Bất động sản “làm khó” điện lực?

(PLO) - Nhiều dự án chung cư, bất động sản, cơ sở công nghiệp ở Hà Nội được cấp phép “bất ngờ”, đặt điện lực vào thế bị động, phải bổ sung, điều chỉnh quy hoạch phát triển lưới điện...
Công nhân điện lực Hà Nội kiểm tra tại các trạm biến áp 110KV
Công nhân điện lực Hà Nội kiểm tra tại các trạm biến áp 110KV
Điện lực “chạy theo” bất động sản
Quy hoạch phát triển điện lực Hà Nội giai đoạn 2011 – 2015, có xét đến năm 2020 được phê duyệt cách đây 4 năm tại Quyết định số 4351/QĐ-BCT ngày 29/8/2011 của Bộ Công Thương. Theo đó, việc lắp đặt trạm điện ở vị trí nào, công suất bao nhiêu được tính toán khá tỉ mỉ. Tuy nhiên, 4 năm qua nhiều khu chung cư, cơ sở công nghiệp mọc lên ồ ạt khiến quy hoạch lưới điện chạy theo “mướt mồ hôi” để cập nhật, bổ sung.
Đó là chưa kể những cơn “nóng lạnh” trên thị trường bất động sản còn khiến ngành điện khó khăn trong công tác thỏa thuận tuyến, đền bù giải phóng mặt bằng. 
Theo khảo sát của PLVN tại Hà Nội, một số nơi có tốc độ “chồng” thêm chung cư nhanh chóng mặt, như khu vực Linh Đàm, Hà Đông, Mỹ Đình…, kéo theo số lượng dân cư cục bộ cũng tăng theo cấp số nhân. Như đã biết, Hà Nội là nơi có phụ tải điện cho sinh hoạt cao nhất cả nước, chiếm trên 55% tổng nhu cầu điện. 
Việc tăng dân cư, đô thị hóa nhanh khiến phụ tải điện biến động bất thường, hết sức nhạy cảm, nhất là với tình hình thời tiết bốn mùa khi nóng, khi lạnh như ở Hà Nội. Vì vậy, ngành điện “toát mồ hôi” trong việc kéo phụ tải điện đến những khu vực này để người dân được sử dụng ổn định.
Việc khu dân cư tăng dân số đột biến, khó dự báo trước khiến ngành điện dễ rơi vào thế bị động, rủi ro cao. Có trường hợp ngành điện vừa đầu tư trạm biến áp được một thời gian chưa lâu thì đã phải nâng cấp, thay mới trạm có công suất lớn hơn để đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân. Để đầu tư một công trình như vậy, ngành điện phải bỏ ra nhiều tỷ đồng. 
Cần có quỹ đất xây trạm biến áp
Tuy nhiên, thêm hộ tiêu thụ là tăng thêm khách hàng cho ngành điện. Vì vậy, Điện lực Hà Nội cũng “vui vẻ” phục vụ. Trả lời PLVN về câu chuyện này, tổng công ty cho biết đã triển khai đầu tư xây dựng, phát triển lưới điện đáp ứng đầy đủ nhu cầu điện cho tất cả các thành phần phụ tải trên địa bàn thủ đô, trong đó có các dự án bất động sản.
Cũng theo Điện lực Hà Nội, trong quá trình vận hành hàng năm do tăng trưởng đột biến phụ tải, với những đường dây, trạm biến áp có khả năng quá tải, ngành điện sẽ có biện pháp đầu tư để khắc phục. Các dự án phát sinh so với quy hoạch được duyệt sẽ phải làm thủ tục bổ sung quy hoạch.
Liên quan đến việc khu chung cư Xa La và Linh Đàm (do Xí nghiệp xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu làm chủ đầu tư) liên tục xảy ra nhiều vụ cháy nổ, một số ý kiến cho rằng nguyên nhân là do chập điện vì quá tải. Tuy nhiên, Điện lực Hà Nội phủ nhận suy đoán này và cho biết tại thời điểm xảy ra hỏa hoạn, các hộ dân tại dự án này mới chuyển về ở được khoảng 60%, không có hiện tượng quá tải xảy ra.
Trước việc nhiều khu chung ở Hà Nội xảy ra cháy nổ, Điện lực Hà Nội cho biết, việc thẩm định về phòng cháy chữa cháy tại các khu chung cư là trách nhiệm của cơ quan cảnh sát phòng cháy chữa cháy. Tuy nhiên, trong trường hợp được tham khảo ý kiến chuyên môn về điện, ngành điện sẵn sàng hợp tác.
Điện lực Hà Nội khuyến cáo, để hạn chế rủi ro, chủ đầu tư nên lựa chọn thiết bị có chất lượng cao để bảo đảm hệ thống điện phục vụ được lâu dài và an toàn. Bên cạnh đó, việc vận hành các hệ thống điện phải tuân thủ các quy trình kiểm tra và thí nghiệm định kỳ, đảm bảo duy trì chất lượng của hệ thống điện đáp ứng được các tiêu chuẩn vận hành.
Cũng theo Điện lực Hà Nội, thông thường tại các dự án đô thị và khu công nghiệp có bố trí quỹ đất dành cho các trạm phân phối (6-10-22-35/0,4kV). Tuy nhiên, để đảm bảo lâu dài, cơ quan chức năng khi phê duyệt các dự án có công suất từ 30MVA trở lên phải yêu cầu chủ đầu tư dành quỹ đất trong dự án để xây dựng trạm 110kV.

Đọc thêm