Công tác cán bộ không thể “độc quyền”
Theo ông Lưu Bình Nhưỡng- Ủy viên Thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, muốn công tác bổ nhiệm, đề bạt cán bộ đi vào thực chất, trước hết phải tiêu chuẩn hóa cán bộ, “mà tiêu chuẩn hóa cán bộ phải rất rõ ràng, từ phẩm chất đạo đức, chính trị đến chuyên môn, nghiệp vụ”. Cùng với đó, thông tin về một con người ở dạng đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển... phải được công khai rộng rãi, minh bạch cho tất cả các cơ quan có thẩm quyền cũng như những người có trách nhiệm và nhân dân được đánh giá.
“Chúng ta đừng nên quá bí mật và bí hiểm trong khâu đánh giá cán bộ. Từ trước tới nay chúng ta thường lợi dụng câu chuyện bí mật (ví dụ cái này chỉ mấy ông thường vụ biết, cái kia chỉ ông nọ, bà kia biết thôi), từ đó dẫn đến chỗ người ta không đủ thông tin để xử lý và cũng lấp liếm được những sai phạm của cán bộ đưa ra đề bạt. Vậy thì bây giờ phải làm công khai.
Tại sao đi kết nạp Đảng thì công khai rất rõ mà lại không công khai đồng chí này đang được đưa vào diện bổ nhiệm để lấy ý kiến, xem có ý kiến thắc mắc gì không? Đến khi bổ nhiệm xong, “lòi” ra sai phạm mới cho rằng không đủ thông tin, không có ai phản ánh. Người ta biết anh bổ nhiệm lúc nào mà phản ánh? Tại sao đại biểu Hội đồng nhân dân, đại biểu Quốc hội thì công khai cho toàn bộ cử tri mà những người giữ những chức vụ quan trọng, những người giữ tiền, giữ bạc, thậm chí là nắm giữ quyền sinh, quyền sát lại không công khai?
Đừng biến công tác cán bộ thành một vấn đề riêng, độc quyền của Đảng. Đã là cán bộ của Nhà nước, của nhân dân thì Đảng là người giới thiệu và chịu trách nhiệm nhưng phải do Nhà nước và nhân dân quyết định, đấy mới là phương án đảm bảo được tính công khai, dân chủ và Đảng phải phát huy tính dân chủ mạnh mẽ hơn trong công tác cán bộ”- ông Nhưỡng đề nghị.
Vẫn theo ông Nhưỡng, để có đủ cơ sở xử lý các vấn đề, Đảng phải lấy đầy đủ thông tin từ các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, của người dân, báo chí, Mặt trận... Khi ấy việc xây dựng con người mới thực sự toàn diện; tỉ lệ sai phạm sau này cũng sẽ thấp hơn, bởi những nhân sự này đã được lựa chọn kỹ lưỡng từ trước đó.
“Cứ úp úp, mở mở trong một bộ phận nhỏ”
Đồng ý với quan điểm cho rằng vấn đề quy hoạch, đề bạt, cất nhắc cán bộ lâu nay thường mang tính khép kín, ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thừa nhận: “quy định của mình trước đây không thể hiện sự dân chủ, công khai, minh bạch... đó là nguyên nhân để cho những người có thẩm quyền trong công tác tổ chức lợi dụng để trục lợi và thực hiện ý đồ cá nhân của mình nhằm đưa những người trong dòng họ hoặc những người có cùng lợi ích để tạo thành vây cánh, lợi ích nhóm”.
Việc công khai, minh bạch trong công tác cán bộ không chỉ đề phòng được trường hợp người đứng đầu hoặc của nhóm người có thẩm quyền thực hiện được ý đồ cá nhân mà còn tạo điều kiện cho nhân dân nắm được thông tin để họ giám sát xem đối tượng đó có xứng đáng đủ tiêu chuẩn để đưa vào diện đề bạt, cất nhắc hay không.
“Lâu nay, do không thực hiện nghiêm nguyên tắc công khai, minh bạch mà cứ úp úp, mở mở trong một bộ phận nhỏ nên người ta cứ thì thào trao đổi và suy đoán chứ không nắm bắt được cụ thể... Từ đó những vấn đề về điểm mạnh, điểm yếu hay những vấn đề không đảm bảo tiêu chuẩn của các cán bộ không được xem xét và giám sát”- ông Lê Văn Cuông nhận xét.
Từ thực tế đó, ông Cuông đề xuất phải có thiết chế để đảm bảo được sự công khai trong công tác cán bộ, tạo cơ sở cho người dân được đánh giá, nhận xét và phát hiện các khiếm khuyết hoặc các vấn đề khác chưa đạt tiêu chuẩn, yêu cầu của cán bộ; trên cơ sở đó nhân dân mới có thể có ý kiến và thông qua các ý kiến này, tổ chức mới xem xét, đánh giá.
“Không thể để các ý kiến liên quan đến cán bộ hoặc dư luận liên quan đến cán bộ không được minh bạch, bao che cho nhau. Nói tóm lại, phải có thiết chế để đảm bảo dân chủ, công khai trong công tác cán bộ, từ đó sẽ ngăn chặn được các ý đồ cá nhân thao túng công tác cán bộ và chọn được những nhân sự đúng tiêu chuẩn, hợp lòng dân và đảm bảo được chất lượng theo đúng yêu cầu của công tác cán bộ”- ông Cuông nói.
Đây là thời điểm thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp
“Tại Hội nghị phòng chống tham nhũng toàn quốc diễn ra cuối tháng 6 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói đến vấn đề này. Đảng ta cũng nhấn mạnh đến tính cấp bách của vấn đề, xác định rõ lấy thời điểm này là thời điểm thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp.
Vấn đề thứ hai, kiểm soát công tác đánh giá, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ, tức là đi sâu vào một trong những vấn đề mà chúng ta gọi là hành vi của các cơ quan, tổ chức có liên quan đến việc bổ nhiệm, đề bạt người có vị trí lãnh đạo, chứ không phải là cán bộ thông thường. Đó là những người có vị trí lãnh đạo có khả năng liên quan đến tham nhũng, lãng phí, vi phạm pháp luật... (Ông Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội).
|