Bất chấp tính mạng để săn "lộc trời"

(PLO) - Tại nhiều bản làng thuộc huyện Trùng Khánh (Cao Bằng), người dân mưu sinh bằng nghề leo trèo trên các vách núi đá cheo leo để săn, hái thảo dược. Biết là nguy hiểm nhưng  vì miếng cơm, manh áo mà nhiều người bất chấp tính mạng của mình để săn “lộc trời”, bởi nếu “trúng mánh” thì họ sẽ kiếm được một khoản tiền kha khá. 
Các loại cây thảo dược mà tư thương mua được bà con ngâm rượu rồi đem ra chợ bán.
Các loại cây thảo dược mà tư thương mua được bà con ngâm rượu rồi đem ra chợ bán.
Cược mạng sống với “lộc trời”
Với “cơn sốt” thảo dược như hiện nay, đồng bào người Tày thuộc huyện Trùng Khánh lại đổ xô lên các đỉnh núi để săn tìm “lộc trời”. “Lộc trời” chủ yếu là những cây thảo dược quý hiếm, được người dân hái về để bán cho các tiểu thương. Cứ vào các phiên chợ, tiểu thương lại mang những chiếc xe tải có thùng cỡ lớn về để gom hàng. Sau khi thảo dược chất đầy thùng, những chiếc xe tải này lại thay phiên nhau chở về vùng biên giới tiêu thụ.
Để săn tìm được thảo dược quý hiếm, người dân phải tìm đến những vách núi cheo leo, những mỏm núi cao mà không có bất cứ biện pháp bảo hộ nào, chỉ cần sẩy chân là có thể thiệt mạng ngay tức khắc. Tờ mờ sáng là đồng bào lại nườm nượp tìm về các ngọn núi để săn tìm. 
Anh Chung Văn Ý (26 tuổi) người ở xóm Bản Khuông, xã Thông Huề, huyện Trùng Khánh cho biết: “Giờ kiếm được các cây như xiên rim, vằng lèn, mác pin, boóc lương bán cũng được chút ít tiền trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, để kiếm được những cây này cũng không hề đơn giản, nếu không quen đi núi thì không hái được đâu. Cây quý thường mọc ở những chỗ nguy hiểm, mình mà không cẩn thận là mất mạng như chơi”. 
Theo anh Ý, tùy theo mỗi loại cây sẽ có giá bán khác nhau, thông thường cây nào càng khó tìm thì giá càng cao. Ví dụ như cây boóc lương sẽ có giá bán là 200 nghìn/0,1kg, còn cây vằng lèn thì rẻ hơn 10 lần nhưng dễ kiếm vì nó có thân cây to hơn nhiều lần. Anh Ý nói thêm: “Ban đầu lên núi cũng sợ lắm, nhìn xuống dưới chóng mặt nhưng đi vài lần khắc quen, giờ không còn cảm giác sợ hãi nữa, chỉ là phải trèo cao nên chóng mệt, vất vả”. 
Cũng theo anh Ý, những cây thuốc mà tư thương thu mua thường là thảo dược quý hiếm, có công dụng tẩm bổ, điều trị các bệnh đau xương khớp, nội tạng. Hiện giờ việc săm tìm thảo dược khó khăn gấp nhiều lần so với những năm về trước. Có những ngày anh Ý tìm kiếm cả mấy ngọn núi mà không thấy bóng dáng cây thuốc nào. 
Anh Ý cho biết: “Mỗi năm tiểu thương lại chuộng mua một loại cây khác nhau. Những năm trước họ bảo chúng tôi săn vỏ cây thanh thừng, mác kham, thau lượt, năm nay lại là các cây thuốc bổ mọc ký sinh như mác pin, vằng lèn, boóc lương… Tôi thấy lạ nhưng không hỏi, họ yêu cầu thứ gì thì mình cung cấp thứ đó, miễn là có tiền…” .
Đây là cây xiên rim được người dân cho là thần dược trong việc chữa đau xương khớp khi ngâm với rượu.
Đây là cây xiên rim được người dân cho là thần dược trong việc chữa đau xương khớp khi ngâm với rượu. 
Nguy hiểm rình rập
Ở Bản Khuông  không chỉ có người lớn đi săn thảo dược mà cả trẻ nhỏ cũng tham gia. Phóng viên theo chân đoàn học sinh đi tìm thảo dược để bắt chuyện, em Nông Văn Luân, học sinh lớp 7 cho biết: “Tranh thủ ngày nghỉ học, em và các bạn tranh thủ lên núi tìm cây xiên rim - một loại cây thuốc quý thường mọc ngang giữa các vách núi”. Khi thấy bọn trẻ leo trèo, chúng tôi không khỏi rùng mình, thót tim khi nhìn bàn chân các em bước thoăn thoắt trên các hòn đá tai mèo lởm chởm dựng đứng. 
Em Nông Văn Luân tâm sự: “Cứ mỗi bận rảnh rang là em lại cùng mấy đứa bạn trong làng lập nhóm đi tìm cây xiên rim, lá trầm, vằng lèn. Nếu chăm chỉ, mỗi buổi bọn em cũng kiếm được từ 100 đến 200 nghìn đồng”. 
Hiểm nguy không chỉ đến từ những vách núi đá dựng đứng mà còn đến bởi những rắn độc, gai góc, muỗi, vắt và nhiều loại cây có nhựa độc… Thực tế đã có không ít trường hợp trẻ em, người dân bị rắn cắn, thậm chí ngã lăn xuống vực khi đi săn tìm các loài cây dược liệu.
Người dân xã Đoài Côn đến giờ vẫn chưa hết bàng hoàng về cái chết của em Mân, đang là học sinh cấp 2 ở xóm Nà Quang. Nguyên nhân dẫn đến cái chết là do em Mân rủ em Long ở Sộc Riêng lên núi săn tìm cây nồm pin, vằng lèn. Trước đó, hai em học sinh này đã kiếm được hơn một triệu chỉ trong một ngày lên núi. Vì một chút liều lĩnh nên ngày hôm sau Mân đã bị trượt ngã rơi xuống vách núi, tử vong tại chỗ. Tuy Long may mắn thoát nạn nhưng cái chết của bạn đã khiến em bị hoảng loạn, ám ảnh mãi đến bây giờ.
Sau khi thảo dược vận chuyển xuống mặt đường, tư thương sẽ cho thu mua và đem về Trung Quốc.
 Sau khi thảo dược vận chuyển xuống mặt đường, tư thương sẽ cho thu mua và đem về Trung Quốc.
“Sốt” thảo dược và những hệ lụy
Tình trạng thu mua cây thuốc quý của các tư thương để đem bán sang Trung Quốc đã diễn ra nhiều năm nay ở địa phương. Điều đáng lo ngại nhất là người dân không hề biết giá trị của các loài cây thuốc quý. Và chỉ khi nào các tư thương có nhu cầu mua với số lượng lớn, người dân mới đổ xô vào rừng tìm kiếm, khai thác. Tại các xã Thông Huề, Đàm Thủy, Ngọc Khê, Trung Phúc… (huyện Trùng Khánh) và các xã thuộc huyện Thạch An, Hòa An, Hà Quảng, Hạ Lang, Trà Lĩnh, cứ khi nào thương lái đến đặt hàng là dân bản lại đua nhau đi rừng.
Thông thường các địa điểm thu mua thảo dược đều tập trung tại các buổi chợ phiên ở xã, thị trấn. Theo chị Tâm ở huyện Trùng Khánh, một người buôn bán các hàng nông sản, cây dược liệu sang Trung Quốc nhiều năm nay cho biết: “Thấy các lái buôn bên Trung Quốc họ cần mua mấy loại cây này nên chúng tôi cứ thu mua tất cả các loại cây mà họ cần, giá bán cũng tùy vào từng loại cây và thời điểm. Ở đây nhiều cây rừng đa dạng nên nhiều người đi vào đó tìm và mang về bán vào các buổi chợ phiên. Có đợt cao điểm mỗi tháng tôi thu được hai xe hàng. Chúng tôi cũng chẳng biết họ đem sang bên đó chế biến như thế nào, lãi bao nhiêu, chỉ biết là cây thuốc ở địa phương mang ra đây thôi”.
“Cơn sốt” thảo dược hiện nay khiến các loài thuốc quý ở các miền núi đang có nguy cơ bị cạn kiệt. Vẫn biết đây là một nghề mưu sinh, tuy nhiên để săn được thảo dược quả thật là một nghề nguy hiểm, có thể đánh đổi tính mạng của người dân bất cứ lúc nào. Đây chính là bài toán hóc búa đặt ra cho chính quyền địa phương trong việc phải đẩy mạnh tuyên truyền để bà con nhận thức rõ việc làm để tự bảo vệ mình cũng như có trách nhiệm bảo vệ nguồn tài nguyên.

Đọc thêm