nhân - trước khi về hưu ông làm “một cú” để lo cho bản thân mình?” (ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam)